Mùi Tết
Năm nay, Đông đến sớm. Như chưa kịp chờ cơn mưa cuối mùa đi qua thì gió lạnh đã theo về. Trời không còn sớm mà nắng chỉ vừa nhàn nhạt. Mẹ kê chiếc ghế gỗ quen thuộc ở góc sân, nhìn chị em bác cháu tôi xúm xít bên bếp than hồng chờ xoong mứt sớm đang tỏa hương thơm dịu nhẹ. “Mùi Tết đây rồi!...”- mẹ móm mém cười.
Mỗi ngày như qua mau hơn. Tết đang đến gần. Khoảnh vườn cũ trồng vạt gừng lá đã úa màu, chỉ đợi cho đến lúc này, để nhổ lên làm mứt. Cái giống gừng “xẻ” chẳng biết đã bao mùa rồi, nhà cứ trồng, chăm và giữ giống, để mỗi năm, dành trọn một lần đúng kỳ đón Tết.
Chẳng hay Tết sẽ ra sao, nếu những ngày xuân không có những lát mứt gừng cay se, thơm đượm? Đã mấy năm rồi, mẹ không còn tất bật nồi xoong, củi lửa, nhưng lòng thì càng vui hơn vì mùi Tết vẫn tỏa lan trong mái ấm gia đình. Chị em, bác cháu tôi, mỗi người một tay, đã thành nếp quen, cho dù bận bịu đến đâu, vẫn không thể quên cho “ra lò” bánh, mứt.
Ngày ấy, tôi chừng mười hai. Cuộc sống còn vô vàn thiếu thốn, khó khăn, nên mỗi lần Tết về, cho dù vẫn phải luôn tay luôn chân với công việc ruộng vườn, thì mẹ tôi cũng luôn lãnh phần chuẩn bị bánh, mứt.
“Không mứt gừng đâu thành ngày Tết”- em tôi hay tếu táo. Quả là vậy. Sẵn gừng củ nhổ vườn nhà, nên với chúng tôi, mứt gừng thật dễ làm và ngon biết mấy. Trước tiên, chọn những củ mập mạp, nhánh thuôn, ít “mắt”; gọt sạch vỏ rồi thái lát bằng dao hai lưỡi với độ mỏng vừa chừng, đem luộc lên vài lần trước khi để ráo nước rồi trộn với đường trắng, sau đó “rim” trên bếp than đến khi khô lại. Vì thích ăn cay và để giữ thêm hương vị, nên mẹ thường chỉ luộc gừng tươi hai lần là đủ. Gừng trộn với đường, nhớ là không đem rim ngay, mà phải ngâm ít nhất 5 tiếng đồng hồ cho thấm. Lửa than cũng chỉ hơi riu, để khi đã xong, thì gừng không chỉ vừa đủ độ ngọt, giữ tròn vị cay mà còn đẹp mắt. Gừng để được lâu, mà không bị “lại đường”.
|
Ngày ấy còn nhiều khó khăn, nên bánh, mứt mẹ làm chính là niềm vui con trẻ. Nhà có cái khuôn bánh thuẫn bằng đồng lâu đời, mỗi năm chỉ dùng vào dịp Tết. Để làm “nguyên liệu” bánh thuẫn, chị Hai khỏe tay thường nhận khâu đánh bột. Đầu tiên, cho trứng vịt (hoặc trứng gà) và đường vào chung một cái âu nhựa, dùng tay đánh đều bằng một vật dụng thô sơ là cái “phốc lồng” inox. Sau khi trứng và đường đã “nở”, mới cho bột vào quấy cho quyện lại. Bánh thuẫn được nướng khuôn đồng, song đáng chú ý là không chỉ cần đỏ than trong lòng bếp, mà còn thêm than nóng ở trên nắp vung. Nhờ đó, mới tạo ra luồng nhiệt cần thiết để bánh chín, nở đều và có màu nâu vàng đẹp mắt. Để bánh làm ra mười cái như chục, đổ bánh cũng cần nhanh tay.
So với bánh thuẫn, cách làm bánh in đơn giản hơn vì cùng với nguyên liệu chủ yếu là bột nếp và đường xay mịn, thì chỉ cần khuôn nhỏ bằng gỗ. Khuôn được đục sẵn tròn - vuông, bên trong là khung hình hoa, hình lá, hình chữ “phúc” chân phương, góc nét. Nếp vo sạch, để ráo nước trước khi rang chín, sau đó xay mịn. Trước khi “in” bánh, từ mấy tối hôm trước, bột nếp được mang “phơi sương” bằng cách đặt trên mái nhà, chái bếp. Sương nhẹ hơi lạnh làm cho bột bánh dính kết như mịn hơn, sau đó được trộn với đường (cũng xay mịn), chỉ cần ấn nhẹ ngón tay, là bánh in hình sắc nét. Bánh ngon ăn mềm, có thể nói là loại bánh in dân dã nhất. Hương của bột nếp, vị ngọt của đường cộng với mùi thơm của chút dầu chuối (hay vani) mới quen thuộc làm sao!
“Chị em” với chiếc bánh in truyền thống, những năm 80 của thế kỷ trước, còn được phổ biến một loại có tên là “phục linh”. Cách làm bánh phục linh cơ bản cũng như bánh in, nhưng khác là từ nguyên liệu bột mình tinh. Bột mình tinh không phải phơi sương, nhưng trước khi in bánh thì lại được rang (hay hấp) cho bột chín trước khi trộn thêm đường kính trắng. Sau khi được cán tơi, rây mịn, bột được đem rang trên chảo nóng cùng với lá dứa. Kinh nghiệm là mỗi mẻ rang thì khi lá dứa tươi héo lại, tỏa ra mùi thơm dìu dịu là được. Đặc biệt, bánh phục linh không thể thiếu nước cốt dừa cô đặc. Khi bột đã hấp (hoặc rang) chín được trộn với đường mịn cũng là lúc rưới nước cốt dừa vào và dùng tay vo bóp, trộn đều, không để bột vón cục lại, trước khi cho gọn vào khuôn. Bánh phục linh nguyên gốc màu trắng, song cũng được làm thành nhiều màu bắt mắt, bằng cách pha thêm chút màu xanh được lấy từ lá dứa, hay màu vàng, tím, hồng... từ xi rô thơm. Khuôn bánh phục linh bằng nhựa, tạo ra nhiều chiếc bánh mang hình bông hoa và các con vật (thỏ, cá, vịt, gấu...) khá đa dạng. Có thể thấy rõ độ mịn của bột, sự sắc nét của từng chiếc bánh phục linh. Ăn vào, bánh tan nhanh trong miệng, để lại vị thơm béo khó quên.
Mùi Tết vẫn ở quanh đây, khi mỗi năm một lần, cả nhà thường hay quây quần để đón chờ năm mới. Cho dù sau này cuộc sống đã ngày càng đủ đầy, thì mọi người vẫn không thể quên các loại bánh mứt bình dân, gần gũi ngày nào./.
Thanh Như