Nan giải tình trạng thiếu giáo viên
Năm học 2018-2019 đã bước sang tháng thứ 4 nhưng ngành GD&ĐT tỉnh vẫn thiếu hơn 1.000 giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.
Trường Mẫu giáo xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) hiện tại có 8 lớp học, trong đó có 4 lớp bán trú tại điểm trường chính và 4 lớp không bán trú (dạy 2 buổi/ngày) tại điểm trường thôn.
Theo Thông tư Liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, nhà trường cần đến 18 giáo viên. Thế nhưng, thực tế trường chỉ có 6 giáo viên trong biên chế, thiếu 12 giáo viên chịu trách nhiệm giảng dạy tại điểm trường chính và điểm trường thôn.
Hiện nay, để có đủ 1 giáo viên đảm nhiệm 1 lớp, nhà trường phải hợp đồng theo tháng thêm 2 giáo viên. “Nhiều lúc giáo viên ốm, đau, không có người dạy, hiệu phó, hiệu trưởng phải trực tiếp xuống giảng dạy, nhiều khi buộc phải ghép lớp. Lớp đông, không thể đảm bảo chất lượng theo yêu cầu” - cô Phạm Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đăk Ngọk chia sẻ.
|
Tại điểm trường thôn Đăk Kđem (xã Đăk Ngọk), với 32 học sinh trong độ tuổi từ 3-5, theo quy định phải có 2,2 giáo viên/lớp nhưng tại đây chỉ có một mình cô Nguyễn Thị Thủy đảm nhận dạy.
“Ngoài những tiết học bình thường, khi các cháu đi vệ sinh hoặc nôn ói, tôi phải loay hoay vừa lo vệ sinh, vừa đảm bảo việc ổn định trật tự trong lớp” - cô Thủy chia sẻ.
Cô Lan Anh cho biết thêm, dù hiện nay nhà trường đã hợp đồng với một số giáo viên nhưng lúc nào cũng rơi vào tình trạng lo lắng, sợ giáo viên hợp đồng bỏ ngang việc do lương thấp, làm ảnh hưởng đến việc dạy học cho học sinh.
Không chỉ giáo viên mầm non, giáo viên bậc tiểu học cũng thiếu trầm trọng. Trường Tiểu học 30/4 (xã Đăk Ngọk) thiếu 7 giáo viên để đảm nhận việc dạy học 2 buổi/tuần.
“Trường có 19 lớp tại 4 điểm trường, trong đó có 12 lớp học 2 buổi/ngày. Để đảm bảo việc giảng dạy, phải cần 18 giáo viên nhưng hiện nay, nhà trường thiếu 7 giáo viên. Nhiều lúc giáo viên ốm nặng, hiệu trưởng, hiệu phó đều phải đứng lớp thay” - thầy Nguyễn Đức Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà, bậc mầm non có 149 giáo viên/153 lớp, đạt tỉ lệ 0,97 giáo viên/lớp; tính theo quy định, thiếu 189 giáo viên. Với bậc tiểu học, có 388 giáo viên/387 lớp, đạt tỉ lệ 1,0 giáo viên/lớp; tính theo quy định, thiếu 127 giáo viên biên chế, trong đó thiếu 117 giáo viên đa môn, 5 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên dạy môn tin học, 1 giáo viên mĩ thuật để dạy tại các trường đạt chuẩn Quốc gia.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, các trường phải chủ động hợp đồng thêm giáo viên. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Thoa - Phụ trách tổ chức, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà, từ đầu năm 2018 đến nay có 8 giáo viên hợp đồng (bậc mầm non: 1, tiểu học: 5, THCS: 2) bỏ việc đột xuất khiến các trường gặp khó.
Không riêng huyện Đăk Hà, hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum, sau khi đã hợp đồng 101 giáo viên nhưng ở bậc mầm non và tiểu học vẫn thiếu 192 giáo viên (bậc mầm non thiếu 174 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 18 giáo viên).
Cô Lê Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thủy Tiên (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) cho biết: Sau khi đã hợp đồng 8 giáo viên, nhà trường có tổng số 19 giáo viên/11 lớp (trong đó có 8 lớp bán trú). Trong số giáo viên hợp đồng, có 2 trường hợp hợp đồng tạm thời đến tháng 12 sẽ hết hạn. Vì vậy, nhà trường đang rất lo lắng, vì đến thời điểm 2 giáo viên nghỉ, sẽ không có giáo viên đứng lớp.
Còn tại Trường Mầm non Tuổi Thơ (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), nhà trường cũng phải hợp đồng thêm 7 giáo viên mới đủ 2 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, khi giáo viên ốm đau, nhà trường cũng đau đầu trong việc bố trí giáo viên thay thế.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, năm học 2018-2019, Trường Mẫu giáo xã Đăk Ngọk đã chuyển 1 điểm trường thôn Đăk Lợi về điểm trường chính để giảm 1 giáo viên nhưng vẫn chưa đảm bảo.
Tại Trường Mầm non Thủy Tiên, đứng trước nguy cơ thiếu 2 giáo viên, nhà trường đã làm việc, đưa ra phương án “co lớp” nhưng không khả thi. “Tại các điểm trường học sinh đều quá đông, vượt so với quy định nên không thể “co lớp” để giảm giáo viên. Hơn thế, phụ huynh cũng không đồng ý ” - cô Vân cho hay.
Với bậc Tiểu học, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT thành phố đã thực hiện sáp nhập 3 trường tiểu học và 3 trường trung học cơ sở thành 3 trường tiểu học - trung học cơ sở. Sau khi sáp nhập, các trường đã giảm được 9 nhân viên và 3 hiệu trưởng. Tuy nhiên, số lượng giáo viên giảng dạy tại các trường vẫn chưa đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT, từ năm 2012 đến nay, hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh ngày càng được phát triển để đảm bảo việc giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, biên chế sự nghiệp lại không tăng. Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015 thì tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh sẽ còn nan giải hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Phúc Phận, về vấn đề này, Sở GD&ĐT đã có báo cáo đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, tính toán lại biên chế cho ngành. Trước mắt, Sở GD&ĐT sẽ chủ động sắp xếp các điểm trường để giảm số lớp; sáp nhập các trường hình thành trường phổ thông với nhiều cấp học để giảm đội ngũ nhân viên, quản lý; linh hoạt điều chuyển một số giáo viên dạy các môn cơ bản: tiếng Anh, toán, văn… ở cấp trung học cơ sở xuống dạy thêm bộ môn ở cấp tiểu học để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở bậc tiểu học.
Bài, ảnh: Bình An