Lặng nghe trời trở gió
Cả tháng nay, mỗi ngày đi làm về, những chuyện anh kể nhiều nhất với vợ là về mưa, bão, gió, lũ lụt, sạt lở…ở khắp các tỉnh, thành miền Trung với giọng nặng trĩu. Mấy bữa nay, trời trở gió, không khí lạnh tăng cường, lòng anh lại thấp thỏm không yên bởi miền Trung quê anh vẫn gió mưa, lụt lội, sạt lở ở nhiều nơi, nay thêm gió lạnh càng làm những người con xa quê như anh thêm xót xa, thương về nơi quê nhà.
Anh bảo: “Mưa bão, lũ lụt đã khổ lắm rồi, giờ thêm gió lạnh nữa, người dân khổ lại càng thêm khổ. Không khí lạnh về đồng nghĩa với việc mưa nhiều thêm, thêm lạnh buốt ”.
Mưa bão, lũ lụt đọc báo, xem tivi chị biết rõ, nhưng khác là những điều anh kể chất chứa trong đó nỗi lòng của một người con xa xứ đau đáu hướng về nơi chôn rau cắt rốn, nơi bố mẹ anh cùng những người dân trong làng, trong xã đang căng mình chống chọi, khắc phục hậu quả bão lũ. Nghe tiếng gió thồi ào ào, anh lại thở dài. Thế nên, chị cứ lặng lẽ lắng nghe như cách để chia sẻ, đồng cảm với anh.
Anh làm nghề “bắt bệnh ông trời” nên mỗi khi đất trời trở chứng anh lại lo hơn. Chẳng phải anh sợ công việc nhiều thêm hay có khi thức phải trắng cả đêm để nghe ngóng thời tiết, dự báo cho chính xác mà anh lo lắng mưa bão, lũ lụt ập đến, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, tài sản, thậm chí là tính mạng luôn bị nước lũ đe dọa, rình rập nuốt trôi…Bởi, anh là dân trong nghề lại sinh ra và lớn lên ở miền quê mỗi năm đều hứng chịu nhiều trận bão lũ nên hiểu rõ hơn ai hết mức độ ảnh hưởng khi đất trời giận dỗi; người dân cơ cực, khổ sở và mất mát như thế nào khi mưa bão, thiên tai xảy ra.
|
Anh hay kể: Hồi còn nhỏ, mỗi lần nghe mưa bão là bố mẹ anh lại lục đục tìm gạch gỗ để kê những bao lúa lên thật cao, rồi gom nhặt mấy bó củi, rương quần áo gác lên sao cho mưa lũ khỏi ướt. Bão vào, lũ tràn về, gió thét gào, nước lên ầm ầm, bố mẹ anh cuống quýt tìm những chỗ cao ráo nhất, an toàn nhất đưa 3 anh em lên tránh rồi vội vàng thu gom những thứ quan trọng như mấy giấy tờ, ít gạo củi, quần áo để chống chọi qua những ngày mưa lũ. Nhưng, có những đợt mưa lũ lớn, nước về nhanh, làng xóm chìm ngập trong biển nước, nước bạc bủa vây bốn bề, mọi người chỉ mong tìm được chỗ thoát thân.
Khi bé, anh chỉ thấy lũ lụt khổ vì bụng đói, người rét run mỗi khi mưa gió táp vào; ngao ngán sau khi lũ rút bị bố mẹ bắt phụ dọn dẹp nhà cửa và mang sách vở, quần áo ra hong cho khô để đến trường. Lớn lên một chút, anh hiểu chuyện hơn nên thấm thía cảnh lũ lụt cơ cực trăm bề. Những lời kêu cứu, tiếng khóc xé lòng lẫn trong tiếng gió mưa, trẻ con người lớn co ro trong cái rét, cái đói; nhà cửa chìm dưới màu nước đỏ ngầu; công sức mồ hôi, nước mắt chắt chiu làm lụng nhiều khi cũng bị dòng nước cướp đi.
Xa quê đi làm, mỗi lần thấy lũ bão, lòng anh lại đau đáu hướng về quê hương. Nhiều đêm nghe mưa rỉ rả ngoài sân, anh cứ thao thức, trằn trọc mãi. Không ngủ được, anh trở dậy, ra hiên hút thuốc rồi lại vào mở điện thoại xem tình hình mưa bão, lũ lụt, thiệt hại cập nhật trên các báo.
Sáng ra, anh gọi điện về nhà thật sớm, chỉ cần mẹ anh vẫn bắt máy “alo” là anh thở phào, lặng lẽ một hồi rồi anh lại hỏi một loạt câu hỏi mà cả chục cuộc điện thoại trong ngày đều giống nhau nào là mưa gió thế nào, nước đã rút chưa, bố mẹ ăn uống ra sao, bà con trong làng, ngoài xóm có ai bị sao không... Mẹ anh khi nào cũng trả lời “bố mẹ vẫn ổn, mọi người ở nhà đều không sao”. Anh cũng biết rõ bà con lối xóm luôn đùm bọc, chia sẻ nhau, các cấp chính quyền, các đoàn từ thiện vẫn đồng hành hỗ trợ người dân để đi qua những ngày gian khó; nhưng anh vẫn chẳng thể nào yên lòng.
Chưa năm nào, lũ lụt ở miền Trung lại kéo dài và khốc liệt đến vậy khiến lòng anh càng thêm khắc khoải. Mấy lần anh định đặt vé xe để về nhà một chuyến, nhưng đặc thù công việc anh không được nghỉ phép giữa mùa mưa bão, rồi đường sá sạt lở, ngập nước ở nhiều nơi, anh đành phải ở lại mà ruột gan thì “rối như tơ vò”.
Trời lại mưa, không khí lạnh tràn xuống sâu hơn làm lòng anh lại thêm trĩu nặng.
Thùy Hương