Ngày Xuân
Đã có lúc tôi giận dỗi mà rằng, Tết này sẽ đóng cửa ở trong nhà, không đi đâu cả. Ấy là vì nắng cứ chói chang, nóng muốn tan vàng nứt đá, đi ngoài đường một lúc mắt cứ hoa lên. Ở nhà là phải.
Nhưng không. Sự chộn rộn, hào hứng, náo nức khi Xuân đến đã bán đứng chính tôi. Nó cho thấy, nói như thế là tôi đang dối mình, dối người đấy. Những ngày Xuân về, những ngày Tết đến ngồi yên trong nhà sao được?
Mà không, từ trước Tết, tôi đã không muốn ở yên trong nhà rồi. Tôi thích hòa vào dòng người trên phố, thích nhìn những ông chồng theo vợ đi chợ Tết. Đó có thể là một cuốn phim nhiều màu sắc và đa cảm xúc đấy.
Nhìn vẻ mặt của ông chồng kia, thể nào trong đầu cũng đang phàn nàn cái nỗi sao vợ mình đi khỏe thế. Từ chợ đến siêu thị đều đông nghìn nghịt, vậy mà cứ đi thoăn thoắt. Dừng chỗ này mua một thứ, rẽ ra dãy kia mua thứ khác. Đứng lên, ngồi xuống, lựa hàng, trả giá mà không có vẻ gì là mệt mỏi, mặt vẫn tươi roi rói.
Đã rời siêu thị với cơ man là đồ, khiến ông chồng bưng bê, đeo xách mệt muốn đứt hơi, chỉ mong được về, bà vợ còn rẽ vào chợ truyền thống, lại lựa hàng, trả giá, gặp người quen còn tíu tít chuyện trò.
|
Nhưng đố ông chồng giận được, cùng lắm chỉ cau có chút. Chứ đi chợ Tết cũng là một thú vui. Đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem năm nay thiên hạ ăn Tết thế nào.
Có đi mới thấy, cái gì cũng đẹp, người nào cũng tươi. Thấy nhau là muốn bắt tay, nói đôi câu bông đùa và chúc mừng năm mới bình an, hạnh phúc. Còn với người xa quê thì bao giờ cũng hỏi han “Có về quê ăn Tết không? Bao giờ về?”.
Cứ như thế, ta thấy đời đẹp hơn, đáng yêu hơn.
Ngay cả sáng mùng Một, khi nhiều nhà còn đóng cửa im ỉm, nhiều người còn quẩn quanh trong nhà vì kiêng cữ thì tôi đã náo nức du xuân.
Tôi luôn thấy lạ lùng rằng, đây chẳng phải là nơi mình sinh ra, cũng chẳng phải là nơi nuôi mình lớn lên, vậy mà vẫn thương một cách kỳ lạ, vẫn nghĩ đây là quê, là nhà mình.
Nhớ cái Tết đầu tiên, tôi ngơ ngác ra phố như một đứa con nuôi mới của gia đình đông con. Sáng mùng Một phố vắng hoe, nắng nhuộm vàng những mái nhà, khác xa cái rét mướt, mưa phùn nơi quê nhà.
Sau này tôi mới biết, sáng mùng Một Tết, mọi người ở đây sẽ đi viếng nghĩa trang, thành kính thắp nén nhang thơm lên mộ phần tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Buổi chiều người ta mới bắt đầu chơi Tết.
Ai đi thăm bà con, bạn bè thì đi, ai không đi thì gầy cuộc nhậu ở nhà hoặc uống cà phê vỉa hè, ngồi ngắm phố. Người ta cười nói chậm rãi; nhấp ngụm cà phê, đốt điếu thuốc và nhả khói cũng chậm nốt. Vậy nên thời gian như ngưng đọng trên gương mặt người, trên con phố.
Suốt ba ngày Tết năm đó, tôi lang thang trên những con đường dốc và quanh co tỏa dần ra núi; những ngôi làng yên bình với nhà sàn, cây me cổ thụ và mái nhà rông cao vút.
Khi ấy, tôi tự hỏi không biết nhà thơ Tạ Văn Sỹ đã đi những cung đường nào để viết nên “Một chút Kon Tum” vừa hiện thực vừa lãng đãng, mơ màng:
Anh thấy không, phố bốn bề xanh
Rừng vây quanh, núi cũng vây quanh
Đất vẫn xuôi mà sông chảy ngược
Trời rộng thênh, mây trắng yên lành.
Lần đầu tiên đọc bài thơ của anh, trong đầu tôi cứ vướng vít mãi hình ảnh cô gái Kon Tum đưa bạn trai về thăm phố núi. Họ đi trên những con dốc tư lự, và lâu lâu người con gái lại trách yêu “đã gì đâu mà anh mỏi chân”, dù chính cô níu tay anh ngược dốc.
Hình ảnh ấy làm mát rượi tâm hồn tôi, đến tận bây giờ!
|
Đi trên phố trong những ngày Xuân kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, tôi tin rằng mỗi người Kon Tum đều dâng trào niềm tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước.
Tôi đứng trước Ngục Kon Tum- địa chỉ đỏ cách mạng, nghiêng mình trước hai ngôi mộ chung, nơi những chiến sĩ cộng sản đã gửi máu xương lại với gió núi, mây ngàn.
Bao tiếc thương những anh hùng liệt sĩ, nhưng cũng bao tự hào về những gì cha anh để lại. Chúng ta tâm niệm đó là của cải quý giá vô song, xứng đáng để mỗi người nguyện giữ gìn như tính mạng mình.
Tôi thăm Nhà thờ gỗ, Tòa Giám mục, qua Tân Hương, Lương Khế, Phương Hòa, Phương Quý, rồi về Kon Klor, Kon Tum Kơ Pâng, Kon Hra Chót, Plei Tơ Ngia, Kon Rờ Bàng…
Mỗi bước chân qua như “đi” trong quyển từ điển nghìn năm, để gặp một Kon Tum xưa, với bao nhiêu trang kỳ thú mà nay nhiều cái không còn ở trên đời, nhưng thực ra vẫn còn trong lịch sử và trong hồn người, hồn phố.
Cuối ngày, tôi ngồi ở quán cà phê cạnh sông Đăk Bla, nhàn tản như bất cứ khách du xuân nào, và ngâm nga những câu thơ gợi nhắc chuyện tình đầy mộng mị:
Nếu một lần anh đến Kon Tum
Nhớ ghé qua dòng Đăk Bla tình sử
Mối tình thi ngày xưa dang dở
Tiếc muôn đời dòng nước ngược về tây
(Nếu một lần anh đến Kon Tum- Lệ Thủy)
Chuyện rằng, thuở xa xưa ấy, ngôi làng phía thượng nguồn và làng phía hạ nguồn có mối thù không đội trời chung. Oái oăm thay, chàng trai làng trên và cô gái làng dưới lại yêu nhau thắm thiết. Bị ngăn cản, họ quyết định lấy cái chết để có thể được ở bên nhau mãi mãi, để có thể xóa bỏ hận thù giữa hai làng.
Dòng máu của chàng trai trôi xuôi về Đông, dòng máu cô gái thì ngược dòng chảy về Tây. Khi gặp nhau, máu chàng trai nhập hòa vào máu cô gái, tiếp tục trôi ngược, cuốn luôn cả dòng sông trở dòng về hướng ấy.
Đúng như ý nguyện của họ, hai làng đã gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành. Cũng từ ấy, dòng sông cứ chảy ngược về Tây, không đổi dòng được nữa.
Tôi nghĩ, có thể sẽ có bạn đọc hờn trách nhẹ rằng, ngày Xuân mà kể chi chuyện tình buồn. Nhưng hỡi bạn, câu chuyện ấy có buồn mà không bi lụy, bởi tình yêu và đức hy sinh là sức mạnh xóa bỏ hận thù, đem lại cuộc sống yên bình, tràn đầy tình yêu thương.
Và cả những ngày Xuân hạnh phúc!/.
THÀNH HƯNG