Ngẫm về tai nạn giao thông và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông
Ứng xử có văn hóa của mỗi chúng ta khi tham gia giao thông sẽ góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra, bảo vệ tính mạng, tài sản mỗi người và của toàn xã hội.
Là người làm báo, lại phụ trách mảng an toàn giao thông, tôi thường xuyên đi khắp trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh và chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Những vụ tai nạn giao thông đó tạo nên “những vệt trắng ám ảnh”, đó là cảnh mà chúng ta thường nhìn thấy: Đoạn đường này có vệt trắng mới vẽ chưa kịp phai màu, lại chồng tiếp lên vệt trắng mới; đoạn đường kia có những vệt trắng chỉ cách nhau vài chục mét.
Đó là dấu vết còn sót lại của các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Những vụ TNGT đó có thể đã cướp đi tính mạng hay lấy đi một phần thân thể của ít nhất một người và mang nỗi đau cho nhiều người khác.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực tuyên truyền, vận động để người dân biết, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành, nhất là ngành chức năng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát từ những việc vi phạm lỗi tốc độ, kiểm soát nồng độ cồn… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ vi phạm an toàn giao thông, nhằm giảm cả 3 mục tiêu số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương.
Với sự nỗ lực của ngành chức năng, trong những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đã giảm. Đơn cử như, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 68 vụ TNGT, làm 63 người chết và 44 người bị thương; so với mục tiêu đề ra, chỉ giảm được 2 mặt (số vụ và số người bị thương), còn số người chết không tăng, không giảm so với năm 2018. Hai tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ TNGT, làm 9 người chết và 6 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2019 giảm cả 3 tiêu chí: giảm 2 vụ, giảm 4 người chết và 6 người bị thương.
|
Số liệu thống kê trên cho thấy số vụ TNGT, số người chết, người bị thương có giảm nhưng chưa nhiều. Những vệt trắng - dấu vết còn lại sau mỗi vụ TNGT cứ thế vẫn hiển hiện ở trên các tuyến đường. Và đằng sau những vệt trắng đó là số người chết, bị thương; sự mất mát về tài sản, tính mạng của con người khi xảy ra tai nạn giao thông; những người bị thương sẽ trở nên tàn phế, mất khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Hậu quả về mặt kinh tế- xã hội do tai nạn giao thông gây ra là rất lớn, các cơ quan báo chí truyền thông đã phản ánh nhiều và ai cũng nhận thức rõ.
Hậu quả của những vụ tai nạn thảm khốc này có lẽ không dừng lại ở con số người chết, người bị thương mà phía sau là bao gia đình, bao cảnh ngộ đớn đau đến cùng cực, những chấn động về thể chất, tinh thần của người còn sống trước những tang thương mà người thân của họ chẳng may hứng chịu. Thêm vào đó là sự túng quẫn vì mất đi lao động chính, nghèo đói vì chi phí cho chạy chữa bệnh tật, đau đớn vì mất đi người thân…
Trước hệ lụy đớn đau mà TNGT gây ra, nhiều người tự nhắc nhở bản thân và những người xung quanh cùng chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cẩn thận, nhường nhịn khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy còn không ít người xem TNGT là chuyện ngoài mình, không xảy ra với mình, chừa mình ra và chỉ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Họ bất chấp những quy định về ATGT khi tham gia giao thông.
Vì thế, vẫn còn đó tình trạng một số người có hành động thiếu ý thức khi tham gia giao thông như: phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông…Con số hơn 4.000 trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã bị lực lượng chức năng xử phạt trong 2 tháng đầu năm 2020 là minh chứng cho sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân.
Sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu để TNGT, đặc biệt tai nạn liên quan đến vi phạm quy định về tốc độ, vì rượu bia có xu hướng gia tăng. Dù lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử phạt, nhưng các đối tượng vi phạm vẫn tìm đủ các lý do để biện minh cho hành vi của mình.
Để giảm những vệt trắng thì mỗi người khi tham gia giao thông cần nêu cao ý thức, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, biết cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn. Đặc biệt, người tham gia giao thông cần tuân thủ nghiêm các quy định về tốc độ, không uống rượu bia-những nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT sẽ góp phần thay đổi, ngăn ngừa, hạn chế số vụ TNGT cũng như mức độ thương vong. Ứng xử có văn hóa của mỗi chúng ta khi tham gia giao thông sẽ góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra, bảo vệ tính mạng, tài sản mỗi người và của toàn xã hội.
Phúc Nguyên