Làng bên sông
Bao nhiêu năm qua, dù có quá nhiều sự thay đổi nhưng thật vui là ngôi làng nhỏ bên sông ấy vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, từ cảnh sắc cho đến nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Tôi đã yêu ngôi làng bên sông này từ cái ngày đầu tiên đặt chân lên phố núi. Thong dong qua phố, tò mò bởi vẻ đẹp của dòng Đăk Bla uốn lượn, tôi cứ men theo sông mà đi, rồi vô tình rẽ hướng vào làng.
Ngày ấy, dẫn vào làng còn là con đường đất. Ngày mưa, chạy xe máy không khéo, sình lầy bắn lên đến ống quần, thậm chí là lưng áo. Vậy mà, chỉ sau thời gian ngắn thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, các ngõ rẽ dẫn về làng đều đã được bê tông hóa sạch đẹp.
Làng không có những ngôi nhà cao tầng, thay đó vào đó là những ngôi nhà mái ngói, nhà sàn thật đẹp vây quanh mái nhà rông cao vút. Từng ngôi nhà ngăn cách nhau không phải bằng bức tường xi măng hay những tấm lưới B40 mà là những giàn hoa hay những hàng rào bằng cành cây, bằng tre nứa đều tăm tắp.
Điểm tô quanh hàng rào ấy là những khóm hoa mười giờ, hoa ngũ sắc hay những cây hoa dại, càng toát lên vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của vùng thôn quê. Thỉnh thoảng, vào ngày nắng đẹp, những mẹ, những chị còn đem váy áo thổ cẩm ra phơi, mỗi khi gió thổi qua lại bay phấp phới như đàn bướm sặc sỡ.
|
Khoảng không gian ở làng lúc nào cũng mang lại cho người ta cảm giác thật bình yên. Bà con ở đây sinh sống bằng nghề làm ruộng rẫy là chính nên quanh nhà lúc nào cũng được “trang trí” những nông cụ phục vụ cho việc sản xuất như cày, cuốc, thúng, mủng, gùi. Nhà nào ít ruộng, ít rẫy hoặc có thời gian thì có thêm nghề chài lưới cá tôm trên dòng sông chảy qua làng để kiếm thêm thu nhập.
Mấy năm trở lại đây, vẻ đẹp thanh bình như tranh vẽ của làng bất ngờ thu hút du khách. Dân làng có thêm nghề mới: Làm du lịch.
Ai nghĩ, từ một ngôi làng nhỏ bên sông, giờ đây đã có nhiều thay đổi đến như vậy. Một vóc dáng của làng du lịch dần được hình thành. Người đến làng tham quan đông hơn. Cũng từ đó, bà con càng nâng cao ý thức tạo cảnh quan cho làng thêm xanh-sạch-đẹp.
Và một điều khá đặc biệt là cho dù có thay đổi thế nào, làng vẫn giữ được nét văn hóa của làng. Dù bây giờ nguyên liệu không phải dễ tìm nhưng mái nhà rông của làng vẫn được lợp bằng tranh; những ngôi nhà sàn truyền thống phải đầu tư nhiều tiền hơn so với nhà xây tường gạch nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng đầu tư. Rồi đến các món ăn, các nghề thủ công truyền thống, các lễ hội ở làng cũng được gìn giữ, duy trì, tạo nên giá trị văn hóa hết sức độc đáo.
Cuộc sống và cách đối đãi, ứng xử với nhau của dân làng vẫn vậy, chân tình và thật lòng. Sáng sáng, người lớn đi rẫy, bọn con nít đến trường. Ngày nghỉ, chúng kéo nhau ra phía khoảng đất trống để chơi những trò chơi mà chúng thích. Có khi cả bọn chỉ bám víu, đu đẩy nhau trên một chiếc xe đạp cũ kỹ cũng làm chúng vui. Có khi chỉ mấy cái lốp xe đạp, xe máy hỏng, người ta bỏ, chúng lượm về để làm bánh xe quay cũng làm chúng thích thú.
Ngày mùa, người lớn tất bật với bộn bề lúa, bắp, khoai, mì, bọn trẻ con cũng vô tư đùa nghịch trên bến sông ở làng, sau khi đã lùa đàn bò về, nhốt vào chuồng cẩn thận.
Mùa lễ hội, làng thu hút rất đông du khách. Bà con ai nấy đều niềm nở đón khách. Bên ché rượu cần, họ vui mừng mời khách, sẵn sàng chia sẻ những nét văn hóa đặc sắc ở làng mình với tất cả niềm vui, niềm tự hào.
|
Làng bên sông, bà con còn trồng đủ thứ rau để cải thiện bữa ăn gia đình, để bán kiếm thêm thu nhập. Bên bãi bồi ven sông, nào bí, nào rau lang, nào bầu, nào mướp mùa nào cũng lên xanh mướt. Nếu ở vườn trồng giây bầu giỏi chăm lắm cũng chỉ được năm, bảy quả; còn ở bãi bồi, có khi thu về đến vài chục quả. Bà con ăn không hết, mang đi bán kiếm thêm thu nhập. Bán rẻ thôi, những “của nhà trồng được” ấy mà, chẳng thuốc men gì nên ai về làng gặp được cũng đều muốn mua ngay.
Rồi còn cả sự phong phú về nguyên liệu để chế biến các món ăn từ sông, suối như cá, tôm, cua, ếch, nhái ở ngôi làng bên sông cũng có sức hút đối với du khách. Nếu ai về làng mà chưa được ăn món cá suối nấu măng chua, cá suối nướng ăn kèm rau rừng thì chưa gọi là thưởng thức được món ngon ở làng.
Nhưng đâu chỉ có chế biến món ăn thôi, ban đêm, những người đàn ông ở làng còn chịu khó ra sông đánh bắt cá, tôm để kịp mang về cho phụ nữ trong nhà mang ra chợ bán. Ở phố, có khi may mắn đi chợ sớm cũng không khó để bắt gặp những mớ cá, mớ tôm tươi roi rói do bà con ở làng bên sông này chài lưới được mang đi bán.
Dân làng thường nói với nhau, sống ở đây không lo bị đói, chỉ có lười lao động mới dẫn đến cái nghèo. Tự nhiên thấy vui vui.
Chiều lang thang về làng, nhớ lại khoảng thời gian mười mấy năm về trước, càng thấy làng bên sông đẹp lên mỗi ngày. Chỉ mong sao cùng với sự phát triển của cuộc sống và việc đô thị hóa ở các làng quê vùng ven thành phố không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của ngôi làng nhỏ bên sông này.
SÔNG CÔN