Lắng lại cùng xuân
Sau quãng thời gian tạm gác lại những lo toan bộn bề cho cuộc đoàn viên ba ngày tết, bảy ngày xuân lớn nhất năm, hắn như tưng bừng cảm xúc thăng hoa, như được bồi đắp thêm bao mạch nguồn năng lượng cho hành trình 365 ngày mới tràn đầy hứng khởi.
Cũng lạ, ngày thường như quy luật dạt dào lấn lướt, bận bịu với bao nỗi mưu sinh cơm áo gạo tiền, mấy khi nhận ra ngôi nhà đó, mảnh vườn kia, những phút giây đoàn tụ dẫu “vội vã trở về, vội vã ra đi”, những cuộc chuyện trò rôm rả có, rỉ rả có khi cùng nhau canh nồi bánh chưng bên bếp lửa bập bùng lại thấm sâu vào tiềm thức, lại khiến hắn thổn thức đến thế.
Mà cũng phải thôi. Chẳng phải mỗi lần cu con theo trend của lớp trẻ vu vơ đôi câu hát của Đen Vâu “Đường về nhà là vào tim ta/Dẫu nắng mưa gần xa/Thất bát, vang danh/Nhà vẫn luôn chờ ta” là hắn đã man mác. Hắn như nghe trong gió thoảng mùi thơm của lúa ngô, khoai sắn, lại nghĩ đến con ngõ nhỏ, đến ngôi nhà ẩn mình trong màu xanh cây trái đã mấy chục năm rồi cứ khơi thương gợi nhớ trong lòng hắn mỗi dịp xuân về.
Đấy, như cánh đồng lúa non mới bén rễ lên xanh kia, nơi hắn đã từng bao tháng ngày men theo từng bờ ruộng mò cua, bắt ốc, hái rau về băm nuôi lợn. Cánh đồng đấy, màu xanh no ấm ấy như lời thầm thì gọi mời những người thương cùng về vui Xuân đón Tết, như chỉ dấu dẫn đường cho những người con xa quê mau rảo bước trở về.
|
Hay như con ngõ nhỏ dẫu nay đã đổi thay, được trải thảm bê tông thay cho nền đất nhão nhoét mỗi ngày mưa lụt đã hằn in bao nhiêu dấu chân của hắn lại qua, nâng đỡ hắn từng bước chân lẫm chẫm thuở ban đầu luôn khơi thương gợi nhớ trong lòng hắn mỗi dịp Xuân về. Những hàng cây râm bụt, những bụi tre già, những tiếng í ới lại qua và cả bóng dáng của mẹ cha đứng ngay từ đầu ngõ khắc khoải ngóng đợi hắn nơi xa trở về. Hình bóng ấy hằn sâu trong tâm khảm. Hắn biết ngày xuân nơi đó có rộng dài lối về luôn đón đợi. Nơi đó có một nẻo quê sắp được về dù ngõ nhà còn xa.
Ngày xuân luôn là thời khắc khiến hắn lắng lại, chậm rãi hơn ngày thường một nhịp. Vừa để cảm nhận những đổi thay tươi mới, tràn đầy sức sống lạc quan của đất trời, vừa trở về với những cảm xúc thiêng liêng tình đất, tình người nơi những miền thương nhớ vẫn lần trở tới lui trong góc khuất của tâm hồn hắn. Đọng lại trong hắn là rặt một giọng quê thân thương, là mặt sông lấp loáng và lũ trẻ chăn trâu nô đùa trên trên bãi. Nhớ tiếng thở dài rất mỏng của mẹ hòa lẫn trong tiếng lửa reo, tiếng sôi ùng ục của nồi cơm mỗi sáng. Nhớ dáng mẹ ngày chưa xa lắm ấy lúc nào cũng tất tả, cả một đời trọn nỗi lo toan cho các con những bữa cơm độn sắn khoai.
Chẳng hiểu sao mỗi khi Tết đến Xuân về, hắn lại hay nhớ về những điều xưa cũ, nghĩ về quãng đường hắn đã đi qua. Cứ lang thang hoài, tìm kiếm mãi. Chỉ đợi đến mùa xuân, chỉ đợi đến ngày tết đoàn viên để được trở về nơi quê nhà năm ấy. Thể nào sau khi sờ vào cánh cửa này, góc bếp kia, cây mai đã nhiều năm tuổi nọ, hắn cũng dắt chiếc xe đạp cọc cạch chẳng còn rõ màu gì đạp vòng quanh những con đường làng. Hít hà hương lúa non mới bén rễ theo cơn gió ngày xuân mơn man, ngắm nhìn cây cối vươn búp non chồi biếc mà lòng hắn phơi phới. Như phép cãi lão hoàn đồng diệu kỳ, từ trung niên như trở lại thanh xuân, hắn đứng vươn vai giữa cánh đồng làng mà lòng ngân nga câu hát: Quê nhà tôi ơi...
Đọc báo, nghe đài, hắn biết có nhiều luồng quan điểm khác nhau về ngày tết cổ truyền của dân tộc. Cũng lắm ý kiến lại qua. Còn với hắn, sông có nguồn, cây có cội, tết đến xuân về luôn hát kể câu chuyện đoàn viên như một hành trình dài bất tận dễ gì rơi vào quên lãng. Nào đâu riêng hắn, bao nhiêu người vẫn luôn ngóng đợi những ngày xuân đoàn viên, sum họp, để kết nối sợi dây với một nẻo đã qua.
Đôi khi chỉ sắc mai vàng, đào thắm, đôi khi chỉ là màu khói lam bay là là ngang mái bếp đã gợi bao hoài niệm, bao nỗi đợi chờ, bao ngóng trông về những mùa xuân nơi một vùng quê xa. Nên dù có đi xa bao nhiêu, dù có đến muôn phương trời lạ, hắn vẫn men theo ngày xuân, men theo sắc mai vàng, sắc đào thắm, men theo ánh lửa bập bùng bên nồi bánh chưng bánh tét đêm 30 mà tìm về miền thương yêu dấu của riêng mình.
NGUYÊN PHÚC