Loay hoay trên “mỏ vàng” du lịch
Được biết đến là “mỏ vàng” để phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng đến nay, việc khai phá vẫn còn khiêm tốn, do đó, du lịch Kon Tum vẫn còn “nghèo”, chưa có nhiều điểm nhấn ấn tượng để níu chân du khách.
Sau quá trình đầu tư làm đường, trồng cây cối, đào ao cá… để phát triển du lịch nông nghiệp, anh bạn tôi đã “gây dựng” nên một đống nợ. Ý tưởng tốt nhưng nguồn vốn eo hẹp, anh đầu tư không đến nơi đến chốn. Cùng với đó, vì quá nóng vội, chưa biết cách kết nối, thu hút khách du lịch nên địa điểm du lịch của anh chỉ được nhắc đến là nơi: khỉ ho cò gáy. Một năm, vài lượt khách ghé đến và không mấy ai quay trở lại. Loay hoay không tìm được lối thoát, anh đành dẹp bỏ, quay trở lại với việc làm nông nghiệp, trồng cây, nuôi gà.
Không riêng anh bạn tôi, thực tế, nhiều homestay ở xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) được đầu tư, mọc lên nhưng lượng khách chỉ lưa thưa. Ngoài một số homestay nổi tiếng, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề nông, bởi homestay mỗi năm chỉ đón vài chục lượt khách. Hay những cơ sở kinh doanh du lịch tại các huyện cũng mọc lên nhưng rồi lượng khách thưa thớt, dẫn đến tình trạng làm du lịch để… cho vui, thu không bằng chi.
Thế mới thấy, không dễ “hái ra tiền” từ du lịch. Không phải chỉ có vốn đầu tư, có ý tưởng hay đã có thể làm du lịch. Ngành nghề này tương đối đa dạng, đòi hỏi người thực hiện phải có sự tập trung cao, tìm hiểu kỹ càng và vốn kiến thức, kinh nghiệm nhất định. Cùng với đó, người làm du lịch muốn thành công phải có thời gian học tập, xây dựng mối quan hệ từ nhiều công ty khác nhau, biết cách quảng bá, thu hút…
|
Kon Tum được biết đến là mảnh đất có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng, hệ thực vật phong phú, bản sắc văn hóa đặc sắc…. nơi đây là địa chỉ vàng để đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch sinh thái, mạo hiểm, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nông nghiệp…
Thời gian gần đây, nhận thấy tiềm năng lớn từ du lịch, nhiều doanh nghiệp bước đầu đầu tư vào các điểm đến, giúp du lịch dần “chuyển mình”, có những gam màu sáng hơn. Các sản phẩm du lịch từng bước phát triển, phát huy hiệu quả.
Ở Kon Plông, những năm gần đây, nơi này được biết đến như “Đà Lạt thứ 2”. Dựa vào lợi thế về khí hậu, cảnh quan, không ít công ty du lịch đầu tư phát triển theo hướng du lịch nông nghiệp, cộng đồng kết hợp dịch vụ ăn uống, giải trí. Chính sự đầu tư kèm theo việc quảng bá bài bản, nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, “hái ra tiền” với hàng trăm lượt khách du lịch mỗi năm.
Hay mới đây, làng Kon Trang Long Loi tại huyện Đăk Hà cũng trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút nhiều du khách từ khắp các nơi. Chủ của địa điểm du lịch này cho hay, anh đã tìm hiểu kỹ càng, tập trung kết nối, đầu tư bài bản, kết hợp trải nghiệm tìm hiểu văn hóa truyền thống với sinh thái. Bởi thế, địa điểm du lịch của anh trở thành điểm nhấn ấn tượng. Nhiều người tìm đến, không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn để nghỉ ngơi, thư giãn, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại địa phương.
Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh xác định đến năm 2020 sẽ tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng của Kon Tum; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng; phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh…, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể… Với mục tiêu đặt ra, phát triển du lịch trở thành một trong những mũi nhọn được các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Riêng mô hình du lịch cộng đồng bước đầu được các huyện, thành phố quy hoạch, xây dựng.
Du lịch đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhưng thực tế, “mỏ vàng” vẫn chưa được khai thác đúng tầm; mảnh đất giàu tiềm năng du lịch vẫn chưa có nhiều điểm nhấn để níu chân du khách. Việc đánh thức tiềm năng du lịch chưa bài bản, chuyên nghiệp, có sự loay hoay, chồng chéo, giẫm lên nhau giữa các địa phương. Mỗi người, đơn vị, doanh nghiệp, công ty có một cách phát triển khác nhau. Nhưng dựa vào địa hình đồi núi ngắn, dốc, hoang sơ tự nhiên, dường như hầu hết đều trùng ý tưởng phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế, du lịch sinh thái.
Các sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn. Việc phát triển chỉ chú trọng vào một hướng: hoặc ăn uống, nghỉ dưỡng, hoặc du lịch trải nghiệm, chưa có sự liên kết để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt; các dịch vụ du lịch tham quan, giải trí còn hạn chế. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú cũng chưa đồng bộ, chất lượng chưa đều, thiếu hụt các cơ sở lưu trú chất lượng cao, chưa đủ sức níu chân du khách.
Chính những khó khăn trên đặt ra nhiều yêu cầu để du lịch phát triển chuyên nghiệp hơn. Trong đó, cùng với việc khai thác những điểm mới, điều tất yếu cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo chuỗi liên kết dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó, tập trung phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch; đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch và xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững.
Trên con đường phát triển luôn có những khó khăn, hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, giúp việc khai phá “mỏ vàng” du lịch thêm hiệu quả. Qua đó, giúp tỉnh nhà tìm được chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hoài Tiến