Lòng mình đang Tết!
Chiều gần cuối năm, vượt qua những cung đường đèo uốn lượn giữa mênh mang núi rừng, qua những cung đường hoa dã quỳ vàng rực, thứ màu vàng như mật ong rót ngọt ngào trong nắng gió hanh hao của mùa khô cao nguyên, tôi đến với những ngôi làng vùng cao nằm theo triền dốc, hay nơi lòng thung.
Những ngôi làng đón tôi bằng cái lạnh từ trên cao xuống, khiến cả không gian chìm đắm trong cái khô lạnh mênh mông. Những mái nhà sàn nho nhỏ, xinh xinh quần tụ bên nhau, đầm ấm nổi lên bên ráng đỏ chiều hoàng hôn, sum vầy nổi lên giữa cánh đồng lúa, những rẫy mì xanh xanh như một sự sắp đặt khéo léo…
Trời sẫm dần. Nắng đã ngủ quên đâu đấy và sương mờ giăng giăng khắp núi đồi, tràn xuống làng, lẩn quất vào từng ngôi nhà sàn… Rồi đêm.
Tôi chẳng thể nào quên được đêm gần cuối năm ngủ trong căn nhà sàn của già làng. Tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa, tiếng gió vờn qua những trảng cỏ, vờn qua những lùm cây, rẫy vườn. Rồi gió mang theo hương lúa, hương hoa cà phê, mang theo hương lá, rễ, hoa sâm dây, đương quy… trên đồng, trên rẫy tràn vào nhà sàn mùi thơm dịu ngọt, như ru tôi say giấc nồng trên cánh đồng lúa, cánh đồng khoai của những ngày trôi về phía cũ.
Tôi thức dậy sớm trong tiếng gà gáy, hít hà không khí trong lành. Vợ chồng già chủ nhà thức dậy từ bao giờ, lúi húi chuẩn bị bữa cơm sáng. Trên tay già bưng một dĩa mứt gừng. Chút hương Tết thoáng qua. Như đọc được suy nghĩ của tôi, già bảo, ngoài tết cơm mới thì bà con dân làng nay cũng đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Bà con cũng vui Tết, chúc Tết, cũng uống rượu cần mừng xuân, cũng bánh kẹo, cũng hoa, cũng mứt và có nhà có cả bánh chưng, bánh tét…
Bếp lửa bập bùng lóe sáng, tôi nhìn thấy trong ánh mắt của già có nắng ấm mùa xuân khi những câu chuyện kể mì năm nay được giá, xứ lạnh quê già được mùa cà phê, già còn có nguồn thu từ các loại cây dược liệu… Tiếng trò chuyện trong sớm mai như hòa lẫn trong tiếng gió mơn man, trong tiếng gà gáy, tiếng bê con gọi mẹ, tiếng băm thịt lách cách, mùi khói bếp, mùi cơm gạo mới mà ấm cả lòng.
Biết bao lần đến với các ngôi làng vùng cao thấm đẫm nghĩa tình này, tôi luôn có cảm giác vô cùng thân thuộc, xa xôi nhưng không xa lạ. Những ngôi làng nơi đây là hình ảnh sinh động về một Tây Nguyên đang từng ngày đổi mới. Đường sá vào các thôn, làng phong quang sạch đẹp. Cây xanh trên rừng, lúa ngoài đồng, cá tôm ngoài sông suối, thiên nhiên ưu đãi, cộng thêm sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước xây dựng trường học, trạm xá, làm đường sá, đưa điện thắp sáng, nước sạch về tận nơi… đã khiến cho những ngôi làng vùng cao ngày càng trở nên trù phú, nuôi nấng, nâng đỡ, cưu mang bao nhiêu người không chỉ cả đời gắn bó với nơi này, mà còn có những người yêu mến vùng cao - như tôi, thỉnh thoảng ghé thăm.
Chia tay những người dân vùng cao hồn hậu, mến khách, chúng tôi trở về thành phố Kon Tum trong buổi sáng khói sương bảng lảng. Dọc đường đi, những nếp nhà sàn vẫn nguyên vẹn, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ trải dài miên man trên những triền đồi, dọc theo những con đường…
Trời sáng cuối năm xanh trong, gió se se, tôi chạy xe theo những cung đường mới mở quanh thành phố, về xã Đăk Rơ Wa, qua làng Kon Jơ Ri, Kon Ktu…
Đứng trên triền dốc cao, nhìn xuống phố Kon Tum, bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại mới xây là xanh xanh bãi mía, ngô khoai biêng biếc chạy dọc ven sông Đăk Bla, cảnh vật bát ngát mà sao đầm ấm, quê hương Kon Tum mình đẹp quá…
Bên đường, nhà nọ khệ nệ bưng hai nồi bánh chưng to đặt ngay ngắn lên bếp. Lửa củi rừng rực cháy, mấy đứa trẻ nhỏ chạy nô đùa vòng quanh. Mùi thơm thơm của gạo nếp, mùi ngai ngái của lá dong… khiến tôi cầm lòng không đậu. Dừng xe, tôi bước vào nghiêng ngó. Chị chủ nhà chạy vội ra đon đả mời chào. Chị bảo, năm nào cũng vậy, cả xóm thống nhất, mỗi người để dành một ít gạo nếp mới, cuối năm, cả xóm sum vầy, góp tiền mua thịt, mua đỗ… cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, có năm còn làm cả bánh ít lá gai nữa…
Nhìn chị đút thanh củi, cời sáng ngọn lửa cho nồi bánh, rồi quay sang đảo mẻ mứt dừa, làm bánh thuẫn…; rồi, nhìn nhà này, nhà kia, vợ chồng con cái lúi húi cắt cây, tỉa lá, cùng nhau ngắm nghía, nâng sửa chậu cúc nở một màu vàng ruộm ngay ngắn trước sân, cùng nhau quét dọn lại đường làng ngõ xóm, tôi bỗng thấy đâu đây hương vị xuân rất gần.
Và tôi cũng bỗng nghe trong gió mơn man sắc lá và hây hẩy lòng khi ngắm nhìn những tia nắng xuân vời vợi. Những tia nắng óng ánh vắt dài dải lụa từ ngôi nhà sàn ở những thôn, làng vùng sâu, vùng xa đến những ngôi nhà thơm mùi vôi mới xây ở vùng phố thị, từ những con suối nhỏ ăm ắp nước đổ về dòng sông tuôn chảy, từ cánh rừng đại ngàn sâu thẳm, từ những rẫy cà phê nơi xứ lạnh, những vườn cây dược liệu nhú mầm xanh, những thửa ruộng bậc thang với những bông lúa chín vàng uốn lượn giữa mênh mang núi rừng Ngọc Linh đến bãi bồi ven sông Đăk Bla với những luống đất mới được cày xới, vun trồng…
Đi qua những ngày cuối năm, nghe những câu chuyện kể về gian khó đã qua và cuộc sống hôm nay với nhiều đổi mới, lắng đọng từ hình ảnh chân chất của vợ chồng già làng tốt bụng một, hai mời cô nghỉ lại một đêm, ăn cùng gia đình bữa cơm gạo mới, đến khoảnh khắc rất gần gũi, đời thường của gia đình vùng phố thị cùng nhau cắt cành, nâng sửa chậu hoa xuân…, lòng tôi chợt bùng lên những cảm xúc thật lớn lao, kỳ diệu mà thiêng liêng, xa xôi mà gần gũi vô cùng. Tôi nhận ra, mình mang ơn từ ngọn cỏ bé nhỏ đến vách núi hùng vĩ, từ bác nông dân cần mẫn trên thửa ruộng bậc thang, trên rẫy vườn cà phê, cao su…, đến người phụ nữ tảo tần lo cho hương vị ngày xuân gia đình, lo cho bếp lửa hồng luôn rực sáng…
Trong cái bao la đẹp như bức tranh của cảnh vật, trong những đổi thay tươi mới, tràn đầy sức sống, xuân của đất trời, xuân của lòng người chẳng biết đến tự bao giờ. Chợt nghe câu hát từ nhà ai vọng lại “Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết” mà sao tôi vui vui.
Ừ, đúng là trời đang Tết và lòng tôi đang Tết!
Liễu Hạnh