Mùa theo gió về
Chiều qua, hắn lại đọc một bài thơ của cô. Dù tác giả không nói những câu thơ ấy viết về nơi nào, nhưng hắn tin chắc viết về xóm nghèo ven sông trong những ngày mùa khô mới theo gió về.
Tính ra, cũng đã nhiều năm rồi, hắn không trở lại với vạt đất nhỏ nhoi, với những phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng ấy.
Hắn thấy nhớ nôn nao những ngôi nhà quay mặt ra đường, phía sau là sông. Đêm nằm ngủ trong nhà, nghe gió ù ù ngoài cửa, rồi luồn qua khe ván vi vút; nghe tiếng nước sông rào rạt chảy dưới trăng. Nhà nào cũng trồng mấy bụi tre ngăn nước sông lấn đất hằng ngày, hằng tháng, hằng năm.
Những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn bạc phếch, tuềnh toàng y chang nhau này không bao giờ thấy đóng cửa. Mà đóng làm chi. Ở đây, mọi người san sẻ cho nhau từng chén gạo, dúm muối, chỉ còn thiếu bày cả gan ruột ra với nhau, thì còn sợ mất gì.
Trong một ngôi nhà có bà già hiền như bà ngoại mình, thương mình như cháu ruột; có một cô gái mê thơ, thích viết văn, đa sầu đa cảm.
|
Hắn định hôm nào về xóm, ghé lại nhà quen, uống mấy ly rượu đế trong văn vắt, xong rồi nằm chèo queo trên tấm chiếu trải trước nhà, hứng gió sông mà ngủ một giấc thật sâu.
Hắn chắc dù xóm có thay đổi cỡ nào, trí nhớ của tôi có giảm sút bao nhiêu thì mình vẫn nhận ra ngôi nhà ấy. Như ngày đầu đứng trước cửa, xin nước uống.
Đó là một ngày đầu mùa khô. Nắng theo gió đến, bắt đầu vàng rưng rức cả ngày. Hắn đứng bên đường, nhìn những ngôi nhà lúp xúp, cửa mở toang, gió sông thổi thông thống.
Không tiếng nói cười, không có xe cộ ngược xuôi, chỉ có nắng và gió. Gió lăn qua những mái tôn, khua những cánh cửa ghép tạm bằng ván làm chúng kêu cọt kẹt.
Sao mình đi cả trăm cây số chỉ để ngó cảnh này nhỉ, hắn nghĩ vậy. Nghề nghiệp buộc hắn luôn lang thang đây đó. Trong một chầu cà phê, hắn được giới thiệu về một xóm “nghèo hơn cả nghèo”, nên muốn viết gì đó về nơi này.
Nhưng nắng và gió làm hắn mệt mỏi. Chiếc xe máy dở chứng làm hắn kiệt sức và bực bội. Nên thấy ngôi nhà đầu tiên là hắn “xông” vào ngay. Sau đó, cảm giác bực bội ấy nhanh chóng biến mất, khi có người bước ra, mời vào nhà.
Còn gì mâu thuẫn hơn, khi ta đang cau có, mệt mỏi, nhưng trên cái bàn gỗ kê dưới lùm tre mát rượi là ly nước trong veo, và người mới rót nước là một cô gái thật xinh.
Hẳn rằng gương mặt hắn lúc này hài hước vô cùng, nên chủ nhà khẽ cười, chỉ đủ để lay nhẹ mái tóc buông che nửa mặt. Nhưng dù vậy, vẫn hiện rõ lúm đồng tiền.
Nụ cười của cô làm dậy lên trong hắn ảo giác như đang mệt mỏi lê bước giữa trưa nắng gắt bỗng gặp một bóng cây hiu hiu gió thổi.
Tự dưng, hắn thấy khoảng thời gian mình ngun ngút bốc hơi trong nắng, chịu gió tạt vào mắt để lên đến đây là xứng đáng.
Hắn mơ màng và nghĩ, hóa ra, luôn có những giây phút thật đẹp đi ngang cuộc đời ta trong ngày… không đẹp.
Trò chuyện khá lâu, hắn biết cô ở cùng bà ngoại, là người đa cảm, mang một tâm hồn đẹp, trong vắt như pha lê. Khiến cho hắn thấy bao chộn rộn, bon chen biến mất.
Chiều hôm ấy, cô xin phép bà dẫn hắn đi thăm nhiều gia đình trong xóm. Nhà cuối cùng, chủ nhà nhất quyết giữ hắn ở lại ăn cơm, không quên đãi hắn mấy ly rượu nếp trong như mắt mèo.
Thế là hắn lưu lại một đêm. Nghe tiếng đất trở mình qua từng ngày, từng tháng theo lời kể của những người khai phá vùng đất hoang vu, dựng nên xóm nghèo nhưng ấm áp tình người này.
Rồi hắn thích cuộc sống êm đềm ở đây khi nào không biết, nên hay lặn lội lên chơi. Mỗi lần đến, hắn thích được theo cánh đàn ông trong xóm đi thả lưới trên sông mỗi chiều. Gần sáng đi thu lưới, đón ánh bình mình; trưa ngả lưng trên mảnh chiếu trải trước nhà, hoặc dưới bụi tre, ngủ thật sâu trong gió thổi và tiếng sóng nước lao xao.
Không phải là thi sĩ, nhưng vào những buổi chiều ấy, hắn cũng muốn làm thơ. Nghe hắn nói vậy, cô cười “muốn chết”. Hắn biết, cô thích thơ, và cũng làm thơ, người đa cảm nào chẳng vậy.
Nắng vàng hay gió rào rạt thổi qua sông cũng thấy gợi cảm; bầy gà lích chích kiếm ăn dưới gốc cây lúc nắng lên cũng làm cô bần thần. Khi làm xong một bài, cô lại cẩn thận chép vào một cuốn sổ dày, giấu rất kín.
Nhưng một lần hắn lên, cũng vào ngày đầu mùa khô, gió theo mùa đến, thổi lồng lộng trên sông, cô đã không còn ở với bà ngoại, mà được mẹ đón về phương trời xa.
Cũng chưa đủ để người ta phải báo tin cho mình- hắn nghĩ, rồi chào và quay đi. Nhưng bà ngoại lại đưa cho hắn một gói giấy khá dày. Vụng về mở ra, hắn ngậm ngùi khi thấy cuốn sổ chép những bài thơ của cô.
Bẵng đi khá lâu không tin tức, chợt một ngày, ông anh nhà thơ tấm tắc, chắc lưỡi với hắn về một bài thơ “rưng rức nỗi niềm quê hương” đăng trên tờ báo phía Nam.
Không hiểu sao, khi nghe “Mùa sang, chạm dấu mùa sang/Những bông hoa nắng trổ vàng bờ thưa/Tây Nguyên khát mấy cho vừa/Dã quỳ một lối đón đưa Đông về*”, hắn tin đó chính là cô.
Hắn tìm tờ báo xem tên tác giả, rồi nhờ người quen ở tòa soạn kiếm giúp, thì đúng là cô. Thế mới biết, ở phương trời nào đó, cô vẫn viết.
Từ đó trở đi, thỉnh thoảng hắn lại được đọc thơ của cô ở một số tờ báo khác. Những gì cô viết đều khơi dậy nỗi nhớ quê nhà, nhớ nắng và gió ở xóm nghèo ven sông; nhớ những con đường đất đỏ bụi mù và những phận người nhỏ nhoi.
Hắn tin là quê nhà trong cô vẫn còn tràn đầy. Nếu không, sao có những câu thơ da diết “Ngày trở rét, mùa Đông chừng trở dạ/Khúc xa quê, hoa lá hát thầm thì/Ta xa quê nhớ hương bầu hương bí/Giữa mùa Đông những luống cải xanh rì**”.
Chiều nay, hắn về lại xóm nghèo. Nhưng căn nhà hắn quen thuộc không còn, hay đúng hơn, ngôi nhà lụp xụp đã được thay thế bởi và người mở cửa cũng xa lạ. Bà ngoại đã được đón đi.
Hắn lặng lẽ ngồi dưới bụi tre ven sông mà nhìn lên con đường trải nhựa, đột nhiên cảm thấm thía hơn bao giờ hết nỗi buồn trong lòng. Và như nghe văng vẳng đâu đây tiếng cười trong trẻo.
Như một giấc mơ, chỉ gió theo mùa về là thật.
(*, **: thơ Linh Giang)
HỒNG LAM