Mãng cầu xiêm
Cũng như gừng tươi, me xanh, bí đao…, tháng năm tuổi thơ với mãng cầu xiêm hẳn đã thành bao nhiêu kỷ niệm. Giờ đây, cho dù đã vắng mặt ít nhiều trong mỗi dịp Tết, nhưng loại quả sạch lành này vẫn còn gần gũi trong từng gia đình. Chẳng riêng sinh tố ngọt chua thanh mát, mãng cầu xiêm còn được phơi khô, nấu nước hàng ngày.
“Ngon quá hè!…”- Nhấp ngụm nước ong óng, mẹ nói. “Dạ mẹ. Bổ nữa đó! Mẹ uống hết, con làm thêm…”- Chị cười.
Bình nước được pha từ những miếng mãng cầu xiêm khô queo và “sao vàng hạ thổ” cẩn thận. Sinh ra và lớn lên ở vùng cao này, mãng cầu xiêm đâu có gì xa lạ, nhưng dùng loại quả này để nấu nước uống thì với chị, thói quen không hẳn đã lâu.
Hồi bé còn ở quê ngoại, chị em chị đã quen lắm với hương vị quả na. Những cây na được ông ngoại trồng trước nhà, chín vào đúng kỳ nghỉ hè, ngọt thanh, lũ trẻ ăn đến thỏa thích. Lúc vào quê nội ở miền Trung, mới hay ấy chính là loài mãng cầu ta của vùng xứ “nảu”. Giữa đồi cát trắng, dường như chẳng loài cây nào trụ được thì mãng cầu ta vẫn vươn cành, sai trái nhờ chịu khô chịu hạn. Riêng mãng cầu xiêm thì cho đến lúc lên sống ở Kon Tum, chị mới được hay.
|
Mãng cầu xiêm được cho là “họ hàng” với mãng cầu ta bởi cấu tạo ruột quả nhiều “thịt” và bên trong những “thớ thịt” màu trắng ngà đều “bọc” nhiều hạt nâu đen. Ngoài điểm “tương đồng” này, thì từ hình dáng cho đến “đặc tính”, hai loại mãng cầu này đều chẳng mấy giống nhau. Không bé và tròn như quả mãng cầu ta, quả mãng cầu xiêm to chừng hơn lồng vun các ngón tay. Đầu cuống nở lớn, thuôn nhỏ về phía cuối quả. Cả mãng cầu xiêm và mãng cầu ta lúc chín đều mềm, nhưng so với mãng cầu ta thì mãng cầu xiêm có lớp “thịt” dày và tưa nước hơn nhiều. Cũng không chỉ ngọt như mãng cầu ta, mãng cầu xiêm có vị chua ngọt đậm đà rất riêng. “Ngày trước, có lẽ được lấy giống vào nước ta từ xứ Xiêm (tức là Thái Lan) nên nó mới mang tên gọi ấy…”- Mẹ từng giải thích với chị như vậy.
Mãng cầu xiêm thân gỗ, cành ngắn, lá xanh quanh năm. Mỗi năm, quả nó chín vào hai đợt: Một vào giữa mùa mưa, một vào đầu năm dương lịch, gần Tết Nguyên đán.
Chị còn nhớ, đã lâu rồi, khi đồng bào Ba Na ở các làng ven phố thị Kon Tum chưa có thói quen trồng cây hàng hóa, thì mãng cầu xiêm đã là loại quả được trồng trong làng, gần nhà. Vào mùa chín, mãng cầu xiêm thường được bà con bỏ trong những chiếc gùi lớn gùi nhỏ, mang ra chợ bán.
Cũng từ lâu rồi, khi đã an cư trong ngôi nhà nhỏ ở vùng ven thị xã, nơi mảnh vườn nhỏ của gia đình, bên cạnh các loại chuối, mít, nhãn, xoài…, mẹ chị đã trồng hai cây mãng cầu xiêm ở nơi góc khuất. Chín vào dịp hè, mãng cầu xiêm thường được mẹ để cho mấy chị em ăn với đường, sữa; nhưng vào mùa giáp Tết thì lại chỉ dành làm mứt, chuẩn bị đón Xuân.
Chừng lớp 6, lớp 7, chị em chị đã biết phụ mẹ làm mứt mãng cầu. Làm mứt mãng cầu xiêm theo cách khá đơn giản, dễ thực hiện nhất là bóc lớp vỏ ngoài, lấy “thịt” ra rồi dùng dao tách hết hột. Lớp ruột mềm, tưa nước chua chua ngòn ngọt ấy được trộn đều với đường kính trắng theo tỷ lệ 1 kg mãng cầu nửa ký đường. Ngâm trộn chừng 2 tiếng đồng hồ cho đường tan, quyện đều “nguyên liệu”; sau đó, bỏ vào chảo, “sên” trên bếp than “vừa lửa”. Nhẹ nhàng đảo đều tay đến lúc mãng cầu kết dẻo, tỏa thơm là “mẻ” mứt đã được hoàn thành. Chờ mứt nguội, dích từng miếng vào từng mảnh giấy bóng kính trong suốt rồi bọc lại, xoắn nhẹ hai đầu. “Sản phẩm” làm ra tuy đơn sơ mà vẫn “bắt mắt”, ăn vào không thể nào quên.
Mứt mãng cầu ngọt chua rất được mọi người ưa chuộng.
Chẳng những dùng trong gia đình, mứt của mẹ thường được bán ra không đủ lượng cần, người đặt. Đôi khi, để làm mới thêm hương vị theo sở thích, mẹ còn “chế” thêm mứt dẻo mãng cầu xiêm cùng với sợi cà rốt, gừng tươi… Mỗi mùa Tết đến, cái nghề “tay trái” bận rộn này giúp mẹ có thêm thu nhập để mua sắm cho con cái. Chị em chị lại càng vui mừng vì được ăn món mứt mãng cầu rất lạ, rất ngon…
Thời gian đi qua. Khi chị và các em đều lớn lên, người nào việc ấy thì mẹ cũng không còn phải nhọc nhằn với từng mùa mứt Tết, nhưng mãng cầu xiêm thì vẫn được chị chịu khó “giữ nghề”, để còn nhớ vị hương...
Cũng như gừng tươi, me xanh, bí đao…, tháng năm tuổi thơ với mãng cầu xiêm hẳn đã thành bao nhiêu kỷ niệm. Giờ đây, cho dù đã vắng mặt ít nhiều trong mỗi dịp Tết, nhưng loại quả sạch lành này vẫn còn gần gũi trong từng gia đình. Chẳng riêng sinh tố ngọt chua thanh mát, mãng cầu xiêm còn được phơi khô, nấu nước hàng ngày.
Là loại quả giàu thành phần dinh dưỡng, mãng cầu xiêm không chỉ đơn giản bổ, ngon mà ngày càng được lan truyền tác dụng ngăn ngừa thiếu máu, loãng xương, phòng chống ung thư, rất tốt cho tim, điều hòa huyết áp…
Theo từng cơn mưa cuối mùa hãy còn rớt lại, trái mãng cầu xiêm đã già chắc ở trên cành. Cắt vào rửa sạch, thái lát, phơi khô, và rồi “sao” lên cho ngả vàng ngà… là thêm một loại ích bổ bình dân, dễ tìm cho mẹ.
Cho dù có đi đâu xa thì chị và các em mình vẫn không lơ đễnh, bỏ qua…
Nghĩa Hà