Lặng lẽ tình cha
Tình cờ, tôi được người bạn kể cho nghe một câu chuyện thần thoại đầy xúc động về người cha. Bỗng dưng trong lòng tôi trào dâng những nỗi niềm khó tả, có chút gì đó xót xa, nhớ thương nhiều người cha già của tôi đang ở miền quê xa tít ngoài Bắc…
Chuyện rằng khi ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, ngài làm một cái khung thật cao lớn. Khi ấy, một nữ thần đi qua ghé mắt xem liền thắc mắc: Thưa ngài, tại sao người cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi người, thật là bất tiện.
Ông Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù đáp: Ngươi nói có lý! Thế nhưng nếu ta chỉ để người cha cao bằng những đứa trẻ thì lũ trẻ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?
Lại thấy Trời nặn đôi bàn tay người cha to và thô ráp, nữ thần buồn rầu hỏi: Ngài có biết những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, người cha phải chật vật lắm mới có thể găm kim đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái...
Nhưng Trời lại mỉm cười đáp: Tuy không khéo léo, nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc trưởng thành.
Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn người cha với một đôi vai rộng lực lưỡng lại tiếp tục thắc mắc: Tại sao ngài phí phạm như thế?
Ông Trời vẫn từ tốn đáp: Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu khi đi xem xiếc về khuya? Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình.
Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của người cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung.
Cuối cùng, khi đã gần hoàn tất công việc, Trời thêm vào khoé mắt người cha vài giọt nước mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, ngài lại chùi chúng đi; thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.
Nghe xong câu chuyện, khoé mắt tôi cay cay, tôi nhận thấy đâu đó bóng dáng cha mình...
Bố tôi là người ít nói, tính tình trầm lặng, tình yêu thương ông dành cho các con cũng chẳng bao giờ thể hiện rõ rệt.
Ngày bé, tôi thường hay trách rằng bố lạnh lùng, ít quan tâm tới con cái. Nhưng theo năm tháng, tôi lớn lên và dần hiểu được tình yêu mà bố dành cho những đứa con không giống mẹ tôi là ngọt ngào, dào dạt mà thay vào đó là những cử chỉ yêu thương, chăm sóc lặng lẽ, thâm trầm, kín đáo.
Mẹ kể, sau 6 tháng sinh tôi, mẹ lại phải đi làm ở nhà máy. Vậy là, từ đó, tôi ở nhà với bố, một tay bố đã chăm bẵm, nuôi tôi lớn. Vì sinh thiếu tháng nên tôi nhẹ cân và sức khoẻ rất yếu ớt nên việc chăm sóc tôi khá vất vả.
Sáng nào bố cũng dậy thật sớm, đi chợ để mua chọn mua được những thực phẩm ngon nhất về nấu bột, cháo cho tôi. Chợ ở quê nào có gần gũi gì đâu. Vậy mà với chiếc xe đạp thống nhất, bố lóc cóc hết chợ này, chợ khác để tìm mua thực phẩm ngon về để nấu cho tôi ăn.
Khổ nhất là những khi tôi ốm đau, một tay bố ẵm con, một tay giữ xe đạp chở tôi khi thì đến trạm xá, khi thì đi bệnh viện cách nhà cả mấy cây số. Không bao giờ bố than thở một câu hay tỏ thái độ bực tức.
Khi tôi bắt đầu lớn lên, trong ký ức của tôi chỉ thấy bố lúc nào cũng tất bật thức khuya, dậy sớm, làm đủ việc từ việc ruộng đồng, chạy chợ, đan lát... lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. Bởi, đồng lương công nhân của mẹ chẳng được đáng là bao, trong khi đó nhà lại có thêm thành viên mới là cậu em trai tôi. Bố chẳng mấy khi thể hiện sự quan tâm ra mặt đối với chị em tôi. Đôi khi tôi còn oán trách bố vì bị bố đánh đòn do không nghe lời bố mẹ.
Rồi khi tôi thi vào cấp 3, hồi đó thi vào cấp 3 còn khó hơn thi vào đại học bây giờ, tỷ lệ 1 chọi tới 4 mới vào được lớp công lập. Vì điểm thi cách nhà tới 6 – 7 cây số nên suốt 3 ngày thi (kể cả ngày làm thủ tục), bố chỉ bảo với tôi “để bố chở đi”.
Ngồi sau chiếc xe đạp bố chở đi, chở về, nhìn nhiều đứa bạn xung quanh tung tăng tự đạp xe đi thi, tôi thấy ghen tị trong lòng “chúng nó thật sướng, đằng này cứ đòi chở mình đi, thật là phiền chết đi được”! Tôi đâu biết được rằng bố sợ con gái đi xa mệt, sợ con gái đi ra đường lớn chưa quen và hơn nữa bố muốn ở bên cổ vũ, động viên tôi làm bài thi.
Suốt thời gian tôi làm bài, bố ngồi ngoài bãi cỏ trước cổng trường chờ đợi chứ không dám ghé vào quán nước ngồi uống vì sợ tốn tiền. Sau này tôi biết được bố còn phấp phỏng lo âu, hồi hộp hơn cả tôi trong phòng thi.
Việc ấy được lặp lại cả những lần tôi đi thi đại học. Nói là những lần là vì lần đầu tôi thi trượt, nhận kết quả báo điểm thi, bố không trách cũng chẳng mắng, chỉ bảo “thôi coi như thi thử, sang năm thi lại”.
Năm sau, khi tôi đỗ đại học, bố cười nhưng sau hôm ấy, tôi thấy bố có gì đó cứ buồn buồn, lo lo. Đến hôm gần ngày nhập học, có lẽ vì háo hức sắp được đi học ở một nơi xa, ở một môi trường mới, tôi không ngủ được và tình cờ nghe được câu chuyện giữa bố và mẹ...
Mẹ hỏi: “Bố nó chạy đủ tiền cho con nhập học chưa”. Bố tôi chỉ “Ừ, đủ rồi, mẹ nó không phải lo. Nhưng bây giờ mới chỉ là sự khởi đầu, hành trình của nó tới 4 năm, sau đó ra trường lại lo xin việc nữa. Tôi lo con gái của chúng ta một mình ở một nơi xa lạ không biết có tự chăm sóc tốt cho bản thân không nữa”...
Tiếng trao đổi qua lại giữa bố mẹ trong đêm toàn với bao nhiêu nỗi lo toan bố dành cho tôi, làm tôi nghẹn ngào xúc động trước tình thương yêu của bố dành cho mình. Vậy mà, từ trước đến giờ tôi đâu có hiểu, tôi toàn nghĩ chỉ có mẹ thương mình nhất, yêu mình nhất; hoá ra tình thương của bố tôi dành cho tôi là lặng lẽ, âm thầm nhưng bao la như biển trời.
4 năm tôi học đại học, mỗi đợt tết, hè về, lần nào bố cũng đi đón tôi. Nhưng ông chẳng bao giờ thể hiện vui hay không vui khi thấy con, chỉ biết rằng bố luôn đến trước giờ xe dừng vì sợ con phải chờ, con đứng một mình ở đường không an toàn. Khi tiễn tôi đi, bố cũng chỉ dặn “đến nơi thì gọi điện về cho bố mẹ yên tâm” rồi lặng lẽ đứng dưới lề đường nhìn theo xe đến khi khuất hẳn mới về.
Thỉnh thoảng, tôi nghe mẹ kể có lần đến tháng gửi tiền cho con ăn học, bố gom mãi mới đủ số tiền cần gửi, khi đi đến nửa đường mới sực nhớ ra là chưa có tiền cước, bố lại lóc cóc quay xe về vay mượn lấy mấy chục ngàn đi gửi chứ nhất định không bớt số tiền gửi cho con. Bố bảo, ở nhà còn có chỗ mượn được chứ ra đường con nó biết mượn ai, mấy chục ngàn nó cũng ăn được vài ngày.
Mấy năm tôi học, tóc bố tôi bạc đi rất nhiều. Khi tôi ra trường, đi xin việc làm, bố lại lặng lẽ là người đồng hành đưa tôi đi nhận việc, tìm nơi ăn chốn ở, yên tâm bố mới về. Bố ít khi gọi điện hỏi han, thỉnh thoảng tôi gọi về gặp bố, ông cũng chỉ dặn tôi “Con mới đi làm, sẽ chưa quen với những áp lực, nơi ở mới, có gì khó khăn cứ gọi điện về nhà cho bố mẹ”.
Rồi tôi lấy chồng, sinh con, nếu như mẹ tôi thể hiện niềm vui ra mặt vì con cái đã có nơi có chốn rồi lại được lên chức bà ngoại thì bố tôi vẫn chẳng bày tỏ một chút thái độ nào.
Ngày tôi sinh con, bố chỉ bảo mẹ tôi: “Bà sắp xếp công việc vào chăm con, chăm cháu một thời gian. Mọi việc ở nhà có tôi, bà cứ yên tâm ở với con khi nào cháu nó cứng cáp thì về” mặc dù khi đó, sức khoẻ bố tôi rất yếu...
Sau đó, bố tôi ốm phải đi viện, nhưng ông dặn các cô, chú, dì ở quê không ai được nói với tôi và mẹ để mẹ không sốt ruột. Sau này, mẹ còn kể cho tôi nghe, rất nhiều lần bố ốm nhưng ông đều bắt bà phải giấu kín nên lần nào tôi gọi điện về cũng ông cũng chỉ nói: “Bố mẹ vẫn khoẻ, chúng mày khoẻ mạnh là tốt rồi”...
Tình yêu thương bố tôi dành cho tôi nó giản dị và lặng lẽ thế đấy. Và, tôi tin rằng, có lẽ cũng như bố tôi, rất nhiều người cha, tình yêu dành cho con không thể hiện qua lời nói mà bằng hành động. Cha lặng lẽ bên con, hy sinh để con cái có được điều tuyệt vời nhất, che chở cho con đúng như Thượng đế đã tạo ra người cha mạnh mẽ, bao dung để cho con niềm tin, cho con sức mạnh để vững bước trên đường đời.
Thuỳ Hương