Mong ước giản đơn
Mấy hôm nay, cậu con trai của người bạn tôi đang rối rít tham khảo ý kiến người lớn về chuyện chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp với khả năng và rộng mở cơ hội việc làm sau khi ra trường. Bởi vì, chỉ vài hôm nữa thôi, con trai bạn tôi- cũng như tất cả các học sinh lớp 12, bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia.
Tôi hỏi: Chuẩn bị làm hồ sơ, rồi chẳng bao lâu nữa là thi đại học, cháu lo lắng phải không?
Không ngờ, cu cậu đáp tỉnh queo: Không, cháu sẽ lượng sức để chọn trường cho phù hợp. Nhưng điều cháu lo lắng và mong muốn nhất là có một kỳ thi trong sạch, nghiêm túc không như tình trạng gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái ở một số tỉnh phía Bắc. Có như vậy mới công bằng cho tất cả để những người xứng đáng được vào những trường xứng đáng, không ai bị mất đi cơ hội.
Câu nói của cậu bé làm tôi không khỏi ngậm ngùi. Đúng là một mong ước giản dị, nhưng thật chính đáng của tất cả những người đi thi.
Mấy hôm nay, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy rất nhiều thông tin đăng tải về kết quả điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Tại cụm thi tỉnh Hoà Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố; môn có điểm chấm lại giảm nhiều nhất lên tới 9,25 điểm. Trong đó, có thí sinh được tăng điểm cả 3 môn, cao nhất là 26,45 điểm.
Trước đó, tại Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phát hiện có 330 bài thi của 114 thí sinh được can thiệp nâng điểm, có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm cho 3 bài thi.
Người dân xôn xao bàn tán, nhiều ý kiến cho rằng phải công khai danh sách các thí sinh gian lận, có ý kiến không đồng tình. Thôi thì, việc này đã có các cơ quan chức năng điều tra, xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng có một thực tế rằng, khi danh sách mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình gửi đi, các trường đại học sẽ rà soát và chắc chắn một số em khó có thể có cơ hội tiếp tục việc học.
Điều đau xót hơn, chính sự gian dối và những sai phạm kể trên đã khiến cho không ít học sinh mất đi cơ hội xét tuyển vào đại học, nhất là trường phù hợp năng lực, sở thích của mình. Sự gian lận của người lớn vô hình trung gây ra hậu quả cho con em mình, làm khổ con trẻ. Chỉ vì những tham vọng ích kỷ của người lớn đã biến các em trở thành những nạn nhân của dối trá và chịu không ít “búa rìu” dư luận, khi sự việc bị phơi bày. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới tâm lý khi các em đang ở ngưỡng cửa vào đời.
Sai phạm tại những địa phương này vẫn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhưng niềm tin của người dân, của học sinh vào tính nghiêm minh, trong sạch của các kỳ thi thì ít nhiều vơi đi.
Có một điều dư luận luôn đặt câu hỏi, vì sao năm nào trước kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản chỉ đạo về công tác thi; sửa đổi, bổ sung các quy chế thi theo hướng ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ… nhưng sai phạm vẫn cứ xảy ra, thiếu sót vẫn cứ tồn tại. Phải chăng, việc lựa chọn những người tham gia công tác tổ chức không bảo đảm năng lực chuyên môn, hay do cơ chế kiểm soát còn kẽ hở, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chặt chẽ...?!
Đến hẹn lại lên, một mùa thi THPT quốc gia mới, mùa tuyển sinh nữa lại rục rịch khởi động. Năm nay, quy chế thi có nhiều thay đổi với mục tiêu đảm bảo quyền lợi, tính nghiêm minh của kỳ thi. Nhưng có lẽ, cũng như cậu con trai của người bạn tôi, tất cả các học sinh lớp 12, các bậc phụ huynh chỉ có một mong muốn giản đơn là ngành Giáo dục sẽ tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc, trong sạch, đảm bảo công bằng cho tất cả các em.
Thùy Hương