Món ngon của má
Dẫu bây giờ có được đi đó đi đây, được thưởng thức nhiều món ăn lạ, hấp dẫn, nhưng với tôi, món ăn của má nấu vẫn là ngon nhất, lúc nào cũng cho tôi cảm giác muốn ăn và thèm được ăn. Đi làm xa nhà, lâu lâu chưa được ăn lại thấy nhớ da diết.
Má tôi là một phụ nữ thôn quê, bình dị. Nhưng trong suy nghĩ của mình, tất thảy các món ăn má nấu đều là món ngon, không gì có thể sánh bằng, dẫu đó cũng chỉ là những món rất đỗi dân dã, quê mùa.
Còn nhớ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, khi ấy tôi mới vào lớp một, lớp hai, sáng nào má cũng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Gọi là bữa sáng, chứ nhiều khi chỉ là cơm trắng với chén muối mè hoặc muối đậu, có hôm là một chén mắm dầu với đĩa rau lang luộc thôi mà ngon vô cùng.
Nói về món mắm dầu của má, có lẽ đi hết cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên. Có thể nói đây là món ăn mà má tôi nghĩ ra từ trong cuộc sống khó khăn ngày ấy.
Đầu tiên má cho dầu phộng vào chảo nóng, phi hành cho thơm rồi hòa một ít nước mắm, nước sôi để nguội, thêm ít đường, bột ngọt, hạt tiêu quấy cho tan rồi trút vào chảo dầu nóng đun sôi vài dạo, tắt bếp là có thể mang ra dùng.
|
Nước mắm chan cơm thì ăn rất mặn, lại mau ngán, còn nước mắm dầu có vị hơi mằn mặn, ngòn ngọt, béo béo, cay cay, ăn với cơm nóng lại rất ngon. Bởi thế mà khi nào nhà không có gì ăn là má lại làm món này, chị em chúng tôi cũng thích, ăn hoài không ngán.
Bây giờ thỉnh thoảng thấy nhớ, má vẫn làm món ăn này cho cả nhà thưởng thức để không quên những ngày tháng gian khó ấy.
Sau này, cuộc sống đỡ vất vả hơn, bữa ăn gia đình được má nấu nhiều món hơn, nhưng cũng chỉ là những món dân dã. Ngày nắng, má thường nấu món canh chua lá giang với cá nục, cá cơm hoặc tôm tươi; có hôm thì nấu canh rong biển, thịt kho nước dừa, thịt kho tàu hủ. Mùa lạnh thì có món thịt kho tiêu, cá kho tộ, cá đồng kho nghệ, kho gừng.
Còn mấy món ăn vặt thì cũng khá đa dạng, ngày nắng, má nấu xu xoa, rong biển; ngày lạnh thì có món bánh xèo, bánh ổ. Có hôm biển “được cá” nục, cá ngừ, má lại mua về hấp cuốn bánh tráng cho cả nhà thưởng thức thay cơm.
Theo vụ mùa nhà nông, mùa mít thì má làm món gỏi mít; mùa xoài thì có món gỏi xoài với cá khô, mực khô; mùa dưa gang thì có món dưa gang non trộn mắm nêm; mùa mì thì có món bánh mì tươi.
Kể về món ngon của má thì là một danh sách dài dằng dặc. Không phải món cao lương mĩ vị gì nhưng mà món nào món nấy đều gây thương nhớ. Nhắc đến là lại thấy thèm, muốn được ăn.
Hôm rồi con cháu về nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thấy trong vườn có quả mít non, má nói ba hái vào luộc để làm món gỏi mít. Chỉ nghe vậy thôi là con cháu đã chực chờ để được thưởng thức.
Công đoạn hái mít, luộc mít là của ba, còn lại các phần việc như thái mít, chuẩn bị nước mắm chua ngọt, hái rau thơm, rang đậu phộng để trộn gỏi là của má. Má quen tay nên làm nhanh lắm. Mít luộc xong, má thái mỏng ra rồi vắt cho ráo nước, sau đó cho nước mắm chua ngọt, rau thơm, đậu phộng rang vào trộn lên là xong.
|
Gỏi mít đậu phộng thấy đơn giản vậy mà ngon lắm. Món ăn được hòa quyện đủ vị, hạt mít non thì bùi bùi, thơm thơm; xơ mít non thì dai dai; đậu phộng thì vừa béo vừa thơm; thêm vị chua, ngọt, cay của chanh, của đường, của ớt và các loại rau thơm nữa, kích thích vị giác cực kỳ.
Ngày trước, món gỏi mít quen thuộc với nhà nông, bây giờ lại trở thành món “đặc sản” ở vùng quê, bởi không phải vườn nhà nào cũng trồng mít, nếu có trồng thì cũng là các giống mít lai, như mít tố nữ, mít Thái, các giống mít này ăn quả non sẽ không ngon bằng giống mít ta.
Bởi thế mà trong quá trình “quy hoạch” lại mảnh vườn và thực hiện “chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, má luôn dặn ba phải giữ lại những gốc mít, gốc xoài ta để lấy quả dùng trong nhà.
Mít non còn được má dùng để nấu canh, trộn rau sống nữa. Ngày nắng nóng mà ăn canh mít non nấu với tôm tươi thì mát lành. Còn món rau sống mà có mít non trộn vào, bổ sung thêm cái vị chan chát, ngòn ngọt, càng thấy ngon hơn, nhất là dùng để cuốn bánh tráng với cá nục, cá ngừ hấp, chấm với mắm nêm thì còn gì bằng.
Mỗi lần về quê, trong mâm cơm gia đình do má chuẩn bị còn một món không thể thiếu đó là canh chua lá giang nấu với cá nục, cá cơm hay với tôm tươi. Có lẽ với nhiều người sẽ không quen cách nấu này, nhưng với tôi, mùi vị của nồi canh chua lá giang nấu tôm tươi hay cá nục, cá cơm như là mùi vị của quê hương vậy.
Ngày nhỏ, cứ đến mùa nắng, mấy chị em tôi thường đòi ăn món canh tôm lá giang. Cảm giác đi học về trưa nắng mệt nhoài, được húp một chén canh chua tôm nấu lá giang thì không gì bằng. Cổ họng cứ lịm đi bởi vị ngọt của tôm tươi, vị chua thanh của lá giang.
Má tôi hay nói vui: “May là nguyên liệu nấu canh lá giang cũng rẻ tiền, dễ kiếm nên hồi đó con cái đòi ăn nhiều một chút cũng không có lo”.
Ở miền biển quê tôi, cá cơm, cá nục, tôm đều là những loại hải sản không đắt đỏ, lại có quanh năm, gần như bữa chợ nào cũng có thể mua được. Lá giang thì khỏi phải nói, mọc đầy ở trên dông, trên đồi và trong vườn nhà tôi cũng được ba trồng mấy gốc, dây bò quanh bờ rào.
Dẫu bây giờ ở đâu, các nguyên liệu để làm các món ăn mà má đã từng nấu cũng không phải khó tìm, khó kiếm, nhưng sao, cảm giác được ăn món ăn do chính tay má nấu vẫn là ngon nhất. Cũng con cá, con tôm, miếng thịt, mớ rau, nhưng có lẽ má dồn vào đó tất cả tình yêu thương dành cho gia đình nên món ăn lúc nào cũng ngon, cũng gây thương nhớ.
Bởi vậy mà tôi luôn muốn được về nhà, về bên ba má để được ăn món ngon má nấu. Yêu thương, ấm áp làm sao.
TÚ QUYÊN