Một cách yêu Măng Đen
Cư dân mạng xã hội facebook ở Kon Tum những ngày qua chia sẻ, bình luận, bày tỏ cảm xúc… khi có một số bạn trẻ đăng tải lời kêu gọi, hình ảnh và hành động thu dọn rác ở Măng Đen (Kon Plông) sau dịp tết.
Không phải ngẫu nhiên mà hành động này lại nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội như vậy.
Quan tâm, cảm kích trước hành động tình nguyện vì cộng đồng, tình nguyện vì một Măng Đen, vì một Kon Tum xanh – sạch – đẹp… của các bạn trẻ đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.
Quan tâm vì đã từ lâu và đã nhiều nơi, chuyện cứ sau dịp tết, lễ lớn…, phố phường hay điểm du lịch - Măng Đen cũng không ngoại lệ - ngập rác như một hệ lụy đương nhiên phải có. Bởi, “cha chung không ai khóc”; mà của chung thì có người khác lo, chỉ sao cho nhà mình sạch, ngõ mình sạch là được. Nên dù có tuyên truyền, có nhắc nhở và thậm chí đã có chế tài xử phạt, nhưng ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, không vứt xả rác bừa bãi vẫn cứ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…
“Hữu xạ tự nhiên hương”, Măng Đen những năm gần đây đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 này, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã đón 25 nghìn lượt du khách. Lượng khách đông không chỉ mang lại doanh thu đáng kể cho dịch vụ du lịch mà còn tạo cú hích cho những ngành kinh tế liên quan phát triển. Nói cách khác, từ việc phát triển du lịch này, Măng Đen – Kon Plông chúng ta sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Nhưng, chỉ sau kỳ nghỉ tết, Măng Đen với phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, yên bình lại ngập rác. Rác vương vãi tứ tung. Nơi nào càng tập trung nhiều người đến thì nơi đó bì bóng, giấy, báo, chai nhựa, vỏ trái cây, vỏ bánh kẹo, vỏ hộp sữa… càng nhiều. Những bãi rác tự phát hình thành, trong khi thùng rác được đặt ngay gần đó lại trống rỗng.
Không ít người cho rằng, vứt có mỗi bì bóng, mỗi chai nước…, có gì đâu mà phải làm to chuyện. Ai cũng vứt xả rác vậy cả, mình vứt xả thêm một chút có sao đâu(!?)
Nhưng, Măng Đen không đón một vài người, Măng Đen đón hàng chục nghìn lượt người. Cứ thử hình dung, mỗi du khách chỉ cần vứt bỏ lại Măng Đen một vỏ chai nước hoặc một bì bóng… thì với con số 25 nghìn du khách đến trong dịp tết vừa rồi đã vô tình biến Măng Đen thành bãi rác.
Liệu Măng Đen có đẹp được không khi bên những hàng thông thẳng tắp vi vu trong gió là những đống vỏ chai, bao bóng, giấy, báo… vứt tả tơi?
|
Măng Đen khi ấy cũng có đáng yêu được không nếu như những bên những cảnh đẹp như thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke… thơ mộng là bừa bãi những thức ăn thừa, vỏ trái cây… trên đà phân hủy, bốc mùi, ruồi nhặng, ảnh hưởng đến môi trường chung?
Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, không ít người lo lắng rằng, cứ đà này, chẳng mấy chốc cảnh quan Măng Đen bị phá vỡ. Vì một điểm du lịch dù có đẹp và nguyên sơ đến đâu, nhưng trước sự thiếu ý thức gìn giữ thì chẳng mấy chốc mà thay đổi.
Đừng để Măng Đen ngập trong rác – đó có lẽ không chỉ là lời kêu gọi của riêng những người yêu Măng Đen. Yêu Măng Đen, du khách tìm đến Măng Đen. Nhưng, không chỉ dừng lại ở chuyện đến với Măng Đen, mà mỗi du khách yêu Măng Đen, đến với Măng Đen cũng cần nêu cao ý thức bảo vệ môi trường để giữ gìn cảnh quan. Ý thức đó có lẽ bắt đầu từ chuyện không xả rác bừa bãi. Vì không thể lúc nào những công nhân môi trường, những bạn trẻ yêu Măng Đen đều có thể đi nhặt rác.
Du lịch phát triển phải kèm theo đó những hành động mạnh mẽ để bảo vệ môi trường. Con số những du khách đến không bao giờ trở lại – trong đó có nguyên nhân vì môi trường – là sự nguy hiểm trên con đường phát triển. Đó là thách thức đối với tất các điểm du lịch hiện nay và Măng Đen cũng không ngoại lệ.
Yêu Măng Đen vì thế không dừng lại ở cảnh quan đẹp. Cảnh quan đẹp phải đi cùng với môi trường xanh, sạch. Chỉ cần mỗi người đừng xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi quy định cũng là một cách yêu Măng Đen rất cụ thể, thiết thực.
Liễu Hạnh