Mưa chín chiều, ở trong căn cứ...
Tháng này, ngày như trôi chậm hơn; nhưng hôm nay, chưa đến 5h chiều, trời đã sầm lại. Tiếng sấm ì ùng xa xa đâu đó. Mớ lá đinh lăng phơi hai hôm chưa hẳn khô được đưa vào trong hiên nhà. Ông nhổm lưng, nhấc chiếc “đòn” cũ đã mòn, vội quơ mớ tre, lạt vương vãi, lui vào trong nhà. Khung cửa nhỏ trông ra khoảng sân gọn chẳng mấy chốc đã nhòa trong màn mưa. Mưa chín chiều...
“Mưa chín chiều là gì hả ngoại?” - Con cháu gái sà xuống, nắn vai cho ông, nhoẻn cười.
“Là những cơn mưa đầu mùa đó con. Những cơn mưa dẫn đường cho một mùa mưa sắp tới...”- Ông nhìn trìu mến.
Ông ngoài 80, quê gốc xứ “nảu” Phú Yên nhưng gần cả cuộc đời, những nơi đã từng đến rồi đi bao nhiêu là địa danh ông nào nhớ hết. Tập kết ra Bắc, rồi lại đi B vào Nam, cho đến ngày Kon Tum giải phóng chỉ hơn 5 năm mà bao nhiêu kỷ niệm ở núi ở rừng mãi còn in dấu.
Ngày ấy, cơ quan nông nghiệp của tỉnh ở căn cứ đảm nhận nhiệm vụ tăng gia sản xuất để tự túc lương thực. Lực lượng không nhiều, song hầu hết anh chị em là người vùng duyên hải miền Trung cho nên “mưa chín chiều” chẳng phải là cái tên xa lạ. Đó là những cơn mưa đầu tiên, sau cả một mùa khô đằng đẵng.
Từ xưa lắm rồi, chẳng ai đếm được chính xác mưa bao nhiêu cơn vào thời điểm ấy, nhưng vì mưa hay liên tiếp vào mỗi buổi chiều, nên đã thành con số “chín”. Mưa chín chiều thường khi chỉ một lúc rồi đi, song cũng có lúc “dài hơi”; được mọi người ngóng trông, chờ đợi...
Vùng căn cứ cách mạng ngày ấy rừng núi bao la. Từ tháng 11, tháng 12 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau, những vạt cây gần cây xa đã được phát, đốt, dọn dẹp. Đất thấp đất cao cũng được cuốc lên cẩn thận. Khi cái nắng hanh khô vẫn còn gan lì khiến mọi người mệt mỏi thì... mưa chín chiều, những cơn mưa tới...
Đất đai khan khô mở lòng đón làn nước mát. Đám cây cối hả hê nguôi cơn khát. Những hạt giống lúa giống bắp dành dụm chắt chiu được đem tỉa gieo. Mớ hom mì để dành từ cuối vụ đã qua cũng đến hồi ra rẫy... Sau mỗi mùa nắng nóng, khan khô, mưa chín chiều được đợi mong, trông ngóng là vậy.
Ở vùng căn cứ gian nan, thiếu thốn đủ bề, mưa chín chiều mang lại niềm vui, song cũng để lại trong ông và các đồng chí, đồng đội bao tâm tư, suy nghĩ... Lại một mùa đã qua và một mùa sắp đến. Cuộc kháng chiến trường kỳ sẽ đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Niềm tin sắt son làm vơi nỗi nhớ người thân, quê nhà xa cách...
Mưa chín chiều ở trong căn cứ... Bởi vất vả, gian nan nên bao năm rồi lòng ông còn nhớ. Bởi tình nghĩa đậm sâu nên đi gần hết cuộc đời mà ký ức vẫn không quên.
Có một điều mà từ những ngày vợi xa ấy, ông đã nhận ra là nhờ gần quá với thiên nhiên nên dường như khi nào, mọi người cũng tự lắng nghe được “tiếng” của thời tiết. Sau bao ngày nắng nóng, khô hanh là những cơn mưa chín chiều báo hiệu.
Và, đã thành quen, buổi sáng cặm cụi leo dốc lội đèo đi làm, rẫy gần rẫy xa bất kể; nhưng trời ngả chiều, hễ thấy mây che, trời sầm là vội vã rủ nhau về lán. Thật nhanh chân để tránh cơn mưa bất ngờ.
Mưa chín chiều ở rừng không hẳn lúc nào cũng mưa mau, mưa thưa; mà có khi vẫn mưa lâu, mưa đậm. Ngày ấy, nước uống, ăn, sinh hoạt đều nhờ vào con sông cái suối. Vậy nên có những buổi chiều mưa, đến khi tạnh cơn, ra suối múc nước vào nấu củ nấu cơm thì ôi thôi, nước đã đục ngầu... Mưa chín chiều, sau nhiều cơn như thế, cho đến lúc thực sự vào mùa thì suối nước dâng, mới trong trẻo lại bình thường.
Mưa chín chiều ở trong căn cứ... Mưa chín chiều của ngày hôm nay... Cuộc sống đã khác rất nhiều. Câu chuyện nhỏ năm xưa giờ thành bài học quý, với con cháu gái thân yêu và bè bạn của em...
Thanh Như