Mùa bơ
Tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa đã làm nguôi cái nóng bức không gian và khan khô mặt đất cũng là mùa hoa trái tựu đơm, trẩy hái. Cây bơ luống tuổi bên hông nhà đã bao năm lúc lỉu quả, mùa này cũng vậy. Buổi sớm, ông ra ngoài sân, thư thái quấn một điếu thuốc rê, hít một hơi dài khoan khoái. Cô cháu gái thì nhanh tay đưa chiếc chổi quét lá để còn kịp giờ đến trường.
Đó là cây bơ sáp quả xanh mà lần đi thăm bà con ở Buôn Ma Thuột năm ấy, ông đã cẩn thận mang về trồng. Thấm thoát vậy mà cây bơ bây giờ cũng đã 16 năm, bằng tuổi con cháu gái. Biết rõ là giống bơ ngon nên bao năm qua, ông đã kỹ càng chăm sóc. Một cái hố lớn được đào lên, đất tơi trộn thêm nhiều phân bò để mục. Sau ba năm đặt cây, bơ ra hoa, cho trái. Mùa đầu tiên, rồi những mùa tiếp theo. Lúc nhỏ còn cần tưới chăm, chứ đến khi cây quá đầu người thì không cần vun bón. Bây giờ, cây bơ đã thân to, cành cao, xòa tán mát rượi cả một vòm trời bên ngoài khung cửa. Những hôm trưa nắng nóng, nằm trên chiếc phản gỗ cũ nhẵn bóng trong nhà mới mát mẻ làm sao. Đầu hè, khi những tiếng ve ran trên vòm lá, cũng thật là thích thú.
Tuổi cây bơ bằng tuổi cô cháu gái. 13 mùa rồi cây cho trái sai. Bơ không lớn lắm, chừng 5-6 quả mới được một kilôgam. Bơ giống ngon nên lớp da hơi sần. Không như giống bơ chín tím, chín nâu rất dễ nhận biết, bơ chín xanh chỉ cần nhìn vào lớp vỏ đậm màu là có thể hái vào. Cây ở trong sân nhà nên quả mới nắm tay, con cháu gái và mấy đứa cháu trai đã nhao nhao “xí phần” chờ chín. Bơ ngon nhất phải chờ chín ở trên cành, nhưng trong lúc quả còn đang già, có đứa háu quá, chẳng chờ nổi đã vội hái vào, “dú” trong thùng gạo hay bao lúa cho nhanh nhanh để còn đem ra thưởng thức. Cô cháu gái bao giờ cũng kỹ càng hơn, luôn đợi bơ chín trên cây mới hái xuống. Thường bị mấy thằng em láu lỉnh chia phần, nó cũng vui vẻ cười.
Đó là giống bơ sáp, quả màu xanh hình thuôn tròn. Ấn tay thấy mềm, rõ là bơ chín. Lấy chiếc dao nhỏ bén ngọt, khứa một đường vòng trên thân quả bơ, lộ ra lớp “cơm” màu vàng mơ, sít dao, dẻo quánh. Bơ hạt nhỏ, rời ra ngay sau khi cắt vào lớp thịt bơ; chứ không như như loại bơ nước, đã nhiều xơ còn hay dây dưa khó tách.
Bơ ngon có nhiều cách ăn. Thông thường là ăn với đường, với sữa. Xẻ quả bơ, bóc vỏ, cắt từng miếng bỏ vào ly, cho sữa cho đường, xay nhuyễn hoặc dằm nhỏ, cho thêm chút đá bào, mới thấy đã thèm. Cô cháu gái thì đơn giản hơn, thích cầm nguyên miếng chấm với chút đường. Ăn như thế, thực sự vẫn còn “ nguyên chất”, đậm thơm và béo ngậy, thấm tháp hương vị của loại trái cây dinh dưỡng dồi dào. Đó cũng là cách ăn bơ của ông nội mà nó đã làm theo, vừa đơn giản, vừa ngon đầy “bản sắc” theo cách nói dí dỏm của bé gái.
Ông người Bình Định, theo các cụ lên Kon Tum lập nghiệp đã gần 60 năm. Bơ vốn không phải là loài cây của đồng bằng. Ông kể, dạo mới lên Kon Tum, cây bơ hãy còn ít lắm, nhưng ấn tượng về loại quả mà quê hương vẫn còn xa lạ thì rất đậm đà. Sau này mới hay, loài bơ gốc từ Mêhicô và một số nước Trung Phi đã theo bước chân kiếm tìm thuộc địa được người Pháp đưa vào Tây Nguyên, bén đất Đà Lạt, Buôn Ma Thuột... Cây bơ “ kết” nhất với đất đỏ bazan, nơi loài cà phê khó tính sinh sôi, phát triển. Kon Tum không ba zan, nhưng đất xám đất vàng cũng khá là thích hợp. Ngày trước, nơi này được biết đến là xứ sở của mít, nhãn, me... Những vườn mít, vườn nhãn nức tiếng ở Phương Hòa, Tân Điền, Phương Quý... gắn bó với thanh xuân của nhiều thế hệ. Ít trồng, nên ngày ấy, bơ trái được đưa lên Kon Tum chủ yếu từ địa bàn Gia Lai, Đăk Lăk. Sau này, bơ được tuyển giống và đưa vào trồng nhiều hơn trong các gia đình, vườn nhà. Bơ được trồng xen với một số loài cây ăn quả trong trang trại tổng hợp, cũng có khi rải rác trong lô cà phê, hàng rào diện tích một số cây công nghiệp dài ngày... Cây bơ từ chủ yếu một mùa dần trở thành quanh năm đến mấy lần có quả.
Trong khuôn viên nhà ở, mặc dù chỉ trồng có một đôi cây bơ cho con cháu, nhưng những năm qua, ông đã mấy lần thay cây bơ trong sân vì lâu ngày bơ cũng già cỗi, ít trái, có khi còn bị sâu đục thân phá hoại không cứu được. Ngoài cây bơ sân nhà, mấy năm nay, ông cũng còn mảnh rẫy cả hecta trồng xen bơ với một số loại cây ăn quả như sầu riêng, xoài, nhãn, mận. Bơ được trồng ở bốn góc vườn, theo hàng dọc sát hàng rào hoặc xen với một số loại cây ăn quả khác. Đất tốt, bơ không mất công chăm sóc kỹ nhưng năm nào, trước tết nguyên đán, mấy đứa cháu cũng phụ giúp ông pha thùng vôi trắng, quét kỹ phần gốc cây bơ. Ông bảo, vừa để mặc áo mới cho cây cối đón tết, cũng là để phòng trừ bệnh hại. Đặc biệt, mùa mưa dầm, bơ vẫn chịu nước. Càng đón mưa dường như nó càng vươn xanh. Quả cành cũng già, chín ngon lành.
Bây giờ, người trồng bơ ở Kon Tum đã nhiều, song người tiêu dùng cũng lắm nên bơ xem ra chẳng khi nào lo “ế”. Ở trung tâm phố thị, ngay khu vực đường Lê Hồng Phong đoạn từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến ngã tư Ngô Quyền ngày nào vẫn là nơi tập trung bày bán rất nhiều bơ trái, giống nội - giống ngoại, cao cấp - bình dân loại nào cũng có... Bây giờ, khi khu vực mua bán tự phát được giải tỏa để lập lại trật tự đường phố thì những người bán hàng đã lùi vào phía trong khu vực chợ đêm.
Chiều nay, cô cháu gái giúp ông đưa mấy rổ bơ đã già từ ngoài rẫy trở về, vẫn không quên để dành lại những quả to và ngon nhất để gửi cho bác nó ở thành phố. Quà quê quý lắm. Người đi xa luôn nhớ về...
Thanh Như