Lúa hát
Tết đến là mùa lúa non. Hãy thử một lần về với cánh đồng mùa xuân, để nghe gió mới lao xao, nghe hương lúa đang ấp iu đất lành để đón chờ một mùa vàng ấm nồng mùi rơm mùi rạ…
Không xa lạ với nhịp chiêng, vòng xoang và những khúc dân ca của đồng bào các DTTS Bắc Tây Nguyên, nhưng tôi vẫn thoáng ngỡ ngàng trước điệu dân vũ của phụ nữ làng Kon Trang Long Loi. Các cô gái mười chín đôi mươi và cả các chị đã ngoài bốn mươi rạng rỡ trong trang phục thổ cẩm sắc màu. Có người hẳn nhiên duyên dáng, có người lại được hóa trang thành nam, nhịp nhàng trong những động tác diễn tả hoạt động làm rẫy, tỉa lúa, chăm lúa, gặt lúa. Đạo cụ biểu diễn của họ đơn giản là những chiếc rổ, chiếc rá, chiếc sàng, chiếc nơm… bằng tre, bằng mây, trông dân dã mà vẫn bắt mắt.
Người già đã gần 70 mùa rẫy ở đây bảo với tôi rằng, làm rẫy, tỉa lúa là nghề nuôi sống người Ba Na từ xa xưa. Thuở trước, nhiều tập tục đẹp của làng đều bắt nguồn từ nết siêng năng liên quan đến hồn Mẹ Lúa. Từ khâu chặt cây, phát rẫy, tỉa lúa; đến khi cây lúa trổ đòng, đơm bông và cuối cùng là tuốt lúa, đem về… đều là thời điểm mọi nhà cần sắm sanh chút lễ cúng Giàng, dâng hồn Mẹ Lúa. Lễ vật giản đơn, chẳng mấy cầu kỳ nhưng thể hiện tấm lòng thành kính của mọi người cùng mong cầu cây lúa tốt tươi, mùa màng vui vầy, no đủ. Thuở trước, các nghề thủ công truyền thống ít nhiều cũng bắt nguồn từ cây lúa. Cái rựa, con dao, cái cuốc, cái niếc được rèn ra để chặt cây, làm cỏ, tỉa hạt... Đan lát làm thành chiếc rổ, cái sàng, chiếc nong, cái teo để đựng lúa, cất lúa, giữ mùa ấm no.
Mẹ Lúa từ bao đời đã trở thành vị thần linh thiêng và đáng trọng.
Ở Kon Tum, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, thực tế địa hình đa dạng và điều kiện tự nhiên đặc thù đã đem đến cho con người tiềm năng phát triển lúa rẫy, lúa ruộng dồi dào. Theo xu thế đi lên và hội nhập, hạt lúa không chỉ đem no ấm cho mọi nhà, mà còn trở thành hàng hóa, tham gia tạo chuỗi sản phẩm đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao. Kiên định hướng đi chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, bền vững, cây lúa vẫn được quan tâm đầu tư, chẳng những mở rộng diện tích, mà còn tăng năng suất, tăng giá trị hạt gạo.
|
Xóm tôi có bác cán bộ lão thành đã từng cùng đồng chí, đồng đội của mình trải qua những năm tháng gian khổ ở vùng căn cứ kháng chiến. Ngày ấy, những hạt lúa giống quý giá từ đồng bằng Quảng Ngãi, Quảng Nam đã được lặn lội đưa lên vùng Nước Tem, Ngọc Lu thuộc H29 năm xưa để thay thế giống lúa địa phương lâu ngày nên cơm khô cứng. Đất nước thống nhất, những người cán bộ nông nghiệp của tỉnh Gia Lai - Kon Tum tận tâm, nhiệt huyết lại rong ruổi về tận làng Kon Cheo của thị trấn Đăk Tô, xã Đăk Tờ Kan của huyện Tu Mơ Rông, các thôn (làng) của xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy; cùng ăn cùng ở để hướng dẫn đồng bào địa phương cày bừa, cuốc bẫm, gieo mạ, thả cấy lúa nước.
Lúa trên những cánh đồng ngày ngày đem đến diện mạo mới và cuộc sống đổi thay cho bà con cần mẫn cấy trồng, gắn bó. Loại gạo đỏ lâu đời của người Xơ Đăng ở vùng sâu Măng Bút một thời góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang đang được quan tâm tạo thành sản phẩm đặc trưng.
Lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại người Bí thư Đảng ủy xã Đăk La năm ấy. Vẫn rạng rỡ nét cười, nói năng xởi lởi, ông bảo bây giờ, hạt lúa làm ra không chỉ trông cho no cái bụng. Hạt lúa Đăk La đang vươn mình trở thành sản phẩm nhà nông mang thương hiệu của chính mình.
Cũng đã lâu, mới trở về cánh đồng Đoàn Kết thẳng cánh cò của vùng đất cao nguyên đẹp như tranh vẽ. Ở đây, tuổi thơ của chúng tôi đã gắn bó cùng bao kỷ niệm thân thương. Đập Tân Điền, Cà Tiên… bao mùa nước cạn nước lên, tưới mát mênh mang ruộng đồng. Bao năm, bao mùa, từng giống lúa mới cắm rễ sâu làm nên hương vị đất đai. Gần đây, giống lúa RVT đã được ghi danh vào “sổ vàng” thâm canh hiệu quả nơi này.
Năm nay, mẹ tôi đã ngoài 85. Sương gió dãi dầu trên những chân ruộng thấp ruộng cao ngày nào còn in hằn trong dáng hình thân thương gầy guộc. Những tháng năm cuộc sống khó nghèo, lũ chúng tôi theo cha theo mẹ lội đồng, hết từ Đoàn Kết lại sang Đăk Cấm. Những hôm nắng chang chang còm lưng nhổ cỏ, sục bùn. Lúc lúa chín vàng, cắt bông bỏ đầy lòng chiếc “cộ” bánh sắt, súm sít kéo-đẩy, mang về đập-phơi. Tuổi nhỏ nhọc nhằn lớn lên theo cây lúa.
“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa/Và người trồng lúa cho quê hương…”.
Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới lại khoác vai nhau, nối rộng vòng tay, cùng hát vang khúc ca một thời vô cùng yêu thích ấy.
Trải bao thăng trầm, cây lúa từ những ngày xưa, ngày xa vẫn dạt dào từng vụ non xanh, từng mùa óng vàng. Gần 45 năm sau ngày Kon Tum giải phóng, từ điểm nhấn cánh đồng Đoàn kết với cái tên Phương Hòa gần gũi thuở nào, bây giờ đã hình thành nên cánh đồng bao la lúa hát. Tính riêng từ năm 1991 khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại đến nay, diện tích cây lúa trên địa bàn đã được mở rộng từ 17.800 ha lên hơn 23.600 ha. Cây lúa vẫn lặng lẽ ngân lên những khúc ca được mùa no ấm.
Tết đến là mùa lúa non. Hãy thử một lần về với cánh đồng mùa xuân, để nghe gió mới lao xao, nghe hương lúa đang ấp iu đất lành để đón chờ một mùa vàng ấm nồng mùi rơm mùi rạ…
Thanh Như