Làng cũ
Ba lượt chuyển nhà, cuối cùng rồi cha con nó cũng về “neo” vào làng cũ. Cha không nói lý do, nhưng nó biết rõ, vì ông đã cố nhưng không quên nổi bóng hình mẹ nó nơi sông suối, trên ruộng rẫy.
Nó lớn lên ở nhiều nơi khác nhau. Nghe cha kể, hai cha con rời làng cũ từ khi nó mới lẫm chẫm bước. Ngôi làng đầu tiên cha dừng lại cách làng cũ 3 ngọn đồi.
Nhưng ở chưa được bao lâu, vì không có đất sản xuất, cha đem theo nó ra thành phố, nhờ bạn xin việc ở công trường xây dựng. Khi ấy nó bốn tuổi. Đã bắt đầu biết thắc mắc sao không thấy mẹ. Cha im lặng, xoa đầu nó.
Công việc bấp bênh, cha lại tìm về các làng làm rẫy thuê. Đi đến đâu đều đem nó theo.
Nhiều người thấy vậy khuyên cha nó gửi con lại cho người quen, hoặc đưa về làng, chứ cứ đem đi theo như thế thì tội. Hơn nữa, nó cũng phải được đến trường học chữ như bạn bè cùng lứa.
Hẳn rằng cha suy nghĩ nhiều lắm. Nên một hôm, cha bỗng nhiên nói: Mình về làng cũ thôi. Nó nhớ, hôm ấy nó tròn 8 tuổi.
Ngày đầu tiên, cha nó mua con gà, chai rượu đến gặp già làng xin được trở về làng sinh sống. Già làng nhìn hai cha con, ánh mắt mờ như sương núi, lặng lẽ gật đầu. Sau đó nó biết, già làng là ông ngoại mình.
Rồi cha gặp trưởng thôn, xin được sửa lại căn nhà cũ. Trưởng thôn là bạn cha, hồ hởi nắm cả hai tay lắc lắc, nói: Để tao nói dân làng đến giúp.
Chỉ vài ngày, với sự giúp đỡ của bên ngoại và dân làng, ngôi nhà cũ sụp một bên mái đã được sửa sang, vững vàng và ấm cúng.
Cha bắt đầu sửa soạn lại dụng cụ nhà nông. Khoảnh vườn sau nhà ngập cỏ dại cần được dọn dẹp, trước mắt sẽ thả hom mì. Sau đó đi xem lại rẫy cà phê lâu nay nhờ ông ngoại chăm nom.
Nó thường giúp cha dọn cỏ vườn. Đúng là cỏ dại mùa mưa, sống mãnh liệt phát ghét, dọn đến đâu mọc theo đến đấy. Cuốc đằng trước thì mọc phía sau, cuốc bên phải thì mọc bên trái.
Những hôm trời mưa, ngồi trong nhà, nó thường tì mặt vào cửa sổ, ngó ra đám cỏ dại chạy lút tầm mắt, nhớ về những lần theo cha chuyển nhà, về những nơi cha con đã ở.
Rồi nó chợt ngạc nhiên nhận ra, dù cha đưa nó rời làng từ khi mới lẫm chẫm biết đi, dù trong ký ức của nó không có một mảnh vụn nào về làng, nhưng khi về đây sống, nó không hề thấy xa lạ, mà gần gũi, thân thiết lạ kỳ.
Không, phải nói rằng, cảm giác ấy xuất hiện trong nó ngay từ khi hai cha con dừng chân trên đỉnh dốc, cha chỉ về ngôi làng mờ mờ dưới mưa nói rằng, đó là làng cũ, và sẽ là nơi hai cha con sinh sống.
Phải chăng vì đây là nơi mẹ nó được sinh ra, nơi nó được sinh ra. Và cũng là nơi mẹ nó nằm lại, hồn phách gửi cho gió núi mây ngàn.
Ngoài việc giúp cha dọn vườn, trông nhà, thỉnh thoảng nó đi thăm họ hàng và nơi nó sẽ gắn bó lâu dài, theo lời cha nói.
|
Đó là ngôi làng nằm dựa lưng vào núi Ngok Ngát, hướng về phía mặt trời mọc. Trước làng, bên trái, bên phải, suối Tea Plông uốn quanh. Mùa khô, nước chảy róc rách hiền hòa; mùa mưa, nước tung bọt đỏ ngầu, hung dữ như con ngựa bất kham.
Đã bao đời, dân làng sống quần tụ bên nhau, giữa núi rừng, sông suối. Bếp lửa giữa nhà rông âm ỉ cháy, suốt ngày đêm không bao giờ tắt, dù là vào những ngày gian khổ nhất.
Nó thích nghe ông ngoại kể chuyện về làng. Cứ như lời kể của ông, ban đầu, làng ở tít trên núi cao, nơi sốt rét hoành hành, hủ tục phủ bóng đen xuống từng mái nhà.
Cách đây mấy chục năm, 18 gia đình, trong đó có ông ngoại, theo lời vận động của cán bộ, dời xuống thấp, nơi sinh sống bây giờ.
Giữa núi rừng, 18 gia đình dựng lán ở tạm. Đàn ông chặt cây rừng, phát lau lách, gieo hạt; đàn bà, trẻ nhỏ tìm rau rừng, củ mài, nuôi heo, nuôi gà… Tối đến, bên bếp lửa, mọi người quây quần ăn uống, kể chuyện.
Dần dần, cuộc sống khá hơn, số bếp tăng lên, phần vì tách hộ, phần vì một số gia đình ở làng cũ theo xuống. Từ 18 hộ gia đình ban đầu, làng dần đông đúc.
Cũng qua ông ngoại, nó mới biết đến chuyện của cha mẹ. Thì ra, cha nó là công nhân lâm trường, trong một lần trồng rừng vô tình gặp cô gái trẻ Y Đức. Ngay lần gặp đầu tiên, anh công nhân lâm trường đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp dung dị, đằm thắm của người con gái Xơ Đăng.
Như duyên trời, giữa bao nhiêu người theo đuổi, cô gái trẻ cũng "ưng cái bụng" khi gặp gỡ anh công nhân hay đỏ mặt ngượng ngùng mỗi khi đứng gần cô. Rồi một đêm trăng, anh mạnh dạn cầm tay cô ngỏ lời. Và họ tổ chức đám cưới trong niềm vui của dân làng.
Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi. Sinh nó được ít lâu thì mẹ mất vì bạo bệnh. Ít ngày sau, cha cũng lặng lẽ đưa nó rời làng.
Không phải cha phụ bạc cái nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ, mà chỉ vì không muốn mỗi sáng, mỗi chiều nhìn thấy bóng hình của mẹ nó nơi sông suối, trên ruộng rẫy.
Càng không muốn mỗi tối, nhìn bếp nhà ai lên khói mà khắc khoải nhớ mâm cơm mẹ nó sắp sẵn ở đầu hiên nhà.
Nhưng người lớn nhiều khi thường mâu thuẫn. Sau mấy năm phiêu bạt, với 3 lần chuyển nhà, cha lại quyết định trở về.
Ngày mới dọn về làng, nó đã từng thắc mắc rằng, có những nơi đẹp hơn, sống tốt hơn, sao cha không ở lại, mà quay lại làng cũ?
Cha chỉ im lặng, nhìn mông lung ra phía đồi xa. Dù vậy nó biết rõ, vì cha đã cố nhưng không quên nổi bóng hình mẹ nó nơi sông suối, trên ruộng rẫy. Cả mâm cơm ở đầu hiên nhà nữa.
Sáng nay, nó đứng ở đầu dốc, nơi nghiêng nghiêng, van vát giữa đồi và hồ, nhìn mấy bà, mấy mẹ gùi bắp leo dốc mà tưởng tượng về mẹ. Ngày xưa, khi ánh nắng cuối ngày hắt lên đỉnh Ngok Ngat, có phải mẹ cũng từ rẫy về, leo lên con dốc đằng kia? Và nó đứng trên đầu dốc, mắt nhìn mẹ, tay vẫy vẫy?
Chợt nó thấy cha từ dưới lòng hồ đi lên, tay xách lưới, tay xách mái chèo, giỏ cá đeo bên hông. Dưới mép hồ, con thuyền nhỏ dập dềnh, cứ dùng dằng muốn trôi theo sóng, nhưng lại dạt vào bờ. Nhờ sợi dây neo.
Cha đưa nó trở về làng, chẳng phải cũng vì có sợi dây neo tình cảm bền chặt sao?
Hồng Lam