Mẹ như “mây trắng về trời”
Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch về, tôi lại “ngược dòng ký ức” về miền ấu thơ. Hình ảnh quê hương yêu dấu, nơi khắc ghi quãng đời tần tảo, cơ cực, trọn đời lặng lẽ hy sinh vì con của mẹ lại hiện về với bao cảm xúc thương yêu trào dâng trong lòng tôi.
Giờ thì mẹ như “mây trắng về trời”, để lại trong tôi bao nỗi ngậm ngùi yêu thương…
Tôi ra đời may mắn có cha, có mẹ. Vì cuộc sống gia đình nên cha tôi đi làm ăn xa; chuyện nhà, chuyện đồng áng “một nắng, hai sương” một vai mẹ gánh vác.
Tôi còn nhớ, mỗi độ mùa đông về mẹ thường hay than thở: “Cái mùa đông báo hại, lạnh lẽo gió mưa không làm được gì”. Bởi, mùa đông với mẹ tôi là mùa thất nghiệp, mưa gió mù trời, mọi việc đồng áng, bán mua đành tạm gác lại. Trong khi đó, với những gia đình nhà nông khó khăn lại đông con như gia đình tôi lo “miếng cơm, manh áo” cho con cái vào mùa đông - thời giáp hạt thường rất chật vật, “bữa đói, bữa no”.
Tôi đâu có biết nỗi lo áo cơm của mẹ, nên tôi thường tỏ ra thích thú mỗi khi mùa đông về.
Trong cái nhìn trẻ thơ của tôi ngày ấy, mùa hè ngày dài dằng dặc, ánh nắng gay gắt, người tôi lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi thật là “đáng ghét”. Lại thêm, mùa hè, mẹ tôi quần quật suốt ngày ngoài chợ, ngoài đồng, tối mịt mới về; vào vụ, mẹ còn tranh thủ làm đêm. Đó là những lúc tôi buồn, vì không được ở bên mẹ. Khi mùa đông về, dẫu lạnh nhưng có sao đâu khi tôi mặc nhiều áo, đêm đêm tôi có thể tìm đến vòng tay ấm áp của mẹ.
Lớn hơn một chút, tôi được cắp sách đến trường. Trời mùa đông gió mưa lầy lội. Tôi sợ lạnh, sợ mưa co đầu rụt cổ, tìm cách trốn học. Mẹ dỗ dành, đe nẹt để tôi đến lớp. Cuối tuần, mẹ mang tơi, đội nón dắt tôi ra đồng. Mưa lâm thâm, ù ù gió bấc. Hai mẹ con men theo bờ ruộng, bì bõm lội suốt buổi, bùn ngập đến ống chân. Mẹ chỉ tôi cách nhặt ốc, tìm cua. Mẹ thoăn thoắt làm, còn tôi thì quờ quạng, bê bết bùn đất, môi tím tái…
Về nhà, mẹ nói: "Con không muốn học chữ thì lo mà học bắt ốc, bắt cua". Câu nói đơn giản của mẹ bỗng nhiên có tác dụng với tôi. Hôm sau, dẫu trời mưa gió, tôi vẫn tự giác mặc áo, mang tơi đi học.
Nhưng thời gian bình yên không lâu, đó là những năm 1966, 1967, quê hương Ba Gia (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) của tôi được giải phóng. Mỹ- Ngụy lại điên cuồng cho máy bay đánh phá vùng giải phóng, rải bom đạn lên khắp quê hương tôi. Dân chúng tay nải, tay xách rủ nhau đi tản cư. Những gia đình ở lại thì làm hầm tránh bom.
Gia đình tôi cũng bám trụ ở lại. Mẹ tôi thuê người làng đào cả mấy ngày mới xong căn hầm dưới bụi tre rậm, sâu trong lòng đất, có lỗ thông hơi. Tối đến cả nhà phải ngủ hầm. Tôi không quen bởi dưới hầm ẩm ướt, hơi thở ngột ngạt, khó ngủ. Mẹ lại động viên, lại vỗ về cho chúng tôi được yên giấc…
Trong giai đoạn này, máy bay Mỹ lại oanh tạc ngày đêm. Có ngày, tôi đếm không biết có bao nhiêu chiếc máy bay vần vũ ầm ầm trên trời để thả bom, bắn phá. Làng xóm quê tôi tiêu điều, xơ xác.
Để đảm bảo cuộc sống gia đình, mẹ tôi vẫn phải tránh bom, chạy chợ mỗi ngày. Phiên chợ của mẹ có lúc phải họp vào ban đêm. Chợ về, mẹ tôi lầm lũi, giấu nỗi lo, để cho anh em tôi có nụ cười trọn vẹn bên mái ấm gia đình, bên những niềm vui riêng rộn rã, dù đang là chiến tranh…
Năm 1975, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất. Ngày hòa bình lập lại, ánh đèn rực sáng trên khắp phố phường, thôn làng, ngõ xóm. Trong niềm vui lớn của đất nước, mẹ tôi mới thể hiện cảm xúc hân hoan trong ngày đoàn tụ với bà con họ hàng.
Qua rồi những ngày vất vả trong khói lửa chiến tranh, nhưng mẹ tôi vẫn ăn mặc giản đơn. Lâu lâu, trong dịp lễ tết mẹ tôi mới diện chiếc áo dài; còn thường ngày thì mặc áo bà ba đen, quần đen, đi chân không. Đôi bàn chân mẹ tôi sần sùi, hai ngón cái chìa ra, mẹ rất ít khi mang guốc, dép. Cả đời mẹ tôi là những tháng ngày âu lo và trải qua những thăng trầm vất vả, hy sinh tất cả để chúng tôi có trọn vẹn tình yêu thương, có tương lai tươi sáng.
Mẹ cứ cho đi và chúng tôi cứ nhận như một lẽ thường tình trên cuộc đời này mà không một lần tự vấn và thương cho những nhọc nhằn của mẹ. Để rồi khi ngoảnh lại, ân hận thì đã muộn màng, lúc ấy mẹ tôi đã “ra đi về miền mây trắng”. Đó là ngày tôi cảm thấy cô đơn nhất, bơ vơ nhất trên cõi đời này, dẫu tôi đã năm mươi tuổi đời. Tôi đã mồ côi mẹ và hoảng hốt nhận ra không còn có mẹ trong cuộc đời...
Một mùa Vu lan nữa lại về, đây là dịp lễ để những người làm con bày tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành,những người yêu thương đã vì ta mà chịu vất vả, gian lao. Vào ngày này, tôi xin tặng những đóa hoa hồng đỏ cho bạn bè, người thân tôi - những người may mắn còn có mẹ trên đời, lặng lẽ cài cho mình đóa hoa hồng trắng và nhớ về người mẹ kính yêu đã “đi về miền mây trắng”.
Lê Sang