Lời cảnh báo từ nạn đánh bắt cá bằng xung điện
Với một bộ đồ nghề khá đơn giản, có giá từ 2-3 triệu đồng, đối tượng đánh bắt cá bằng xung điện (chích cá) có thể giết chết bất cứ loài thủy sản nào trong phạm vi hoạt động. Rõ ràng đây là kiểu đánh bắt mang tính tận diệt, cần phải bị xử lý nghiêm và triệt để...
“Đừng mong con gì sống sót...”
Dưới trời mưa, người đàn ông đen đúa, mặc quần cụt, áo thun màu vàng, đội mũ vải lầm lũi “làm việc” dọc triền sông Đăk Bla, thuộc địa phận thôn Kon Tu 1, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum. Trên tay anh ta, 2 cái cần bằng tre, mỗi cái dài khoảng 2m liên tục khua khoắng dưới làn nước sông Đăk Bla đục ngầu.
Cũng không biết do nước sông lên cao, tôm cá ít đi hay là do “số đen” mà hì hụi hết cả đoạn bãi sông (đã trở thành ao do hoạt động khai thác cát của một doanh nghiệp tư nhân), người đàn ông chỉ vớt được mấy con cá nhỏ. Anh ta vác cần lên bờ ngồi nghỉ dưới lùm cây.
Tôi lò dò xuống gần: Chào anh.
Anh ta nhìn tôi với ánh mặt cảnh giác, rồi lầm lì gật đầu. Hôm nay có vẻ không may mắn nhỉ- tôi bắt chuyện.
Vẫn là cái gật đầu lầm lì và ánh mắt cảnh giác, may mà tôi đã không đem theo máy ảnh. Kiểu này mà hỏi anh ở làng nào, anh tên là gì thì nhất định là không được rồi.
Tôi rút gói thuốc lá mời, dù không hút nhưng trong túi luôn “thủ” một gói để “ngoại giao” khi cần thiết. Anh ta ngập ngừng, rồi rút một điếu, mò hộp quẹt gas trong túi nilon đeo trước ngực, châm lửa, rít mạnh một hơi, khói thuốc lơ đãng bay dưới mưa.
Mình muốn tìm mua bộ này, ở đâu bán? Tôi chỉ chỉ vào bộ đồ nghề.
Anh ta lắc đầu: Không biết. Ngày trước, khi chưa bị cấm, ngoài phố bán nhiều lắm, nay không biết còn không. Bộ này tự làm, lâu rồi, mua linh kiện về lắp.
Giỏi nhỉ - tôi tấm tắc. Không giỏi đâu - anh ta búng búng tàn thuốc - Lúc đầu nhìn cái kích điện thấy phức tạp, nhưng có người bày nên cũng đơn giản thôi, chỉ cần 1 bình ắc quy 9V hoặc 12V, bộ kích điện lên từ 220V đến 500V, chế 2 cái cần dài khoảng 2-3m...
|
Khi chọc cần xuống nước, bật công tắc, con gì cũng bị điện giật, đừng mong sống sót, lúc đó chỉ dùng vợt mà hốt vô giỏ - anh ta khoe, lần đầu tiên thấy nét cười trên khuôn mặt đen đúa.
Trong làng có nhiều người đi làm như thế này không? Anh ta lại lắc lắc đầu: Không biết. Nói rồi anh ta đứng đeo bộ đồ nghề, xách cần, lội xuống bãi sông. Nhoáng cái, dưới vũng nước đục ngầu đã có mấy con cá, tôm bé tẹo nổi lên nằm lật ngửa.
Buổi chiều, tôi rong ruổi trên bờ kè sông Đăk Bla, gặp anh bạn ở cùng thôn có sở thích câu cá đang “ngồi đồng” bên bờ sông. Nghe tôi kể chuyện, anh cười: Dạo này mưa nhiều, lũ về, nước sông dâng cao nên ở đây không có người đi chích cá, nếu mùa khô, ông ra đây thì gặp ngay. Dân đi câu mà gặp dân đi chích điện thì chỉ có... khóc, về hoặc chuyển đi chỗ khác. Bởi với cách đánh bắt này, tất cả các sinh vật ở dưới nước, từ cá con, tôm tép, cua ốc hay sinh vật phù du, nằm trong bán kính từ 1,5 - 2m, sâu hơn 2 mét đều bị hủy diệt.
Tăng cường quản lý
Ở tỉnh Kon Tum, vào những năm 2010-2012, việc sử dụng kích điện đánh cá trở thành... phong trào, đi sông suối, ao hồ, cánh đồng nào cũng có thể thấy bóng dáng của người đánh bắt cá bằng xung điện. Dọc đường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo... có khá nhiều cơ sở bán bộ đồ nghề đánh bắt kiểu này. Mấy năm gần đây, do ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, xử lý nên giảm dần, chỉ còn xuất hiện rải rác.
Đánh cá bằng xung điện, hay còn gọi là đánh cá bằng chích điện, là hoạt động đánh cá thông qua việc sử dụng xung điện gây giật và sốc, dẫn đến cá tê liệt hay chết hàng loạt để có thể dễ dàng bắt lấy chúng. Điểm khác biệt giữa đánh cá bằng lưới và đánh cá bằng xung điện nằm ở chỗ: nếu đánh lưới, những con cá lớn mắc lưới nhưng cá nhỏ sẽ thoát qua mắt lưới và tiếp tục sinh trưởng, sinh sản; còn đánh bằng xung điện thì lớn nhỏ gì cũng không thoát.
Theo ông Phạm Quốc Long - Trưởng Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc sử dụng máy kích điện đánh cá khiến môi trường bị ảnh hưởng, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Nguy hiểm hơn, nếu sơ suất, bất cẩn, người đánh bắt cá bằng xung điện có thể bị điện giật gây tử vong, vì chủ yếu tiếp xúc với môi trường nước.
Trước những tác hại khôn lường của việc đánh bắt cá bằng xung điện, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý. Trong đó, ngày 3/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tại Chỉ thị này, UBND tỉnh nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước. Giao các ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy quét, bắt giữ các đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Phạm Quốc Long, thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng kích điện để đánh bắt cá; kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm đã được ngành chức năng đẩy mạnh nên tình trạng vi phạm đã giảm hẳn. Tuy nhiên, do nhân lực quản lý có hạn nên hiện nay, ở khu vực nông thôn, gần sông suối, vẫn có một số đối tượng lén lút khai thác thủy sản bằng phương tiện cấm, trong đó có xung điện, chưa được phát hiện, xử lý kịp thời...
Rõ ràng việc sử dụng xung điện đánh bắt cá đã và đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến các hệ sinh thái đặc thù. Vì vậy, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này - ông Phạm Quốc Long cho hay.
Thành Hưng