Ngày nắng
Tháng Tư đã đi đến những ngày cuối cùng, cũng là những ngày nắng nóng bao trùm khắp thôn làng, phố phường. Đâu đâu cũng là thứ nắng khô không khốc, đe nẹt cái màu xanh của lúa, cà phê, cao su.
Sáng sớm, trời cao và xanh vời vợi, không một bóng mây. Những tán cây im lìm, báo hiệu một ngày không gió.
Nó khác với những ngày tháng Tư mọi năm, gió nhiều và lang thang qua những mái nhà, những đường phố, quăng quật trên rẫy và gào thét tràn qua những sườn núi.
Khí trời như đang phồng rộp bởi cái nóng hầm hập. Từng thớ đất rơi vào cơn khát nước định kỳ hẹn trước với trời đất, cây trồng tưới bao nhiêu nước cũng không thừa.
Nắng cũng không thiên vị nơi nào, mà bao trùm khắp núi đồi, làng mạc, phố phường. Vàng rực và khô khốc. Khiến con người ta lúc nào cũng muốn tìm nơi để trốn, để tránh thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt này.
|
Mới sáng ra, nắng đã trải một màu vàng rực trên phố. Nắng sớm mà đã tứa cả mồ hôi, dù chưa phải lao động nặng nhọc gì. Càng về trưa, nắng càng hừng hực lên, như muốn thử thách tính chịu đựng của con người.
Còn về chiều thì nắng và nóng song hành, rõ là muốn vắt kiệt sức lực của con người ta, nhất là với những nhà nông, những người lao động nặng nhọc.
Bởi thế mà sáng ra ai ai cũng tranh thủ làm công việc của ngày mới thật sớm để tránh nắng nóng.
Ở làng, chị thường tránh nóng bằng việc đi rẫy sớm. Người ta cứ nói đi rẫy mùa này nắng cháy da, nhưng với chị thì mùa này ở rẫy thích hơn.
Bởi rẫy của chị lúc nào cũng phủ một màu xanh của cây trái. Nào cà phê, nào cao su, nào sầu riêng và những cây cổ thụ mọc tự nhiên từ bao đời vẫn được chị gìn giữ để cho bóng mát. Vì vậy, nếu ở làng trưa đến là nóng nực, thì ở rẫy vẫn mát, vẫn có những cơn gió thoảng đưa.
Nghe chị nói mà nhớ đến bọn trẻ con ở làng. Mấy ngày nghỉ cuối tuần thường thấy chúng ra bãi bồi ven sông để thả bò, đá gà, đá banh, nhưng những ngày nắng nóng này thì vắng hẳn.
Sau những vụ thu hoạch bắp và hoa màu, giờ đây bãi bồi đã trơ trọi, chỉ còn lại một màu xám xịt của cỏ khô, của những gốc bắp, gốc cà tím phơi dưới cái nắng chang chang của tháng Tư rực lửa. Có lẽ, ngày nắng bọn trẻ con ở làng cũng theo mẹ lên rẫy để tránh cái nóng.
|
Khác với ở làng, ngày nắng nóng, dường như tất cả “dân văn phòng” đều muốn thu mình trong căn phòng máy lạnh hay ngồi trước cây quạt máy. Cảm giác thật ngột ngạt, bức bí nhưng cũng phải đành chịu vì nắng nóng chẳng biết trốn đi đâu.
Chờ đến đêm về, người người lại túa ra các ngả đường để “giải nhiệt”, để hóng mát. Bởi thế mà những ngày này, phố núi đêm về lại rộn vui hơn hẳn ban ngày, nhất là các quán nước ven đường.
Ngày nắng nóng bỗng thèm một chén tàu hũ, xu xoa, rau câu mát lành. Ở quê, món ăn này quen thuộc lắm, bày bán đầy chợ. Còn ở phố tìm mua không dễ, bởi ra chợ không phải lúc nào cũng có, mà chỉ bán rong.
Những món ăn “giải nhiệt” này được bày bán trên những chiếc xe đẩy hay những gánh hàng. Ngày nắng, ăn một chén xu xoa pha chút nước đường trộn với chút gừng thoang thoảng hương thơm sẽ thấy mát lành cả thịt da, dịu mát cả tâm hồn.
Ngày nắng nóng, dưới những tán cây xanh, tiếng ve kêu rền rĩ. Tiếng ve gọi hè gợi lên bao nỗi nhớ miên man về ký ức tuổi học trò. Kỷ niệm về một thời áo trắng thân yêu với những trò nghịch ngợm. Để rồi khi chia xa ai cũng thấy luyến nhớ, yêu thương, ước mong thời gian ngừng trôi để được sống mãi tuổi học trò hồn nhiên ngây dại.
Đi giữa những ngày nắng nóng tháng Tư thèm sao một cơn mưa. Nhớ những ngày đi làm, mưa chợt ào về trên phố làm ướt áo ai. Nhớ những chiều mưa như trút nước dưới hiên nhà, trên đường làng. Bọn trẻ hớn hở thi nhau làm thuyền giấy thả trôi theo dòng nước hay bì bõm tắm mưa trên đường, bày ra bao trò nghịch ngợm.
Nắng tháng Tư vẫn đang trải rộng trên từng con đường. Cái thứ nắng nóng khiến người ta từng thời từng khắc kiên trì mà tự khuyên nhủ mình rằng “ráng mà chịu đựng”.
Và càng mong hơn một ngày mưa đến!
SÔNG CÔN