Mùi nhà mình
Vừa bước chân vào nhà sau mấy tháng trời biền biệt xa nhà, cu con hít lấy hít để, con vẫn thích nhất mùi nhà mình. Một mùi thật khó diễn tả, nhưng thích lắm, sảng khoái lắm. Đó không hẳn là mùi thơm!
Đã nhiều lần con nhắc tới mùi nhà mình. Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần đi chơi xa, dù ở khách sạn hay nhà ông bà, người quen đủ đầy tiện nghi, con đều bảo, thiếu cái gì đó mẹ ạ, không giống như mùi nhà mình. Con thích ngửi mùi nhà mình hơn. Cứ mỗi chiều đi học về, mở cửa, bao giờ con cũng hít căng lồng ngực.
Không tìm thấy mùi giống nhà mình, có lần về quê, cu con khi đó tầm 7,8 tuổi hét toáng lên “không có mùi giống nhà mình, con về nhà mình cơ”. Rồi, con cứ chộn rộn đi tới đi lui như tìm kiếm mùi của nhà mình - mùi của căn nhà bé tí trong con hẻm chật - có xuất hiện trong ngôi nhà ông bà không. Để rồi cho dù đi du lịch ở những khách sạn hay về quê nội, quê ngoại, con đều khắc khoải nhớ về mùi nhà mình.
“Mùi nhà mình” - ai cũng có mùi của nhà mình. Chỉ ba chữ con thốt ra thôi nhưng hiểu cho đủ thì biết bao là mênh mông, là sâu thẳm. Mới nghe qua cảm giác mơ hồ, trừu tượng lắm, nhưng có đủ đầy gắn bó, có đủ đầy yêu thương, có đủ đầy lắng đọng sẽ thấu hiểu được mùi hương rất riêng của mỗi nhà, mà như cu con từng nói, đó không hẳn là mùi thơm. Đó là mùi vị rất riêng, riêng có với mỗi người, với mỗi nhà, mà dẫu sau này có đi xa ngàn dặm, có trải qua đủ đầy mùi vị thì vẫn cứ mãi vấn vương.
|
Vậy đó là mùi gì? Hình như đó mùi của mỗi nếp nhà, là vị của yêu thương, nỗi nhớ mẹ cha, là hương của thời thơ ấu. Nên cho dù trong cuộc đời mỗi người, nhiều khi từng ở ba, bốn căn nhà nhưng mùi nhà mình thuở ấu thơ mới thật sự là mùi hương được giữ lại sâu đậm trong ký ức.
Chính vì vậy nên mùi nhà mình của mẹ không phải là mùi hương của ngôi nhà đang ở. Đó là một mùi hương xa xăm của ngày xưa, khi mẹ còn là đứa trẻ, trong một căn nhà cũ rích. Căn nhà ấy đậm mùi hèm rượu, mùi khói bếp, mùi của cả đàn heo… Tuổi thơ mấy chị em mẹ sau buổi học là vùi mình vào bếp nấu nồi cơm to tới mấy chục cân gạo để ủ men rượu, cặm cụi canh lửa nấu rượu, lui cui chăm mấy chú ỉn, rồi vẹo xương sườn với những gánh củi, gánh lá phi lao băng qua những cồn cát trắng.
Trong mùi hương mà bây giờ dân phố thị gọi là ô nhiễm ấy, chị em mẹ có cơ hội nâng niu từng con chữ và lớn lên. Những cuốn truyện “Mùa lá rụng trong vườn”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Ba chàng lính ngự lâm”, “Hội chợ phù hoa”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” được chị em mẹ tưởng thưởng, nghiền ngẫm trong căn bếp ám khói ấy. Nhiều khi vì say những trang viết về gia đình ông Bằng, về cậu bé Mừng, về chàng Atox, về cha Ranph mà quên canh lửa rượu. Lửa quá tay cháy to, hèm bốc lên, chai rượu đục ngầu, có khi còn khê nữa. Vậy là có lần quyển truyện văng gọn vào… bếp lửa đang rừng rực cháy vì cơn giận của ngoại. Mà không giận sao được khi rượu bốc hèm, rượu khê là bán kém tiền, đồng nghĩa là thêm bao nếp nhăn hằn lên trán ngoại. Rồi cách hai, ba ngày, trong mùi nhà mình “truyền thống” ấy, lại len lén pha vào một mùi hương khác nữa. Ấy là lúc ngoại và ba chị em gái mẹ nấu nồi bồ kết, lá sả, lá hương nhu gội tóc cho nhau. Mùi hương tóc quê mùa ấy cứ ấp ủ vương nhẹ những giấc mơ xa.
Nên con ạ, mẹ biết, mùi nhà mình của con không chỉ là căn nhà mình đang ở, mà còn là căn nhà nhỏ bé tí trong con hẻm chật hẹp nữa. Biết bao lần con nhắc về những tháng ngày trong căn nhà nhỏ ấy với bao da diết yêu thương. Nơi ấy, mùi của nhà mình sâu đậm trong con suốt cả chục năm trời, từ khi con cong mình tập lẫy, lẫm chẫm tập đi đến khi con biết đạp xe quanh sân, chạy như bay theo banh bóng với đám nhỏ trong xóm. Đó là mùi ngai ngái của đất đai vùng ngoại ô, mùi tanh bùn của con suối nhỏ sau nhà, mùi ẩm mốc của lá cây nhãn rụng trước cổng, mùi hăng hắc của đàn gà nhà cô hàng xóm và cả mùi những bữa cơm theo cách nấu rất riêng của mẹ, của ba.
Mùi của nhà mình, nhà mới hay nhà cũ đều gắn liền với con suốt tuổi ấu thơ. Dẫu có đi xa đến đâu, có thêm bao nhiêu năm nữa, mùi vị ấy sẽ vẫn mãi theo con. Mẹ biết, nắng ấm của ngày hôm qua không thể sấy khô áo ướt của ngày hôm nay, nhưng khi con khắc ghi những tươi đẹp cũ, trân trọng những ký ức ngập tràn yêu thương cũ, những mùi vị cũ cũng là tiếp thêm nguồn năng lượng cho con vững bước trên chặng đường mới, con nhé.
NGUYÊN PHÚC