Má chồng tôi
Mấy nay thời tiết thay đổi, cơ thể rệu rã. Nằm lăn qua, lật lại mãi đến hơn 7h mới bước ra được khỏi giường. Mắt nhắm mắt mở xuống bếp, đã thấy má chồng lục đục nấu nướng: “Con đánh răng đi rồi ăn sáng. Sáng nay có món miến giò ngon lắm!”. 5 tháng qua, má vẫn luôn chu đáo, chiều chuộng con dâu như vậy. Thấy mình thật may mắn, hạnh phúc vô bờ!
Nhớ thời đang yêu, tôi từng ra điều kiện với người yêu: Chấp nhận ở riêng mới tổ chức đám cưới. Ám ảnh bởi bộ phim Sống chung với mẹ chồng, trong đầu tôi luôn hiện lên những cảnh phim về người mẹ chồng khó tính, suốt ngày xét nét, hằn học với con dâu. Đã vậy, nhiều chị bạn – từng ly hôn chỉ vì bố mẹ chồng khó tính còn khẳng định: “Ngoài đời mẹ chồng còn khó tính hơn trong phim”. Chính điều ấy càng làm tôi quyết tâm ở riêng cho thoải mái; để giữ hạnh phúc gia đình.
Ngày rước dâu, má chồng dắt tôi vào cổng nhà. Cái cảm giác hồi hộp, lo sợ đến khó tả. Dù ánh mắt má rất hiền nhưng trong đầu tôi vẫn đinh ninh: “Chỉ ở nhà chồng đúng 1 tuần cho phải phép rồi xin ra ở riêng”.
Những bữa cơm ở nhà chồng vẫn rộn rã tiếng cười như chính nhà mình. 7 ngày ở đây, má chồng luôn là đầu bếp chính, tôi chỉ phụ nhặt rau, rửa chén. Sáng được ngủ nướng; trưa ngủ đến 2-3 tiếng đồng hồ… Mọi thứ rất thoải mái, vậy mà tôi vẫn bảo thủ: “Chắc chỉ được vài bữa đầu”.
Hết 1 tuần, tôi và chồng thu xếp quần áo, xin ba má ở riêng như dự định. Má chồng vẫn giúp tôi xách ba lô ra đến cửa rồi lẩn thẩn quay ra giường, mặt buồn so, đôi mắt rơm rớm nước mắt. Tự nhiên thấy áy náy mà thương má đến lạ. Có khi nào suy nghĩ cứng nhắc, nỗi lo sợ đang khiến mình làm việc bất hiếu? – câu hỏi chợt hiện lên trong đầu. Tôi vội vàng nói chồng xách ba lô vô nhà: “Thôi con không đi nữa. Vợ chồng con ở với ba má cho vui!”.
Chồng đi làm xa, nhiều hôm việc bận, 2-3 tuần mới về. Ngoài giờ làm việc, tôi luẩn quẩn ở nhà với ba má. Hôm nào khỏe thì lau nhà, quét dọn, mệt thì nghỉ ngơi, chẳng bao giờ má phàn nàn. Biết con dâu thức khuya viết bài nên không bao giờ má cằn nhằn việc dậy sớm, dậy muộn. Chỉ hôm nào tôi có lịch làm sáng, sợ muộn, má mới canh giờ gọi dậy.
Nhớ lần ở huyện cách nhà tầm 15km có lễ hội, 15h tôi phải bắt xe buýt đi làm. Mới 14h30, má tìm cho tôi cái mũ vành rộng rồi lò dò cùng ra đầu ngõ bắt xe. Đứng đợi xe, má cứ sốt sắng, lo lắng, sợ tôi muộn giờ làm. Đến lúc con dâu yên vị trên xe, má mới vẫy vẫy cái nón, dặn dò đi làm cẩn thận rồi lật đật vào nhà lo cho bầy heo, đàn gà.
Đâu chỉ lần đấy, những hôm tôi làm chương trình đêm, má cũng lo lắng, phải đến khi con dâu về, ăn uống, tắm táp xong, má mới yên tâm lên giường.
Má chồng ít nói nhưng rất tâm lý. Khi nào thấy con dâu có biểu hiện cảm, má liền đi quanh xóm, hái nắm lá, bảo xông cho bằng được mới cho đi làm. Rồi chỉ cần tôi nói thèm ăn gì, trưa đi làm về, trên bàn ăn liền có món mình thích.
Có riêng gì con dâu, má đều đối xử tốt như vậy với tất cả mọi người trong gia đình. Những thức ngon, vật bổ, má đều nhường cho chồng, cho con. Ngày giỗ chạp, sợ con cái vất vả, má cũng đi chợ từ sớm, bắt tay nấu nướng, chẳng hề tị nạnh.
Ở với má, chưa bao giờ nghe má nói nặng, nói nhẹ hay nói xấu con dâu. Nhiều lúc vợ chồng cãi nhau, má chỉ từ tốn phân tích, mỗi người nhường nhịn nhau để gia đình êm ấm.
Má hiền mà chân tình lắm! Cũng bởi vậy, tôi thương má như má ruột của mình. Nhiều lúc ngẫm lại, thấy mình thật quá đáng. Ngày trước cứ nằng nặc đòi ở riêng, bảo thủ giữ trong mình cái tư tưởng mẹ chồng bắt nạt nàng dâu, không biết hành động đó đã làm má buồn biết bao nhiêu.
Má đã qua 60 nhưng không hề cổ hủ, luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực và xử lý rất nhẹ nhàng. Chính má đã giúp tôi hiểu thêm về chữ nhẫn, chữ nghĩa… và cách vun vén hạnh phúc trong gia đình.
Bình An
Bình luận (1)