Mùa trôi
Phải đến lúc nắng chan hòa, gió liu riu thổi, trời cao xanh vời vợi, hắn mới biết là thời gian đã đổi sang một mùa mới. Cái chính là thời gian là thứ giỏi “giả bộ” nhất, khiến người ta mông lung.
Lang thang trên phố khi chiều dần buông, hắn chợt nghĩ, thời gian là thứ giỏi “giả bộ”. Ngoài mặt thì mơ màng, tỏ ra chậm rãi, thậm chí còn đem lại cho người ta ảo giác là đang đứng yên, nhưng lại cuồn cuộn dưới đáy. Đứa nhóc kia, mới khóc oe oe đây, quay đi quay lại, đã biết làm đẹp, biết trách “đừng gọi con là cái Xíu nữa nghe chú”.
Rồi một bữa, đang ngồi cà phê ở quán vỉa hè, chợt thấy gió thổi lồng lộng, cuốn theo đám lá vàng trên đường phố. Cô chủ quán líu ríu: Vậy là hết mùa mưa rồi.
Hắn giật mình: Hết chưa nhỉ? Hình như là chưa. Nhưng cũng ở chặng cuối rồi. Có mưa thì cũng như giả vờ, dùng dằng, níu kéo mà thôi.
|
Mùa cứ trôi. Một mùa khởi đầu bằng những mùa khác, mùa cà phê chín đỏ, mùa hoa rộ bên đường, và mùa gió mênh mang, trước khi bước vào kỳ khô khát.
Hắn dừng ở một góc phố, ngắm những gốc bọ cạp vàng (hay còn gọi là muồng hoàng yến, hoặc cái tên rất Nhật là Osaka), với lớp vỏ xù xì, khô khan với ánh mắt mong đợi.
Chỉ ít ngày nữa thôi, chúng sẽ cháy hết mình với những quầng hoa vàng rực. Loài cây này có khả năng chịu hạn rất tốt, càng nắng nóng càng nở rộ, những chùm hoa như bầy bướm mê sảng từ đâu về đậu rợp.
Rồi lại thêm ít ngày nữa, những rặng dã quỳ xác xơ sẽ lác đác trổ hoa, từng đóa, từng đóa xinh đẹp, tinh khôi như giục giã, gọi nhau. Đến những ngày cuối năm, khi tiết trời vào độ lạnh nhất, thì đồng loạt bung cánh, khiến tất cả các cung đường, núi đồi vàng rực như khoác lên tấm hoàng bào.
Và gió, bắt đầu thổi lồng lộng. Ở nhà, trên cửa sổ phòng khách, hắn treo một chuông gió làm bằng thủy tinh. Nó mỏng manh và trong veo. Những tháng mùa mưa, gần như người ta quên mất sự hiện diện của nó.
Nhưng vài ngày nay, cái chuông ấy đã cựa quậy về đêm, với thứ âm thanh sẽ sàng, từng giọt tinh tang, thoảng qua và e dè.
Hẳn là gió đang chờ cái vẫy tay nhẹ nhàng để ùa tới, quấn quýt bên chuông gió, làm nó quay tròn, nhảy múa trong sự hừng hực, dạt dào của gió mùa. Cồn cào, nồng nhiệt mà cũng thật dịu dàng, lại se sẽ lạnh.
Mùa này, thằng bạn “nối khố” của hắn đang vào một mùa khác: Mùa hái cà phê. Những đồi cà phê bạt ngàn lúc lỉu quả chín đang chờ bàn tay người đến thu hái sau một năm chăm sóc miệt mài.
Phải biết rằng trước đó, đã có biết bao nhiêu ngày, biết bao nhiêu đêm, bạn hắn, và những nông dân khác, mất ăn mất ngủ với vườn, với rẫy cà phê. Họ sợ những đêm chớp bể mưa nguồn, họ sợ những trận mưa lớn, khiến nước lũ kéo về gây lụt lội.
Đêm đêm họ trông từng cái ráng trời, cái rễ cây; họ hỏi sao, họ trông gió, họ nhìn trăng, vì nếu “có bề nào” thì tất cả thành công cốc. Không những là đói mà còn bao nhiêu thứ khổ cực nữa!
Nghĩ đến bạn, hắn lại thấy phục. Từ hai bàn tay trắng, làm thuê cuốc mướn, rồi dành dụm từng ngày, mua từng miếng rẫy, khai hoang từng khoảnh đất bạt ngàn lau lách cho đến lúc có cơ ngơi hôm nay với 3ha cao su, 2ha cà phê, 5 sào ruộng nước, 2 sào ao, gà vịt đầy chuồng.
Hắn biết, đây là cả một hành trình dài đằng đẵng.
|
Trước đây, có những đận mệt mỏi, rã rượi vì công việc, vì khói bụi phố xá, hắn lên với bạn, đi cuốc đất, kéo ống tưới nước, rồi tỉa cảnh bẻ chồi cho cà phê suốt mấy ngày liền.
Những trải nghiệm ấy giúp hắn cảm nhận được những vất vả của người trồng cà phê vất vả. Quanh năm họ hối hả trong một quay cuồng, từ vét bồn, làm cỏ, tỉa cành, tưới nước, bón phân cho đến thu hoạch.
Trong đó, vất vả, mà cũng vui nhất có lẽ là mùa thu hoạch.
Trước đây, vào mùa, mỗi ngày thường bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến khi tối mịt. Phụ nữ luôn là người dậy sớm nhất. Họ phải chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa mang đi rẫy. Hắn và bạn dậy muộn hơn, sau đó chuẩn bị bao, bạt hái cà phê, kiểm tra xe cộ rồi hòa vào “dòng chảy” xe công nông, xe máy trên đường.
Ít phút sau, “dòng chảy” ấy ít dần, ít dần. Tiếng máy nổ, tiếng cười nói lao xao tỏa vào từng lô cà phê. Bắt đầu những thanh âm tuốt quả rào rào, quả cà phê rơi trên tấm bạt trải dưới gốc cây.
Trưa đến, mọi người ăn cơm ngay tại rẫy, ngồi dưới gốc cà phê. Sau đó tranh thủ ngả lưng ít phút dưới bóng mát của tán lá xanh mát và những chùm quả chín mọng.
Hắn thương đôi tay của những nông dân vào mùa cà phê. Chúng bị nhuộm đen kịt bởi nhựa cà phê- một loại mủ này rất khó chà rửa- nhưng lại thật đẹp và thân thương đến lạ.
Hắn thích cảm giác được ngồi trên đống bao cà phê cao ngất ngưởng trên xe công nông từ rẫy về nhà. Nó gợi lên ký ức những mùa gặt thời ấu thơ nơi quê nhà.
Mấy năm gần đây, như nhiều người trồng cà phê khác, bạn hắn không tự hái lai rai nữa, mà chờ đến khi cà phê chín đều mới thuê người hái vài ngày là xong.
Chiều qua, bạn rủ hắn lên cùng đi… canh trộm. Hắn ngơ ngác hỏi: Canh trộm gì? Bạn cười: Trộm cà phê chứ gì. Cà phê đang có giá, bị mất trộm chứ sao không. Không thể lơ là được.
Thì ra, cùng với mùa thu hái, người trồng cà phê còn vào mùa…canh trộm. Những ngày này, đi qua những vườn cây trĩu quả đã chín ửng ở Đăk La, Hà Mòn, thị trấn Đăk Hà, Đăk Mar hay những xã sâu hơn như Ngọc Wang, Đăk Ngọk, bất cứ thời điểm nào cũng thấy thấp thoáng bóng người. Ấy là người bảo vệ vườn cây.
Hắn nhận lời, chạy lên rẫy của bạn. Đất cao nguyên mênh mông thêm vì nắng và gió. Hẳn là ít ngày nữa thôi, đâu đâu cũng là thứ nắng khô không khốc, đe nẹt cái màu xanh của lúa, cà phê, cao su.
Và gió, như đàn ngựa bất kham, quất ù ù qua những mái nhà, gào thét tràn qua những sườn núi như đang phồng rộp bởi khí nóng hầm hập.
Nhưng hắn biết, dù khô khát mấy, chật vật mấy thì vẫn cũng có những chùm hoa nở rực rỡ trên những bờ rào.
Và mùa cứ trôi, đến khi hết mùa của nắng và gió, của khô khát thì sẽ đến mùa của tốt tươi, của thức tỉnh.
HỒNG LAM