Ngày Thầy thuốc
Điện thoại đổ chuông. Anh bạn là bác sĩ, công tác ở một trung tâm y tế huyện mời đến nhà dự “bữa cơm thân mật”, gọi là mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây là việc làm được anh duy trì nhiều năm nay.
Bữa cơm ấm cúng với những câu chuyện cảm động về nghề. Vì cả anh chị cùng làm trong ngành Y, chị là điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nên khách mời không nhiều, hầu hết là đồng nghiệp, chỉ có tôi và một người nữa là “ngoại đạo”.
Chúng tôi hay gọi đùa đây là “gia đình y tế”. Anh tếu táo: Nghề Y gắn bó với nhà tớ như cơm ăn nước uống hàng ngày, những câu chuyện nghề hiện diện bất cứ lúc nào trong gia đình, từ ăn cơm, đến uống nước, cả khi đi ngủ. Thậm chí cãi nhau cũng vì chuyện nghề.
Có lẽ lại là may mắn, vì nếu vợ, hay tớ, làm nghề khác thì sẽ không chịu nổi khi luôn phải nghe chuyện mổ xẻ, cấp cứu- anh nói vui.
Tôi đem đến biếu anh chị một hộp bánh và bó hoa nhỏ. Mọi người cũng vỗ tay, rồi nâng ly chúc mừng sức khỏe, tiếp tục gắn bó với nghề đã chọn.
|
Nhìn anh cười rạng rỡ khi nhận bó hoa, tôi lại nhớ đến hình ảnh anh trạm trưởng trạm y tế xã, áo khoác sờn vai, đi đôi dép mòn vẹt, dắt chúng tôi lội suối vào làng giữa trời nắng gắt năm nào.
Dọc đường, anh kể cho tôi nghe chuyện bác sĩ phải lặn lội xuống tận nơi “xin” đồng bào chữa bệnh. Chuyện trẻ con sốt rét, bà con cúng ma; phụ nữ đẻ khó, cũng cúng ma; đàn ông viêm ruột thừa, tất nhiên là cúng ma.
Trước khi rời trạm y tế xã ấy, tôi lén dồn hết số tiền còm có trong túi chuẩn bị cho chuyến công tác, tính đưa anh bác sĩ để “bồi dưỡng”, vì anh đã bỏ thời gian cả ngày đi cùng. Trong đầu tôi nghĩ việc này cũng bình thường.
Nhưng anh đồng nghiệp lớn tuổi đi cùng ngăn lại và gắt lên “không, không được. Làm thế là xúc phạm đấy”.
Dường như anh trạm trưởng cũng nhìn thấy, nên cười ý nhị: Không có gì đâu. Rất cảm ơn cậu đã có lòng. Như vậy là tôi thấy vui rồi. Thật sự là nghe vậy tôi rất xấu hổ, khi đã nghĩ và hành xử theo “tư duy phong bì”.
Hẳn rằng mọi người đã đoán ra, anh trạm trưởng y tế năm ấy chính là chủ nhà mời chúng tôi dự bữa cơm thân mật để mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam hàng năm.
Câu chuyện rẽ sang chủ đề “quà cáp ngày 27/2” khi nào không hay. Ngày 27/2 hàng năm, trên mạng xã hội vẫn tưng bừng lời chúc tụng, đâu đó vẫn có những “màn” tặng hoa, tặng quà và những bữa tiệc chúc mừng hoành tráng.
Nhưng phải chăng ngày 27/2 của nhân viên y tế chỉ toàn là hoa và không khí vui vẻ, hân hoan? Câu trả lời là “không”.
Nếu không tin, bạn chỉ cần ra vùng ven thành phố, đến một trạm y tế nào đó sẽ thấy. Ở nơi ấy, Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng như bao ngày. Không có ai tặng hoa, tặng quà; cũng chẳng tổ chức ăn uống hay đi chơi.
Vì không thể ngừng hoạt động khám chữa bệnh để tổ chức hoạt động kỷ niệm được, nên ai trực cứ trực, ai xuống làng cứ xuống làng.
Nhưng không vì thế mà họ vơi bớt tình yêu nghề! Cũng phải thôi, nếu không yêu nghề, chắc chẳng ai trụ được trong một ngành mà áp lực đến từ mọi phía, mọi lúc và mọi nơi như nghề Y.
Như hôm nay, trong những câu chuyện tếu táo bên mâm cơm, chẳng ai buồn vì không được tặng quà, tặng hoa cả. Họ chỉ buồn khi kể về những ca bệnh buộc phải chuyển tuyến chỉ vì thiếu thiết bị cứu chữa; buồn vì những bàn tán, xì xào không hay về y đức.
Anh bạn tâm sự rằng, sau gần 30 năm hành nghề với bao thăng trầm, anh không còn nghĩ chuyện được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Nếu phải chọn lại, anh vẫn chọn nghề bác sĩ.
Niềm vui nho nhỏ khi chữa khỏi cho một cháu bé bị sốt, hay chẩn đoán và cấp cứu kịp thời cho một ca bệnh nặng, những lời cảm ơn chân thành hay chỉ là đôi mắt ánh lên niềm vui của bệnh nhân và người nhà cũng đủ tiếp thêm năng lượng để tôi tiếp tục trụ lại với nghề- anh nói.
Dù trong thời gian qua, vấn đề về y đức trở thành đề tài được dư luận xã hội quan tâm; dù vẫn có người không vượt qua được sự cám dỗ, gây xói mòn dần lòng tin của người dân, làm cho ngành y tế nhuốm màu tiêu cực, nhưng đó chỉ là cá biệt chứ không phải là phổ biến.
Và tôi tin, dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi chăng nữa, đại đa số y bác sĩ vẫn luôn tận tâm, nhiệt huyết với nghề, giữ vững y đức.
Ngày 27/2 trôi qua như vậy. Ngày mai, những ngày tháng tiếp theo, anh chị và bao đồng nghiệp vẫn miệt mài với nghề mà không phải lo nghĩ làm thế nào để “trả nợ” hay đau đầu vì chuyện “phong bì” như người ta vẫn rỉ tai nhau nơi phố thị.
Sau khi từ nhà anh chị trở về, tôi ngồi tỉ mẩn nhắn tin chia vui với bạn bè công tác trong ngành Y.
Hơn bao giờ hết, tôi muốn chia sẻ, động viên họ- những “viên đá quý” góp phần xây dựng nên “tượng đài áo trắng” đẹp trong lòng dân.
Thành Hưng