Mùi nắng
“Sao cứ lấy áo quần phơi xong mẹ hay hít hà ngửi vậy”? “Mẹ ngửi mùi nắng còn vương trên áo quần đó con”. “Ơ, nắng mà cũng có mùi hả mẹ”? Câu hỏi của cu con bất giác khiến mẹ như khựng lại. Nắng mà cũng có mùi?
Ừ, nắng cũng có mùi. Mẹ cảm nhận mùi nắng riêng lắm, khó diễn tả lắm, như có thể cầm, có thể nắm và cứ thế mà hít hà hít hà căng cả lồng ngực. Mùi nắng riêng đến độ chỉ cần thoáng bắt gặp là biết ngay ngày có được nắng. Đó là mùi oi ả của nắng tháng Ba cao nguyên vàng như mật ong ngọt ngào trải dài trên thảm lúa xanh màu con gái. Mùi nắng khi ấy lại như có mùi ngai ngái của đồng đất và cả mùi khô hanh của những cơn gió vẫn rào rạt thổi qua những vườn cây trái, đưa hương hoa, hương lá bay xa.
|
Mùi nắng có đâu ư. Đâu chỉ vương vương trên những chiếc áo, chiếc quần sạch sẽ tinh tươm mỗi chiều về trên dây phơi trước sân, mùi nắng còn đậu trên từng chiếc lá úa vàng, trên lưng những chiếc lá ngả màu như vẫn đượm mùi nồng nồng của vài ba hạt nắng. Mùi nắng còn quyện vào mùi đất đai rẫy vườn, ngai ngái bốc lên khi màn đêm khoe vẻ dịu dàng tĩnh mịch. Mùi nắng còn là mùi của cỏ cây trở mình đón nắng mai về. Mùi của mớ củ sâm dây nồng nồng tranh thủ phơi hôm được nắng.
Những nốt mùa tháng Ba đang đi qua. Ngày qua ngày, cao nguyên vẫn luôn ngập tràn nắng sớm khiến mẹ nhớ có những ngày thèm được thấy nắng, thèm được ngửi mùi nắng đến thế. Đó là những ngày tháng Bảy, tháng Tám, cao nguyên mưa dầm dề, ước thấy ông mặt trời ló lên đằng Đông đã khó, lấy đâu cái oi ả như những ngày tháng Ba này để hít hà mùi nắng. Những lúc đó mẹ thèm được cầm chiếc áo sạch sẽ tinh tươm, hít hà mùi thơm đọng lại rất riêng của nắng mỗi chiều về. Mẹ lại thèm được ngửi mùi nắng còn đậu trên từng chiếc lá úa vàng, trên lưng những chiếc lá ngả màu như vẫn đượm mùi nồng nồng của vài ba hạt nắng.
|
Mẹ nhớ cả mùi nắng thuở ấu thơ của mẹ. Quê mẹ vốn nổi tiếng vùng khoai sắn. Mùa thu hoạch khoai cũng trùng vào mùa nắng. Ngoài những món khoai luộc, khoai xéo…, ngoại thường hay làm món khoai gieo thần thánh trong mắt của mẹ. Cũng dày công lắm. Khoai thu về phải để chỗ mát cả tháng trời. Chọn hôm trời nắng to, ngoại luộc lên, rồi tỉ mẩn thái từng lát mỏng trải lên chiếc nong làm bằng tre phơi trước sân nhà. Mùi khoai quyện với mùi nắng, khi ăn, mới ngậm vào đầu lưỡi, lát khoai gieo đã cho vị ngọt ngào, là thứ hương vị không lẫn vào đâu và chẳng gì quên được.
Mùi nắng như tấm vé tuổi thơ ngoại và quê hương đã dành cho mẹ không một chút cầu mong đền đáp. Mùi nắng đó vẫn theo mẹ cho đến tận giờ. Mùi nắng thơm nồng ấy xen lẫn tiếng nổ lách tách của mớ đậu xanh ngoại phơi đúng độ nắng chói chang. Mùi nắng còn là mùi mồ hôi làm ướt đẫm chiếc áo vẫn theo ngoại tần tảo sớm hôm, vừa xong buổi dạy ban sáng, trưa vội miếng cơm, đã tất tả lo cho đàn heo, chăm vườn rau… Giấc mơ con chữ, giấc mơ đổi đời cho đàn con bé dại vẫn theo ngoại qua bao ngày nắng giòn cong của miền Trung. Mùi nắng khi ấy khô khốc, chói chang, bỏng rát theo những cơn gió Lào cát trắng. Qua bao mùa khoai lúa, qua bao mùa lo toan, trên chiếc áo bạc màu của ngoại chất chồng mùi nắng nồng nồng, mùi mồ hôi mặn chát.
Mùi nắng tháng Ba cao nguyên và câu hỏi của con như khơi dậy bao ký ức ngọt ngào. Mùi nắng ấy đi qua, cứ thấm, thấm dần và gắn bó thiết thân với mẹ từ lúc nào chẳng nhớ.
Như ngay bây giờ đây, trước mắt mẹ, nắng vẫn thản nhiên chiếu xuống trên mặt đường lấp loáng. Và đám trẻ, có cả con trai của mẹ nữa, vẫn mê mải nô đùa. Mẹ cứ nghĩ, biết đâu, chính những điều bình dị như mùi nắng tháng Ba cao nguyên hôm nay lại là mạch nguồn nuôi dưỡng, giúp con và cả đám trẻ men theo đó mà trưởng thành. Để mươi năm, hai mươi năm sau nữa, mùi nắng nồng nồng tháng Ba cao nguyên hôm nay sẽ đưa con, đưa đám trẻ được quay về miền nhớ.
NGUYÊN PHÚC