Màu xanh trên đỉnh dốc
Nghe anh bạn là cán bộ xã Ngọc Linh bảo mùa này ngày nào cũng mưa sụt sùi, nên không đưa đi tham quan mấy mô hình trồng xen sâm dây trong rẫy cà phê được mà lòng nó buồn rười rượi.
Từ khi biết chính quyền địa phương triển khai mô hình này nó đã háo hức lắm. Nhưng không lẽ phải chờ hết mùa mưa mới lên đó được.
Nó hỏi anh cán bộ xã: Thế mùa này bà con có lên thăm rẫy không anh? Anh cười: Bà con vẫn đi chứ em! Có điều họ đi quen rồi, chứ tụi em mà đi rẫy mùa này không quen, đường núi trơn trượt, nguy hiểm lắm. Nó quả quyết: Bà con đi được, em cũng đi được! Anh sắp xếp giúp em.
Thấy nó quyết tâm, anh bạn không nỡ từ chối, đành gật đầu. Thế là ngay chiều hôm ấy, nó đã đeo cái ba lô to đùng, bên trong chứa lỉnh kỉnh laptop, máy ảnh, lên đường.
Sau mấy tiếng đồng hồ đánh vật với con đường dốc lên dốc xuống thăm thẳm, tay chân, mặt mũi tê cóng bởi những cơn gió lạnh băng xộc ra từ hẻm núi sâu, nó cũng tới xã. Anh bạn đợi sẵn, dẫn nó lên thẳng thôn Tân Rát, tới nhà già A Hin xin ngủ nhờ. Ông già khảng khái nhường hẳn cho nó chỗ nằm gần bếp lửa nhất, với nệm dày và tấm đắp thổ cẩm ấm áp.
Nó tỉnh giấc khi nghe tiếng anh bạn gọi, lòng thầm tiếc rẻ vì giấc mơ dang dở. Trong mơ, nó thấy mình chuẩn bị chụp ảnh những luống sâm dây xanh mỡ màng.
Đứng trong hiên nhà già A Hin, nó đưa tay hứng những hạt mưa. Mưa nơi núi cao rừng thẳm này cũng khác với mưa ở phố, cứ lành lạnh, buốt buốt, quất vào mặt làm da tê cứng lại.
Giờ này, ở phố có lẽ ấm áp hơn rồi. Nhưng nếu không đi, sao biết được ngày mưa ở vùng cao như thế nào- nó thầm nghĩ.
Già A Hin đưa cho nó đôi ủng, ra ý bảo mang vào, trước khi bắt đầu hành trình lên núi thăm vườn sâm dây của gia đình ông. Già bảo, mùa này đi rẫy, ngoài mặc áo mưa thì bà con phải đeo ủng để không bị trơn trượt, và đặc biệt là giữ ấm đôi chân.
Nó lui cui mang ủng, đeo chiếc máy ảnh trước ngực rồi mới mặc áo mưa và hào hứng đi theo mọi người.
|
Đường lên vườn sâm bắt đầu từ con đường mòn mảnh như sợi chỉ phía sau nhà già A Hin. Dù đã mặc 2 lớp áo mưa tiện lợi, nhưng mới vượt mấy con dốc, người nó đã thấm ướt nhiều chỗ bởi áo mưa bị rách toạc mấy đường. Lớp nhựa mỏng manh không chịu nổi những đợt mưa, những cơn gió, khi thì hất xuôi, khi thì thổi ngược hoặc tạt ngang.
Đi khá lâu rồi, nhưng khi nó hỏi đến chưa, già A Hin vẫn chỉ một điểm nào đó mông lung trên cao. Đồi thì cứ cao hun hút, nó phải bám mấy bụi cây để leo mà vẫn liên hồi thở dốc. Vượt qua mấy thác nước, hàng chục con dốc lớn nhỏ, mưa càng nặng hạt hơn. Già A Hin cứ đi một đoạn thì dừng lại chờ nó và anh cán bộ xã. Thấy dáng vẻ mệt mỏi của nó, già cười: Cháu có đi được nữa không? Hay ta quay về.
Những hạt mưa lạnh buốt quất ràn rạt, làm mặt nó rát và đỏ ửng, nhưng nó vẫn gắng gượng: Cháu sẽ vẫn tiếp tục. Gần đến rẫy chưa vậy già?
Một đoạn nữa. Chỉ cần đi qua hết mấy rẫy này- già A Hin chỉ vào một điểm xanh mờ dưới mưa.
Nó cố gắng thực hành cách thở để không bị mất nhiều sức như hướng dẫn của anh cán bộ xã và già A Hin. Đúng là có đỡ mệt hơn, nhưng vì nó chưa bao giờ leo dốc cao và xa như thế, nên chỉ được ít lâu là mồm miệng lại thi nhau thở.
Hóa ra, “hết mấy cái rẫy này sẽ tới” chỉ là cách nói của già A Hin để động viên nó chứ thực tế thì xa lắm. Mỗi cái rẫy phải leo qua mấy con dốc, mà nãy giờ nó đã leo không biết bao con dốc rồi.
Hơn hai giờ đồng hồ đi bộ dưới mưa, cuối cùng nó cũng tới được vườn sâm dây trồng xen cà phê của già A Hin.
Càng về chiều, mưa càng nặng hạt. Mưa khỏa lấp màu xanh của núi đồi. Trong màn sương giăng phủ, nó cố gắng nhìn thật kỹ những bụi cà phê đã bắt đầu cho quả, những vạt sâm dây xanh tốt bám chặt lên những thân cây cà phê đã gần đến kỳ thu hoạch.
Già A Hin lấy tay moi moi lớp đất tạo rãnh thoát nước để những vạt sâm dây kia không bị ngập úng. Mặc kệ mưa lạnh buốt thế nào, già vẫn miệt mài với công việc. Để trồng được 2 sào sâm dây xen cà phê này, ngoài nguồn giống nhận hỗ trợ của Nhà nước, gia đình già đã nỗ lực rất nhiều trong việc chăm sóc và nhân giống. Mùa thu hoạch đầu tiên, cũng nhờ tiền bán sâm dây mà già A Hin sửa lại được mái nhà không còn bị dột.
Anh cán bộ xã chỉ tay về phía xa cho biết, trước đây, vùng đất này bà con chỉ trồng mì. Hết vụ mì này rồi đến vụ mì khác, đến khi đất bạc màu thì bỏ, nên thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ, bà con chuyển đổi sang trồng cà phê, rồi thêm mô hình trồng sâm dây xen cà phê. Bây giờ, trung bình, mỗi hộ gia đình trong thôn trồng được một vài sào.
Nó phóng tầm mắt theo hướng chỉ tay của anh cán bộ xã- nơi núi đồi được bao phủ bởi một màu xanh của cà phê, sâm dây- mà thấy vui lây niềm vui của mọi người. Nó chợt nhớ đến câu chuyện trên đường đi lúc nãy già A Hin đã kể, ngày trước, mỗi khi mùa mưa đến, bà con thường ngồi quanh bếp lửa để uống rượu; còn bây giờ, mưa mấy bà con cũng tranh thủ lên thăm rẫy. Rõ ràng là mô hình mới đã đem lại động lực, niềm tin cho mọi người trong xây dựng cuộc sống mới.
Như hôm nay, trong lúc cùng già A Hin lên rẫy, nó gặp rất nhiều người dân trong thôn cũng đeo ủng, mặc áo mưa lên rẫy. Họ nói với già rằng, sợ mưa nhiều, cây cà phê bị gãy đổ, rồi sâm dây bị úng, nên phải lên thăm thường xuyên. Già A Hin gật gù: Đúng đấy! Cố gắng chăm cái rẫy cho tốt để có thêm nguồn thu nhập, đẩy lùi cái nghèo.
Trời chiều, giữa mênh mông núi đồi lạnh giá, lòng chợt ấm áp khi nghe tiếng cười nói của mọi người. Theo chân ông già xuống núi, nó tin rằng rồi đây, cuộc sống của bà con ở ngôi làng dưới chân núi Ngọc Linh này sẽ ngày càng khấm khá hơn.
SÔNG CÔN