Mùa rẫy nhớ
Qua Giêng là mùa dọn rẫy. Năm ấy, đến lượt tỉa lúa. Trời nắng to nên chỉ hai “cữ” hong phơi, mẹ đã hài lòng cất lúa lại trong cái teo, chờ ngày xuống giống. Vài đám rẫy cũ - đám gần nhà, đám xa đồng - mỗi năm một vụ trồng tỉa, luân phiên bắp, mì, khoai, lúa. Ngày ấy, rẫy được dọn xong, cho dù chọn loại cây nào để trồng, thì trước hết cũng được cuốc lên một lượt. Cái cuốc của cha chuyên dành cuốc đất, lưỡi to và bén ngọt. Mỗi nhát khỏe khoắn bập sâu là vồng lên một tảng màu nâu sậm. Đất đã thục, mùa trước cũng mới qua chưa lâu nên không phải là thử thách khó khăn dưới đôi tay gân guốc.
Ngày ấy, lúa được gieo tỉa, vụ thì giống lốc - hạt gạo trắng ngà, vụ thì xà cơn - gạo hơi ram rám. Đôi khi, mẹ còn giành hẳn cả vạt thung rộng để chỉ gieo nếp, giống nếp rẫy được trồng tỉa nhiều năm, hạt nào hạt nấy no tròn. Dụng cụ tỉa lúa đơn giản là một cây le, cao chừng ngang ngực, đầu dưới vót nhọn, phần trên để bằng.
Nhớ về cái “cây gậy” ấy, thật vui khi tình cờ gặp một người cao niên mải mê đẽo gọt.
|
Ông ngồi lum khum ở một góc nhà sàn, bình yên và lặng lẽ. Ánh sáng rọi qua khung cửa, in lên dáng người rắn rỏi. Nhẩn nha chắc tay từng đường dao bén gọn, ông bảo: Chẳng làm sao quên được.
Ngày xưa, chiếc gậy chọc lỗ tra hạt (hay cây tỉa lúa, tỉa bắp ) ở làng là dụng cụ không thể thiếu, gắn liền với việc rẫy. Nó được làm từ cây le (hay lồ ô nhỏ) và gỗ, trông xinh xinh mà bền chắc không ngờ.
Để làm nên một vật dụng rất riêng như thế, theo ông trước hết, cần lấy một đoạn le nhỏ, cầm vừa chắc tay, độ dài áng chừng ngang ngực, có khi cao hơn vòng hông. Đây là phần “thân” của gậy chọc lỗ. Phần này luôn được róc chuốt bên ngoài cho sạch, cho nhẵn để tay không bị xước, bị cào. Chọn đúng cây le sao cho một đầu phần thân trùng vào đoạn rỗng khoảng chừng gang tay, để tạo thành khớp nối với phần “chính” của cây tỉa. Đáng kể, phần chính của gậy chọc lỗ được làm bằng gỗ, đẽo gọt cẩn thận theo hình cọc nhọn. Khi một đầu phần chính được lắp vào vừa vặn với đoạn rỗng phần thân của cây tỉa, là dụng cụ được hoàn thành. Cầm cây tỉa thả xuống đất, đầu nhọn để lại lỗ nhỏ, vừa để thả nhúm hạt vào.
Ngày trước, người giỏi đan lát, người khỏe rèn đồng thời cũng là những người làm ra “cây tỉa”, không chỉ dùng trong gia đình, còn chia sẻ cùng bà con trong làng, trong xóm.
Kinh nghiệm từ người “rành nghề” như ông, thì phần thân cây tỉa phải là cây le (lồ ô) đã già, có độ cứng cáp nhất định, dù có để lâu, vẫn nguyên hình dạng ban đầu, chứ không bị “tóp” lại. Về phần cọc tỉa, đa phần các loại gỗ đều có thể dùng, song thực sự tốt hơn, thì ngày trước vẫn chọn trắc, hương, cà te, dổi, sao, vì độ bền cao lại còn đẹp mắt. Trong quá trình sử dụng, khi phần thân cây tỉa bị hỏng, vẫn có thể thay bằng thân cây mới mà vẫn giữ nguyên đầu tỉa. Đầu tỉa bền năm “lên nước” nhẵn bóng, mà độ mòn của nó thì dần theo thời gian.
Qua Giêng là mùa dọn rẫy. Đã lâu không còn cầm cái cuốc nên càng nhớ làm sao những mùa rẫy cũ. Với cây tỉa chắc trong tay, trên nền đất, đầu nhọn chỉ lối đến đâu, nhúm giống theo vào đến đấy, sau rồi, lấy chân gạt qua một cái là xong. Hạt giống ngậm đất, qua vài cơn mưa đầu mùa, tua tủa mọc mầm, lên nhanh. Sau những ngày tra hạt, cả nhà được tạm nghỉ rẫy, chờ lúa lên đến kỳ, bắt tay vào làm cỏ. Mỗi vụ chừng đôi ba đợt, đến khi lúa chín vàng.
Không đơn giản chỉ là một cây le, từ thuở xa xưa, cây tỉa lúa đã được tạo nên bằng một cách không kém phần công phu, đẹp mắt. Điều đó, hẳn nhiên không chỉ thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay, mà chính là sự trân trọng đáng yêu với hồn Mẹ Lúa.
Với từng công việc nghề nông, cho dù bây giờ đã lắm đổi thay, thì luôn còn những vùng đất đồi vẫn thế. Từng mùa rẫy nhớ đi qua. Lúa, bắp lại mọc lên.
THANH NHƯ