Nén quê
Mỗi lần về quê hay có ai từ Kon Tum ghé, trong số món quà quê lỉnh kỉnh mà mẹ gửi vào, khi vài chục quả trứng gà, lon tép khô, khi thì chai ớt bột, bì khoai gieo… thì lần nào cũng phải kèm thêm bọc củ nén.
Quà chưa kịp tới tay, giọng mẹ đã vang vang: Con nhớ rửa số nén đó cho sạch, để ráo, phơi 2-3 nắng rồi bỏ vô hộp, cất tủ lạnh mà dùng dần nghe con. Tốt lắm đó, trong nhà có ai nhức đầu, sổ mũi, húng hắng ho… nấu chén chè nén ăn là khỏi liền.
Lần này cũng vậy, có người quen về quê, mẹ gửi vào bọc nén to tướng. Mẹ bảo, năm nay, vạt đất sau nhà mẹ chuyển sang trồng nén cả. Từ hồi rộ lên tin rắn lục đuôi đỏ vào nhà cắn người, nhà nào hầu như cũng đều để dành ít củ nén quanh nhà để phòng ngừa nên nén được giá lắm. Còn nhà mình thì thành truyền thống rồi, khi cây còn non, mẹ thỉnh thoảng hái ít lá kho với cá đồng, nêm nếm nồi canh. Để già già một chút, mẹ bới lên để dành gửi cả cho các con. Mẹ tỉ mẩn lấy chiếc màn chống muỗi đã cũ, cắt thành từng miếng, may thành chiếc túi, bỏ nén vào. Mẹ giải thích, phải làm vậy, nén mới thoáng khí, không bị lên mầm, xép hư đi…
Kể chuyện một hồi, mẹ lại điệp khúc cũ, củ nén tốt lắm nghe con. Nghe nói trong đó đang giao mùa, trời chợt mưa, chợt nắng, đi đâu về mà mắc mưa, ngửi phải hơi đất, con cứ nấu nồi chè nén cho cả nhà ăn là chẳng ốm đau gì cả. Chứ sụt sịt tí là uống thuốc tây, có ngày kháng thuốc nghe con…
Con cũng là bà mẹ 2 con rồi, tóc cũng đã có sợi bạc, đâu phải là trẻ con mà mẹ dặn dò chi ly đến thế. Nói với mẹ là vậy nhưng chỉ cần gần hết là tôi lại í ới nhắn nhủ mẹ gửi vào. Và chỉ nghe đến củ nén, với tôi là cả những yêu thương, nhung nhớ giăng đầy...
Mẹ tôi cần cù lắm, thuộc dạng người “không cho đất nghỉ, không dừng tay ta”. Khoảnh đất sau nhà, mẹ thâm canh đủ loại rau, củ theo kiểu mùa nào thức nấy. Nhưng khi nào cũng vậy, mẹ đều dành hẳn 2-3 luống đất để trồng nén. Vào khoảng tháng 9 âm lịch, khi trời bớt đi những cơn mưa dầm dề, không phải lo lụt lội, mẹ tôi lại làm đất thành luống cao, rồi lấy bọc nén giống ra gieo.
Nén ưa cát, quê tôi lại là vùng cát nên chẳng cần chăm bón nhiều, chỉ sau một tháng, từng cọng nén xanh non đã phủ lên mặt đất. Vượt qua mưa phùn, gió bấc mùa đông, tới ngày ấm áp của mùa xuân, lá nén cao đã lên đến một gang rưỡi tay. Mẹ tôi khi ấy kho nồi cá gần cạn, thể nào cũng chạy ù ra vườn cắt ít lá nén xếp chồng lên trên. Lá nén quện vào cá, vào nghệ, dậy mùi thơm từ trong nồi thơm ra. Tầm tháng 3, tháng 4 âm lịch, cây nén về già, rụng lá, chỉ cần lấy tay xới nhẹ, từng lớp củ trắng muốt, xếp chồng lên nhau. Mẹ tôi đào lên, giũ sạch đất cát, để nơi thoáng ráo, để dành cho cả nhà ăn quanh năm.
Mấy chị em tôi cứ thế mà lớn lên với những món ăn thơm nồng hương nén. Nào là nén ướp kho cho nồi cá đồng, với thịt thơm dậy mùi; nào là chén cháo nén với ít gạo tẻ, gạo nếp phòng ngừa cảm mạo; nào là món gà xáo phải thêm củ nén mới đúng vị…
Mùa thu hoạch nén lại là khi những cơn mưa dông đổi mùa bắt đầu. Thấy các con húng hắng ho, nhức đầu, sổ mũi, mẹ lại xoa xoa mấy hạt nén, dặn dò: chịu khó mà nhai sống mấy củ nén, rồi nuốt, rồi uống với chút nước ấm, nghỉ ngơi chút là người lại nhẹ nhõm ngay.
Nhưng như thành quen, lần nào cũng vậy, thu hoạch nén xong, mẹ cũng nấu cho cả nhà bữa chè nén nóng hổi. Mẹ nấu chè nén hơi kỳ công. Nén được mẹ rửa sạch, bóc lớp vỏ áo bên ngoài rồi dùng tăm nhọn đâm xung quanh, đem chưng cách thủy với đường. Thời gian khó, đường là thứ xa xỉ, mẹ thường nấu với bánh đường đen theo tiêu chuẩn được cấp. Những củ nén trắng khi ấy ngấm với màu đen của đường bánh mà ngọt lực. Hết đường đen, mẹ chuyển sang nấu chè nén với đường phèn, nhìn chén chè nén trăng trắng, vị ngọt thanh mà sao nhớ lại chén chè trắng đen lẫn lộn những ngày thơ bé.
Nấu chè nén, mẹ chịu khó ngồi canh lửa, phải cả tiếng đồng hồ. Mẹ bảo, phải chịu khó lâu một chút, tinh dầu từ củ nén tiết ra chè nén mới thơm, mới ngon, thấm vị ngọt của đường và ăn vào mới có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Mà đúng như mẹ nói thật, nhờ những lần nhai vội vài củ nén hay được mẹ công phu nấu cho chén cháo nén hay chén chè nén mà mấy anh chị em chúng tôi đã bước qua không biết bao nhiêu cơn nhức đầu, sổ mũi, chẳng cần phải có tí thuốc men nào.
Tôi đã đọc đâu đó câu nói, đại ý rằng, sau khi giải quyết chuyện đói no, món ăn còn tạo nên phong vị dân tộc, phong vị địa phương độc đáo. Với tôi, củ nén vì thế trở thành niềm thương, nỗi nhớ. Và chỉ cần nhìn đến bọc củ nén cất nơi góc bếp, cảm giác như một góc quê nhà vẫn còn đây…
Nguyên Phúc