Mơ miền thơ ấu
Tuổi thơ với cánh diều, với những ngày nắng ngày mưa rong ruổi cùng bạn chăn thả trâu bò trên cánh đồng làng vừa gặt xong thơm mùi lúa mới, trên bờ đê cỏ mượt đẫm sương, trên núi đồi mênh mông gió, với mỗi người con sinh ra và lớn lên ở miền quê Việt mình mãi mãi là những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ, thân thương.
Từ những buổi sớm mai mát mẻ dắt trâu ra đồng, những buổi trưa hè oi ả tắm sông cùng lũ bạn và cả… lũ bò, đến buổi chiều quê nắng nhạt hối hả về làng, đã thấm đẫm trong tâm hồn lũ trẻ chúng tôi hồn quê, để rồi nhớ mãi, nhớ mãi...
Đã có biết bao đứa con gái tảo tần quang gánh ra đồng, khéo léo cắt về những gánh cỏ non, chăm cho con bê, con nghé lớn. Ngoài việc học hành, cắt cỏ là việc thường xuyên, rèn luyện tinh thần nhẫn nại, chịu thương, chịu khó cho nhiều cô gái nơi làng quê chúng ta. Tôi đã chứng kiến đứa con gái nhỏ rưng rưng sung sướng khi bỏ gánh cỏ mơn mởn xanh trước chuồng trâu, ngắm con trâu nhà mình khoan thai nhai cỏ. Cũng cô gái ấy, sau ngày đi lấy chồng làng bên, trở về thăm mẹ cha, không quên ra sau nhà, đến bên chuồng trâu ngó coi con trâu thế nào, rồi không khỏi xót xa khi hình như nó gầy đi một ít.
Có đứa con trai nghịch ngợm là thế, mạnh mẽ là thế, bỗng một ngày bật khóc khi người ta dắt con bò nhà mình đi. Dù nó biết, anh nó đi học xa, khó khăn quá mà nhà phải bán đi. Nó theo sau người ta ra đến cuối làng, đứng đó trông mãi, đến khi bóng con bò thân thuộc khuất dần trong bóng tối, mới chịu quay về. Đêm đó nó thao thức không ngủ, nó thấy mình có lỗi với một người bạn thân thiết.
Với người dân quê, con trâu (bò) là đầu cơ nghiệp. Loài gia súc này kéo cày bừa, chuyên chở phân bón, nông sản, cung cấp phân bón cho ruộng vườn, nguồn cung thực phẩm. Với nhiều gia đình, nuôi trâu bò còn là việc kinh doanh nhỏ. Trâu bò mẹ cho ra đời nghé, bê, hàng năm bán đi để trang trải nhiều việc. Ấy nên ông bà xưa đúc kết, đàn ông có ba việc lớn trong đời:
Tậu trâu, lấy vợ làm nhà
Xong ba việc ấy mới là người hay
Xong ba việc ấy, đàn ông có thể ngửng mặt với đời được rồi.
Đã có biết bao câu ca dao, tục ngữ, bao nhiêu bài thơ, câu hát về loài vật thân thương và hữu ích này:
Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…
hay như:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Ngày nay, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền sản xuất nông nghiệp, mô hình chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp xem ra sẽ không còn phù hợp nữa, sẽ không đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn chăn nuôi gia súc lớn. Việc cày ruộng, vận tải phần lớn dùng máy móc. Đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu của ngành chăn nuôi, một thành phần trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Nông thôn nước mình đang chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều nông dân quê mình giờ đã rời làng quê để đi vào các khu công nghiệp, trở thành công nhân, hay mạnh dạn đi xuất khẩu lao động. Nhiều thanh niên rời quê hương học đại học rồi định cư ở thành phố. Số người vừa làm ruộng vừa chăn nuôi ít dần, ít dần. Những bãi đất mọc đầy cỏ dại ven sông, những triền núi thoai thoải rực rỡ màu tím hoa mua dần nhường chỗ cho nhiều công trình, dự án sản xuất quy mô lớn. Bọn trẻ ở quê không chỉ biết chơi đánh đáo, đánh khăng mà còn biết chơi game online, bớt tập cắt cỏ để học tiếng Anh và vi tính. Với nhiều gia đình, cuộc sống không chỉ cơm no áo ấm mà còn là ăn ngon, mặc đẹp, là đời sống tinh thần phong phú. Nhiều đứa trẻ lớn lên không có những trải nghiệm như thời chúng tôi đã sống, nhưng chúng có những trải nghiệm mới hơn, khác hơn, nhưng có lẽ cũng vui không kém.
Nhưng với tôi, không hiểu vì sao, đã rời khỏi làng quê hơn hai chục năm, mà giờ đây, những ngày tết nơi miền quê mới, giữa những cơn mơ, tiếng sáo diều và hình ảnh đàn trâu bò từ đồng xa thủng thẳng trở về làng vẫn hiện diện. Giấc mơ về miền thơ ấu luôn lung linh, kỳ diệu và vô cùng hạnh phúc.
Đặng Minh Sáng