Mây tan góc núi
Nó bần thần nhìn mấy mầm bí non tơ đang dè dặt vươn quá mặt đất, như những đôi mắt tý hon xanh lơ hé ra tò mò nhìn đời, mà nhớ tới đôi tay chai sần, rắn chắc của người mới đào hố, vun vồng, cắm hạt với nó hôm nào.
Giờ này chắc anh đang vùi đầu vào sách vở. Nó thở dài, lui cui xách thùng đi lấy nước. Phải tưới mỗi sáng, mới đủ ấm cho hạt bí nẩy mầm. Anh dặn vậy.
Bây giờ bí đã đâm chồi, nó vẫn tưới mỗi sáng.
Trước khi cơn bão ập tới, chỗ này đây, ngay trước sân nhà, cũng có một giàn bí trĩu quả do ba nó trồng.
Thường ngày đi học về, nó chẳng thích phải xuống xe, dắt bộ dưới giàn, luồn lách qua những trái bí xanh lấm tấm lông tơ ấy tý nào. Anh trai nó càng không thích, bởi từ ngày có giàn bí, không còn được cưỡi xe vào tận hè nhà.
Nhưng không ai dám phàn nàn, hay phá giàn bí, bởi nó là của ba trồng, khi ông được nghỉ phép. Đơn vị ông đóng quân tận biên giới, thỉnh thoảng đi họp hành mới được ghé qua nhà, gần đây tình hình Covid- 19 căng thẳng, số lần ông về càng hiếm hoi hơn.
Nhớ lại hôm ông đào hố, ủ phân rồi vun vồng, cắm hạt, nó cũng xăng xái phụ giúp, ba trêu: Con gái lớn rồi, biết việc rồi. Có cậu nào để mắt chưa? Nó dỗi. Ba nói chi lạ, người ta mới học lớp 11. Ông cười.
Ba lại đi. Dây bí lớn như thổi. Trong cái nách mập mạp lú ra mấy nụ hoa vàng hươm, rồi trái con xanh xanh. Trái bằng đầu đũa, bằng ngón tay, cườm tay rồi to, to nữa. Mấy trái bí đầu tiên được nó cắt xuống, nhờ người gửi lên đơn vị cho ba. Chú bộ đội rầy: Trời, trên đơn vị thiếu chi. Nhưng rồi vẫn trân trọng bỏ lên xe, như trân trọng tình cảm của quê nhà gửi người lính.
Nhưng giàn bí tốt bời bời, xanh um ấy chỉ kịp cho được ba lứa trái. Mưa liên miên, đất nhão ra, gốc bí nhũn đi, lá vàng dần rồi rụng tơi tả. Một đêm lũ về, con suối vẫn chảy liu riu bên hông nhà trở nên hung dữ, nước chồm lên cuốn phăng giàn bí, cây cối trong vườn, tường rào, trụ cổng.
|
Nước ập vô nhà trong đêm. Mẹ và anh em nó cuống quýt bê gạch, đá tảng giường, kê ván để chứa đồ. May mà xã cử mấy chú dân quân đến hỗ trợ, “chính sách hậu phương quân đội mà”- một anh cao kều nói. Rồi có thêm mấy anh chị đoàn viên cũng chạy tới giúp. Lụi hụi cả đêm. Mẹ tính, nếu nước vẫn lên thì phải bỏ đó, chạy lên trụ sở xã, an toàn tính mạng vẫn là trên hết.
Nghe vậy, nó vội bỏ sẵn gói hạt bí hôm nọ trồng còn dư vào túi áo. Để giành mai mốt trồng. Nó nghĩ vậy.
Lũ rút. Làng của nó tan hoang. Đâu đâu cũng thấy dấu tích cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Nhiều ngôi nhà ở dưới thấp bị nước lũ giật sập. Bùn đất lênh láng khắp nơi. Con đường đã đứt đôi, lởm chởm những khối đá khổng lồ. Thật khó để nhận ra đoạn đường từng uốn lượn mềm mại, xanh ngăn ngắt nơi góc núi.
Người dân làng nó bắt đầu thu dọn vườn tược, nhà cửa. Nó nhìn thấy chị hàng xóm bươn bả dựng những cây cà phê đổ rạp te tướp mà nước mắt chực nơi khóe mắt, rồi cứ thế chảy dài trên gương mặt đã hằn in mỏi mệt.
Lãnh đạo huyện, xã cũng vào tận làng. Trong câu chuyện, nó nghe lỏm được rằng, bây giờ ưu tiên cho khắc phục tạm thời hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân, lương thực, thực phẩm. Về lâu dài, có lẽ phải mời các nhà khoa học để đánh giá tổng quan tình hình các khu vực để đảm bảo chọn được vị trí an toàn mà xây dựng các khu tái định cư, đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân một cách lâu dài nhất.
Đó chắc chắn là câu chuyện dài, sẽ mất vài năm, có khi lâu hơn để thành hình một góc núi khác yên bình và an toàn như kỳ vọng.
Nó chợt nghĩ, chắc không ráng theo đuổi ước mơ làm bác sĩ nữa. Chuyển sang học kiến trúc đi. Con gái học kiến trúc có kỳ quá không? Chắc không sao. Học kiến trúc để về quy hoạch lại nhà cửa, đường sá quê mình. Nay học lớp 11, thêm lớp 12, 4 năm học đại học, chắc về vẫn còn kịp. Có lẽ ba cũng ủng hộ nó.
Khi dân làng đang gian nan cào bùn, gom đá thì một đội thanh niên tình nguyện xuất hiện. Họ là sinh viên một trường đại học. Màu áo xanh nổi bật trong nền xám xịt của đất đá. Sau vài lời giới thiệu ngắn gọn và tràng pháo tay phấn khởi của dân làng, các anh chị tản ra, bắt tay vào việc. Những mảnh vườn, những đoạn đường, những mái nhà sạch sẽ, gọn gàng theo giọt mồ hôi rơi cùng tiếng nói cười.
Anh và một chị nữa được phân công đến giúp nhà nó. Nghiêng nghiêng đầu nhìn mấy cọc tre trước cổng, anh hỏi: Chắc là giàn bầu, bí nhỉ? Nó se sẽ gật đầu. Mai mốt làm lại nhé- anh nói. Nó lại sẽ sẽ gật đầu.
Rồi sau đó, tự nhiên như vốn phải thế, anh cùng nó đi khắp vườn, bàn cách dọn dẹp, thứ tự ưu tiên công việc, nói như anh là “lập kế hoạch” hợp lý nhất. Lần đầu tiên thấy có người dọn vườn mà phải lập kế hoạch- nó cười, mái tóc đổ xuống che khéo cái lúm đồng tiền.
Một chút nắng hanh hao rớt xuống vạt đồi, như ban tặng chút tốt lành cho những ngày sắp tới. Anh đi dọc bờ suối, nó lẽo đẽo theo sau. Những câu chuyện không đầu không cuối.
“Trên chỗ đó đất đá lởm chởm, suối dốc và hẹp, cây cối ngổn ngang, rủi ro sạt lở là rất lớn” – anh chỉ cho nó thấy. Nếu có điều kiện thì nên kè bằng rọ đá.
Bỗng dưng, nó chia sẻ với anh về ý muốn thay đổi nghề trong tương lai. Nó phấp phỏng lo anh chê nó hay thay đổi, vì nó biết, đây là tính xấu. Nhưng anh nói: Ước mơ tự bản thân nó đẹp rồi, không có ước mơ xấu, lại càng không có ước mơ sang, ước mơ hèn. Huống chi đây là một ước mơ đẹp. Cố gắng nhé.
Mấy hôm sau, khi việc vãn, anh rủ nó đào hố, ủ phân, vun vồng và cắm hạt bí; chặt cây làm giàn. Ngay chỗ giàn bí cũ ba nó trồng. May mà hôm nọ nó cầm theo gói hạt. Xung quanh, nó trồng thêm hoa mười giờ.
Xong việc anh và các bạn rời đi. Sáng sáng, nó vẫn chăm chỉ xách nước tưới cho vồng đất cắm những hạt bí, và mơ màng về cái ngày giàn bí xanh rượi, ong vò vẽ rù rì bay trên từng phiến lá, chim sâu lích rích chuyền cành, chuồn chuồn, rồi bướm, rồi hoa thi nhau nở chấp chới.
Cuộc sống của gia đình nó, của dân làng cũng ổn định lại sau mưa lũ. Và mây đã tan nơi góc núi xanh thẫm này!
Hồng Lam