Long đong những mùa thi chọn nghề
Để vượt qua được kỳ thi quan trọng của cuộc đời, đến được với giảng đường đại học như mong ước, thật sự không phải là điều dễ dàng. Các sĩ tử đòi hỏi sự tập trung cao độ, tính kiên trì và quyết tâm ôn luyện. Để tiếp thu, nắm vững kiến thức, chí ít trong 3 năm học cuối cấp phổ thông, thật không hề đơn giản chút nào.
Cũng đã trải qua giai đoạn đó, tôi nhớ rất rõ về những lần thức xuyên đêm để học bài. Những buổi chiều vừa tan học đã tranh thủ nuốt vội ổ bánh mì để tiếp tục những ca học thêm kéo dài đến tận 9h đêm, triền miên, kín cả những ngày cuối tuần…
Trong nhóm bạn phổ thông chúng tôi ngày ấy, đến nay, hầu như đứa nào cũng đã tạm lo cho mình một hướng riêng lập nghiệp. Đứa đã đi làm, đứa học tiếp lên thạc sĩ, có những đứa đã lập gia đình... Ấy vậy mà cậu bạn thân của tôi, đến giờ còn đang bước vào kì thi đại học lần thứ 3.
|
Chuyện long đong theo những mùa thi của cậu ấy, không phải do lực học yếu nên thi trượt đại học, mà chính ở chỗ - chỉ vì chiều sở thích của ba mẹ.
Tôi còn nhớ năm học 12, trong giờ ra chơi, cậu tâm sự: Nghiệp vụ an ninh không phải là ngành mình thích, chưa kể đến, để đủ điểm đậu vào ngành này quá sức với mình. Nhưng bố mẹ mình cứ bắt ép phải thi cho bằng được. Thật sự mình không biết làm cách gì để thuyết phục...
Năm đó, cậu ta đạt 22 điểm trong kì thi đại học, cao hơn điểm trong nhóm mấy đứa chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, đối với Đại học An ninh nhân dân, thì bấy nhiêu đó điểm, vẫn là chưa đủ để đậu. Cậu bạn ngậm ngùi tiễn từng đứa trong nhóm chúng tôi nhập học vào các trường cao đẳng, đại học...
Vài tháng sau khi tôi bắt đầu học đại học tại Đà Nẵng, tôi nhận được tin nhắn của cậu bạn, nội dung cũng chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Có thể cho mình ở chung được không?”. Hơi bất ngờ, nhưng tôi rất vui, bởi ở một mình nơi lạ, phải xa gia đình kể cũng buồn, có thêm đứa bạn chí cốt, ở cùng cũng vơi đi phần nào. Vậy nên, tôi đồng ý ngay.
Vài ngày sau, cậu bạn dọn đồ đạc xuống ở chung. Hỏi ra mới biết, cậu ta đã cố thuyết phục gia đình đồng ý cho học ngành mà cậu mong muốn. Tuy nhiên, do đăng kí ngành trái ý của bố mẹ, nên ngoài việc lo lắng cho ôn thi, cậu còn phải chịu áp lực từ chính gia đình mình. Vậy nên, cậu đã quyết định tạm xa gia đình để xuống Đà Nẵng ôn thi, mong giải tỏa bớt phần áp lưc.
Miệt mài một thời gian, cuối cùng, gần một năm ôn thi cũng đã kết thúc, cậu bạn lại một lần nữa cắp sách bút, trở thành sĩ tử, bước vào phòng thi. Lần này, cậu đã thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Chúng tôi ai cũng mừng cho cậu ấy. Bởi xét về năng lực và những gì cậu ấy đã cố gắng luyện rèn, thì kết quả này là hoàn toàn xứng đáng. Ít ra cũng không hoài phí những ngày tháng mà cậu ta đã bỏ ra công sức. Ấy vậy mà, niềm vui đậu đại học chưa được bao lâu, thì lại một lần nữa, sự phấn khởi đó đã bị dập tắt - lại từ chính gia đình cậu!
Bố mẹ cậu đã đổi ý, không cho phép cậu học đại học nữa, và muốn cậu đăng kí nghĩa vụ quân sự để lấy thêm 2 điểm cộng, tiếp tục thi lại Đại học An ninh nhân dân. Vậy là một lần nữa, cậu ta đành phải ngậm ngùi, chấp nhận bỏ đi những thành quả và cố gắng trong năm vừa qua, để thuận theo gia đình một cách miễn cưỡng.
Sau 2 năm nghĩa vụ, cậu bạn lụi hụi học lại những kiến thức đã quên chỉ với mong muốn làm sao đạt được ý nguyện của bố mẹ. Nhìn cậu bạn cố gắng như vậy, tôi chỉ thầm mong, trong kì thi này, cậu ta có thể đạt kết quả cao, để đậu đại học, không uổng phí những tháng năm miệt mài sách vở...
“Bố mẹ đã mong muốn như vậy, mình phận làm con, phải theo thôi, cũng có chút bực mình, nhưng biết làm sao được. Nếu lần này thi không đậu, mình quyết định sẽ đi học nghề, không thi lại đại học nữa! ”- cậu trải lòng.
Nhìn cậu bạn long đong theo những mùa thi, bỗng dưng tôi lại chạnh lòng. Chuyện chọn ngành, chọn nghề cho con cái trước mỗi mùa thi nào cũng vậy. Khoảng cách giữa các thế hệ đã khiến cho không ít gia đình, mâu thuẫn giữa sở thích của con cái với mong muốn của bố mẹ kéo dài. Bố mẹ là người luôn mong muốn hướng con cái theo con đường mà họ cho là tốt nhất. Nhưng con cái cũng có những lý do riêng, sở thích riêng để lựa chọn.
Hy vọng rằng, từ câu chuyện của cậu bạn, các bậc làm bố, làm mẹ hiểu hơn nỗi lòng của con. Bố mẹ đừng áp đặt, mà nên đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, khơi gợi đam mê, định hướng cho con cái trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích và cả đáp ứng được thị trường lao động.
Tất Thành