Một ngày ở làng
Mỗi khi nhớ về ngôi làng heo hút nơi biên giới ấy, trước mắt hắn lại hiện lên những mái nhà lợp tôn xanh đỏ quần tự quanh nhà rông cao vút, đẹp như một khu dân cư kiểu mẫu giữa đại ngàn.
Hắn trở lại làng vào một chiều cuối tháng 11.
Thời tiết đang “trở mình”, dấu hiệu chuyển mùa rõ rệt, trời đất vùng biên se se lạnh, thỉnh thoảng lại có những cuộn gió thốc tới, hất tung lá vàng.
Đợt khảo sát kết quả thực hiện xóa bỏ hủ tục ở các làng đồng bào DTTS ở huyện biên giới Đăk Glei của đơn vị hắn đã gần kết thúc. Chỉ còn ngôi làng cuối cùng, nằm giáp biên giới này nữa.
Con đường vòng qua những triền núi, nhiều đoạn đã xuống cấp, một số đoạn khó đi do ảnh hưởng mưa bão, xóc nảy tung cả người. Chỉ còn khoảng vài chục cây số nữa là đến làng rồi- hắn động viên mọi người.
Trong đoàn công tác, chỉ có hắn là đã từng lên làng vài lần, nên rành đường đi lối lại.
Cách biệt với trung tâm xã bởi miên man đèo dốc, làng là một thế giới khác, một thế giới của núi, của cây rừng xanh thắm, suối reo, chim hót và không gian trong veo.
|
Hắn vốn có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có với vùng đất này. Nên khi ngắm nhìn những triền đồi rập rờn cỏ đuôi chồn tim tím hoang hoải trong gió, có cái gì đó vừa hưng phấn nhẹ nhàng, vừa hồi hộp, vừa thân quen rung nhè nhẹ trong tâm hồn hắn.
Lần đầu tiên đến làng, hắn ngẩn ngơ đứng nhìn con đường cứ hun hút chạy lên hướng Bắc. Dân làng nói, đi hết đường này sẽ gặp đường tuần tra biên giới, nằm sát ngoài biên, nhìn sang bên kia là cụm bản Văng Tắt, huyện Sản Xay, tỉnh Attapư của nước bạn Lào.
Ngày ấy, bên bếp lửa ở nhà rông, được già làng A Gưng trao tận tay miếng thịt nướng thơm phức, được chuyền tay bát rượu cần sóng sánh màu hổ phách ủ đúng cách của người Giẻ Triêng.
Trong nồng nàn men rượu, hắn nghe bà con chia sẻ chuyện đám lúa rẫy đã chín rục, nhưng chưa thể thu hái; đàn gà có dấu hiệu bị bệnh, cứ rúc đầu vào cánh; thương lái đến thu mua mì nhưng ép giá vì đường xa.
Rồi chuyện nhà A Niên có con trai được xuống học ở trường nội trú tỉnh; con nhà Y Lơ đau ốm liên miên, mời thầy cúng về cúng ma mấy lần mà không khỏi, sau nhờ cán bộ đón bác sĩ về tận nhà khám bệnh, cho thuốc uống mới hết. Lúc này dân làng vỡ lẽ, đâu phải ma rừng bắt, mà là bị sốt rét.
Hắn lại nhớ đến người phụ nữ gầy như que củi, lúc nào ánh mắt cũng buồn rười rượi. Hoàn cảnh Y Lơ cũng tội. Chồng lười lao động, lại nghiện rượu, mỗi lần say rượu lại đánh con, đuổi vợ.
Mỗi lần nhắc đến chuyện làm ăn Y Lơ lại thở dài: Em chỉ mong có tiền mua con bò để nuôi thôi. Có mấy sào mì, bán đi cũng chỉ đủ trả nợ cho chồng.
Sau chuyến đi ấy, hắn về đơn vị, kêu gọi bạn bè, anh em được một khoản tiền kha khá, không chỉ đủ mua một con bò giống thật đẹp, đem lên tận nơi tặng Y Lơ, mà còn mua thêm gỗ, tôn để làm chuồng.
Chiếc xe cọc cạch chạy trên con đường độc đạo, thỉnh thoảng lại trở chứng tắt lịm, mọi người phải xuống xe, còn lái xe loay hoay một hồi, xe lại nổ máy. Vượt qua một con dốc, làng hiện ra trước mắt với những mái nhà lợp tôn xanh đỏ.
Lâu ngày gặp lại, hắn xúc động bởi những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt nói thay tình cảm của mọi người. Sống "nơi đầu sông đầu suối", dân làng đón khách giản dị mà chân tình.
Bếp lửa nhà rông lại bừng sáng, đón khách với rượu cần, cơm lam, như một truyền thống đẹp và trang trọng nhất của dân làng. Khách đến làng luôn được đối đãi chân tình, niềm nở, trọng thị như vậy.
Như một đêm nào đó đã lâu, hắn lại ngồi bên bếp lửa, được mời những bát rượu sóng sánh màu hổ phách rút ra từ ghè rượu tốt nhất. Rồi nghe kể về những gian khó ngày cũ, về ước vọng những ngày sau bếp luôn đỏ lửa, củi chất đầy nhà, lúa đầy kho, heo gà đầy chuồng.
Hắn mơ màng theo men rượu cần ngọt dịu, theo lời kể của già làng, trong ánh lửa bập bùng chờ sáng.
Nhiều thế hệ ở làng lớn lên trong gian khó, sống nhờ cây lúa, cây mì nhọc nhằn mọc trên từng dốc núi, từng miếng rẫy nên thiếu thốn triền miên về lương thực, thuốc men, về cái chữ. Hủ tục vây lấy từng mái nhà, khiến nghèo khó thêm dai dẳng.
“Dấu chấm lặng” ấy trở thành một trong nhiều trăn trở của chính quyền huyện, xã. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, huyện, xã triển khai quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, gắn với phát triển sản xuất; đầu tư điện lưới quốc gia, đường giao thông.
Nhất là từ khi tuyến đường vào làng được bê tông hóa, làng như rũ bỏ khỏi sự chật hẹp, ủ rũ ngày nào. Hủ tục cúng bái, mê tín dị đoan đã bị “đuổi” khỏi làng. Người làng cũng hạn chế được việc đâm trâu, giết bò khi cưới vợ, gả chồng; nạn tảo hôn, thách cưới không còn là nỗi ám ảnh.
Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; biết dựng vườn trồng cây ăn quả, làm chuồng nuôi trâu bò, gia cầm, không còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước mà tự tay xây dựng cuộc sống mới cho mình.
Nhà cửa được sửa sang ấm cúng hơn; vườn tược được rào dậu gọn gàng hơn. Những rẫy mì, bắp trải dài trên sườn đồi, xanh mơn mởn.
Làng cũng được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bà con nói, cũng là rừng, là đất, nhưng đời sống của bà con đã khác xưa nhiều rồi.
Không ồn ào, mạnh mẽ như những nơi khác, mà sự thay đổi ở làng hiện diện ở từng mái nhà, từng gian bếp, từng mảnh vườn. Đúng là núi rừng đang bừng sáng từng ngày. Cái lạnh giá của đại ngàn, sự heo hút của đồi núi đã nhường chỗ cho sự no ấm, trù phú, yên bình.
Bếp lửa bập bùng. Y Lơ dẫn chồng là A Biết đến chào hắn. Anh chồng ngượng ngùng nói lời cảm ơn. Trên gương mặt Y Lơ đã không còn nét buồn rười rượi nữa, mà lấp lánh ánh vui.
A Biết ấy à, đã bỏ hẳn rượu rồi, không còn đánh vợ con nữa, nay chí thú làm ăn lắm. Nhà Y Lơ đã thoát nghèo đấy- già A Gưng khen. Y Lơ hân hoan nhìn chồng khi nghe già làng nói.
Một ngày mới ấm no đang về.
HỒNG LAM