Miền cổ tích
Màn đêm buông xuống. Bên hiên nhà, những giọt mưa tí tách rơi. Cu Tí nằm trong lòng bà ngoại, đôi mắt lim dim nghe bà kể chuyện cổ tích, rồi chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.
|
Trước khi đi ngủ, cu Tí thích được nghe bà kể chuyện. Nên hôm nào chuẩn bị đến giờ đi ngủ, cu cậu cũng được mẹ đưa sang phòng bà để nhờ bà kể chuyện cổ tích và vỗ về cháu trong giấc ngủ.
Ở phòng ngoài, nhìn qua ô cửa sổ ngắm hai bà cháu, chị Ba- mẹ cu Tí- cảm nhận rất rõ tình yêu thương của bà dành cho cháu. Bà vừa kể chuyện, vừa xoa lưng thằng bé thật nhẹ nhàng. Giọng bà lúc trầm lúc bổng theo dòng cảm xúc của câu truyện Ăn khế trả vàng mà thằng bé rất thích.
Thỉnh thoảng cu Tí lại mỉm cười. Chắc trong cơn mơ, cu cậu thấy mình đang lang thang đâu đó ở miền cổ tích, với vợ chồng người em ở hiền gặp lành, với cây khế trĩu quả và chim phượng hoàng.
Nhìn mẹ và con trai, chị Ba chợt nhớ đến hình ảnh của bà ngoại và chị ngày nhỏ. Ai đã từng đi qua tuổi thơ mà không từng đắm mình trong thế giới của những bà tiên, ông bụt, của những con vật tình nghĩa biết nói tiếng người, những người nghèo khổ tốt bụng được giúp đỡ, những kẻ gian ác bị trừng phạt.
Giống như con trai bây giờ, ngày ấy chị thường được bà kể chuyện cổ tích cho nghe. Và những câu chuyện kể rì rầm mỗi đêm đưa chị vào giấc ngủ thật ngon. Nhớ những đêm hè nóng nực, bà và cháu thường nằm trên chiếc giường tre phía trước sân nhà. Bà vừa kể chuyện cổ tích, vừa quạt và gãi lưng, còn chị ngủ lúc nào không biết. Bởi vậy mà từ hồi chưa đến trường, chị đã thuộc lòng những câu chuyện cổ tích như Sự tích chú cuội cung trăng, Tấm cám, Sọ dừa, Trầu cau, Ăn khế trả vàng…
Thời chiến tranh, bà ngoại làm gì có sách để đọc, những chuyện cổ tích bà biết đều là do nghe người khác kể, rồi nhớ và kể lại cho con cháu. Có thể theo thời gian kể chuyện cho các em, các con rồi đến các cháu nghe nhiều nên cách kể của bà cũng truyền cảm hơn.
Nhờ bà mà thế giới tuổi thơ của chị Ba thật đẹp. Từ những câu chuyện cổ tích kể rì rầm mỗi đêm, bà ngoại đã đưa chị vào miền cổ tích với nhiều cảm xúc, từ đó lặng thầm giáo dục chị lòng nhân ái, sự hiếu thảo, tính trung thực, dũng cảm.
Lớn lên một chút, khi đã đến trường, được học bài thơ “Nói với em” của nhà thơ Vũ Quần Phương, chị Ba cứ mường tượng như có hình ảnh của bà và chị ở trong đó:
“Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá,
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền”
Đến bây giờ, chị Ba vẫn không quên được những lời thơ hết sức gần gũi mà mộc mạc, thân thương ấy. Với chị, có lẽ đây là bài thơ “đi cùng năm tháng”. Mỗi khi đọc bài thơ ấy cho con trai nghe, chị lại nhớ bà, nhớ thật nhiều về miền cổ tích của mình.
Có dạo, mẹ có việc phải về quê lâu ngày, chị vất vả vô cùng với chuyện dỗ con trai ngủ mỗi đêm. Đi qua tuổi thơ đẹp đẽ nên chị cũng hiểu con trai mình. Chị cũng đã nhiều lần nằm bên con thủ thỉ rồi kể chuyện cho con nghe. Nhưng lạ là, chưa bao giờ chị kể chuyện mà thằng bé tự chìm vào giấc ngủ như mẹ chị đã làm được. Hầu như hôm nào cũng phải có sự ép buộc từ người lớn.
Chị Ba thắc mắc với mẹ, bà chỉ cười. Chị cũng từng cố học theo cách kể chuyện của mẹ, nhưng kết quả không thay đổi.
Có lần được một chị bạn bày cách, chị Ba bật Youtube trang kể chuyển cổ tích cho bé để cho thằng bé nghe, nhưng vẫn thất bại.
Phải chăng, mình đã không thể đưa con mình vào miền cổ tích như mẹ, như bà?
Bây giờ thằng Tí không còn nhỏ nữa. Nhưng mỗi đêm nó đều thích được nằm trong lòng bà, nghe bà kể chuyện cổ tích và chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên và ngon lành.
Hôm nay trời đổ mưa từ chiều. Khi màn đêm buông xuống, bên hiên nhà, những giọt mưa vẫn tí tách rơi. Phụ mẹ làm xong việc nhà, thằng Tí lại nằm gối đầu lên chân bà, mắt lim dim nghe bà kể chuyện.
Hẳn rằng, trong cơn mơ, cu cậu thấy mình đang lang thang đâu đó ở miền cổ tích.
Như mẹ cu cậu ngày xưa!
SÔNG CÔN