Ngày chiến thắng
Tinh thần Ngày chiến thắng 30/4 tiếp thêm niềm tin, động lực tinh thần cho các thế hệ hôm nay và mai sau trong bảo vệ, xây dựng quê hương phát triển.
Những ngày này, trên các tuyến đường phố rực một màu cờ đỏ sao vàng mừng Ngày Chiến thắng.
Nơi tôi ở, từ mấy ngày trước, cờ Tổ quốc đã được các gia đình treo trước nhà, tung bay trong gió.
Và rất nhiều người, trong đó có tôi, đang ngóng chờ buổi nói chuyện truyền thống của các cựu chiến binh.
Đã thành nét đẹp trong nhiều năm qua, đến Ngày chiến thắng 30/4, chi hội cựu chiến binh nơi tôi sinh sống sẽ tổ chức nói chuyện truyền thống.
Năm nay, buổi sinh hoạt truyền thống được tổ chức tối 26/4. Như chú Long, chi hội trưởng, nói vui là “tổ chức ngay đêm xuất quân tiến về Sài Gòn mới ý nghĩa”.
Điều làm tôi bất ngờ là chi đoàn thanh niên thôn, hội phụ nữ thôn huy động “lực lượng” tham gia khá đông. Hẳn là vì nghe nói sẽ có một số chú, bác cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia các trận đánh giải phóng Sài Gòn đến dự buổi nói chuyện.
Ngồi nhìn các bạn trẻ, chú Long chợt nói: Giờ này 48 năm trước, tối 26/4/1975, chúng tôi đang ém quân trong một khu rừng cao su, chờ đến giờ lên xe tiến về Sài Gon, quét sạch giặc thù.
Còn tôi thì đã nằm phục ở hàng rào kẽm gai của địch, chờ lệnh nổ súng rồi- một cựu chiến binh khác lên tiếng.
|
Thế là Ngày chiến thắng cách đây 48 năm trở về theo ký ức của các cựu chiến binh. Tôi như thấy những bước chân thần tốc của cha anh mình từ những cánh rừng xốc tới giải phóng Sài Gòn.
Ngày ấy, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của ông Long (Trung đoàn 24, QK 8 - miền Tây Nam Bộ, sau này thuộc Sư đoàn 10- Quân đoàn 3) được giao nhiệm vụ tham gia đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, và Tổng nha Cảnh sát Ngụy.
Ông Long nhớ lại: Sau mấy ngày tiến công thần tốc, đơn vị của tôi đã tiêu diệt, bức rút, bức hàng toàn bộ hệ thống đồn bốt trên trục tiến công, kể cả lực lượng giải tỏa, bảo đảm hành lang hành quân an toàn.
Đúng 9 giờ sáng 30/4/1975, đơn vị đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y, dù địch chống trả quyết liệt với hỏa lực mạnh. 10 giờ 45 phút, Trung đoàn nổ súng tấn công vào Tổng nha Cảnh sát Ngụy.
Điều bất ngờ là lúc này, không còn sự chống trả điên cuồng nữa, quân lính trong Tổng nha Cảnh sát lại đang ở tư thế… chờ Quân giải phóng đến để đầu hàng.
Đến 11 giờ, ta làm chủ toàn bộ tình hình. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 tiếp tục bảo vệ tuyệt đối an toàn khu vực này chờ bàn giao cho Ủy ban quân quản, vì đây là nơi lưu trữ nhiều tài liệu mật, hết sức quan trọng.
Ít phút sau, chúng tôi nhận được tin ta đã chiếm Dinh Độc Lập. Mọi người ôm chầm lấy nhau, hét vang: Miền Nam đã giải phóng thật sự. Bắc Nam đã thống nhất, sum họp một nhà rồi. Những giọt nước mắt lăn dài- ông Long xúc động nhớ lại.
Còn trong ký ức của một cựu chiến binh khác, sáng 30/4, trên đường quân ta tiến vào Sài Gòn, người dân đổ ra đường đông lắm, có người vẫy chào Quân giải phóng, có người còn níu bộ đội để ngắm, rồi nói “vậy mà tụi nó nói bên ta chỉ có mấy “chú địa phương” với vài ba cây súng lẹt đẹt. Ai ngờ lớn mạnh như vậy.
Có mẹ, có chị níu tay mấy cậu lính trẻ rồi tấm tắc: Coi, mấy em bộ đội trẻ măng, khỏe mạnh, dễ thương hết sức, đâu có dữ dằn, hung tợn như tụi nó tuyên truyền đâu. Sau đó, nhiều người sẵn sàng dẫn đường cho bộ đội ta.
Vài ngày đầu giải phóng, người dân còn e dè, nhưng rất nhanh chóng, sự thân thiện gần gũi, lễ phép, kỷ luật của chiến sĩ ta đã làm người dân yên tâm. Họ mời bộ đội về nhà ăn cơm, xin ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc; mấy cháu nhỏ còn đến nghe bộ đội hát và học các bài ca cách mạng.
Sáng 7/5/1975 diễn ra buổi lễ ra mắt của Ủy ban quân quản Sài Gòn-Gia Định (do Thượng tương Trần Văn Trà làm Chủ tịch). 8 giờ sáng buổi lễ mới bắt đầu, nhưng từ nửa đêm, các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn đã đổ về Dinh Độc Lập. Ai cũng háo hức, phấn khởi lạ thường.
Dù buổi lễ đã kết thúc, khối người dự mít tinh vẫn chưa tản đi, ai cũng muốn nán lại lâu hơn trong giờ phút ấy.
Trong câu chuyện, có những lúc các cựu chiến binh nghẹn ngào không nói nên lời. Ấy là khi họ nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên các nẻo đường chiến đấu, hay ngã xuống ngay giờ chiến thắng. “Những đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống ở độ tuổi đôi mươi. Cảm ơn vì những hy sinh ấy, để chúng tôi và con cháu chúng tôi được sống trong hòa bình, hạnh phúc”- ông Long nói.
Mắt của nhiều bạn trẻ cũng đã đỏ hoe!
Chỉ cần đọc qua lịch sử hình thành nên mảnh đất hình chữ S, sẽ thấy điều đặc biệt là phần lớn lịch sử ấy gắn với các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Để tồn tại như một quốc gia, người Việt đã chiến đấu ròng rã hàng nghìn năm trời, ngay trên mảnh đất của mình.
Chúng ta có rất nhiều bài học lịch sử cần ghi nhớ. Một trong những bài học lớn mà con cháu không chỉ phải nhớ mà cần thuộc làu, là mọi chiến thắng đều phải chịu rất nhiều mất mát, hy sinh.
Vì thế, được sống trong một đất nước tự do, yên bình, ấm no là hạnh phúc lớn lao mà mỗi chúng ta nên trân trọng và gìn giữ!
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hơn ai hết, tuổi trẻ hôm nay phải tiên phong thực hiện việc gìn giữ và phát huy tối đa giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4 bất diệt.
Đặc biệt, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, thế hệ trẻ cần trang bị cho mình một kiến thức chuyên môn phù hợp, nền tảng đạo đức tốt đẹp, kỹ năng sống và bản lĩnh chính trị vững vàng để có thể chủ động lập thân, lập nghiệp thành công, vươn lên trong cuộc sống.
Đó cũng là cách chúng ta kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 một cách thiết thực nhất!
Thành Hưng