Làng
Giữa nhịp sống đô thị, đôi lúc tôi lại đau đáu nhớ về làng. Thèm được ngồi quây quần bên bếp lửa nhen bằng củi thông rừng rực cháy thơm nức; thèm được thưởng thức ghè rượu ấm nồng, vừa nghe gió thổi ào ào trên sườn núi vừa bàn chuyện làm ăn. Thèm được sống giữa những người chất phác, chân thành, hồn nhiên, không vụ lợi.
Thỉnh thoảng tôi lại gọi điện về cho chị hỏi thăm sức khỏe, lan man đủ chuyện, rồi cuối cùng chốt lại một câu: Làng dạo này thế nào hả chị?
Kiểu gì chị cũng ngừng lại vài giây (vài giây thôi nhé, đủ để tôi nhận ra phía bên kia chị đang cười), rồi nói: Làng vẫn thường thôi cậu à.
Nhưng sau đó chị sẽ rủ rỉ kể chuyện con nhà chú Viên học giỏi thế nào; Hùng- em trai chị mới chuyển sang trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ra sao; rồi chuyện dân làng giúp nhau thoát nghèo như thế nào… Toàn là chuyện vui cả.
Bẵng đi khá lâu, tôi không gọi điện cho chị do bận công việc. Hôm nay vừa gọi vừa thầm trách mình rồi bật lại câu hỏi cũ. Đầu bên kia giọng đứa cháu lảnh lót: Trời đất ơi, tỉnh mình hẹp te vậy mà lần nào chú cũng hỏi nghe xa thăm thẳm vậy?
Câu trách móc hồn nhiên của đứa cháu làm tôi day dứt. Phải chăng, tôi là đứa bạc bẽo, đã quên (hoặc gần quên) đi tình cảm nồng hậu của chị, của dân làng dành cho mình, mới chút ít thời gian đã không nhớ thương, luyến tiếc?
“Ôi trời, sao chú không về làng lại một lần? Sẽ biết hết thôi à”. Tiếng đứa cháu vẫn vang trong điên thoại mà tôi thì lặng đi. Phải chăng tình cảm trong tôi cũng đã phai rồi?
Không, tôi vẫn nhớ lắm chứ. Bữa cơm “gạo bọc thép” với thịt chuột, rau rừng chấm muối ớt; bếp lửa bập bùng trong nếp nhà sàn ấm cúng; túm bắp khô chị dúi vào tay khi về… Cả cháu nữa, cô bé ạ, hôm ấy gối đầu lên lòng mẹ ngủ say sưa, mẹ cháu vừa trò chuyện, vừa phe phẩy tấm khăn đuổi muỗi cho cháu.
Tất cả như mới hôm qua.
|
Dạo ấy, tôi được phân công theo đoàn đi khảo sát mở tuyến đường nhựa nối liền các xã vùng sâu của huyện Đăk Glei.
Lần đầu tiên tôi đi xa đến vậy, kể từ khi được nhận vào cơ quan. Rời khỏi những chật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát, cái gì cũng làm cho tôi háo hức.
Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác phấn khích khi xe trèo lên núi. Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng. Chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la, ở phía trước, một vệt hình ba góc màu vàng, chính là đoạn đường mình vừa đi qua. Đi một lúc lâu, ngửng lên, vẫn thấy cái vệt ba góc đó.
Rồi khi xe đổ dốc thì tôi lặng người vì cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ. Nắng lên nửa con sào, rừng cây vàng rực. Những cây thông chỉ cao quá đầu, vẫy lá trong nắng như ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những gốc cổ thụ gân guốc, xù xì. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.
Nhưng cũng từ đó, chúng tôi phải bỏ xe, bám theo con đường mảnh như sợi chỉ xuyên rừng, lội suối để cắm tuyến.
Ngay ở ngôi làng đầu tiên, tôi ngơ ngác như lạc vào một vùng cổ tích. Làng nằm lưng chừng núi với những mái nhà sàn nhấp nhô. Trẻ em nô đùa nơi giọt nước đầu làng. Phụ nữ vừa giã gạo vừa hiền hậu cười, xua đám gà xúm xít giành những hạt gạo rơi vãi. Người già ngồi bên bậu cửa, cười nói chậm rãi, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rãi. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên cánh rừng và con suối trước làng.
Đoàn ở nhờ trong nhà một gia đình có vẻ khá giả của làng. Ngôi nhà sàn cao ráo, vững chãi, vách ken bằng gỗ thông thơm lừng. Anh chồng và đứa con trai đầu bận tối mắt với ruộng rẫy; chị vợ ở nhà dệt vải, chăn nuôi heo, gà; 2 đứa con gái đang học tiểu học; còn cháu nhỏ nhất còn phải địu sau lưng.
Lúc trưởng thôn dẫn đoàn đến đặt vấn đề thuê nhà ở, chị xua tay, nói gì đó với ông. Đứa bé thì cố ngọ nguậy chui ra khỏi tấm choàng thổ cẩm sau lưng mẹ để nhoẻn cười với mọi người. Sau này nghe trưởng thôn kể, chị nói cho ở nhờ thôi, không lấy tiền.
Suốt 2 ngày sau đó, tôi lang thang trong làng, mê mải khám phá, trong đầu nung nấu về ý tưởng bài viết. Tôi ghé vào từng nhà, xem người già đan lát, phụ nữ dệt vải; theo thanh niên xuống suối lưới cá, lên núi săn chuột rừng; cùng đám trẻ đi chăn trâu (vùng này nuôi nhiều trâu, con nào cũng ục ịch như trái sim rừng)… Chưa bao giờ tôi thấy mình giàu năng lượng như vậy.
Và tất nhiên, tôi có “hướng dẫn viên” đàng hoàng, ấy là con gái của chị chủ nhà, chính là cô bé gợi lên trong tôi sự bồn chồn day dứt sau này. Trẻ con dễ làm quen, chỉ sau ít phút e dè, cô bé đã sán vào tò mò ngắm cái máy ảnh rồi cười tít mắt khi tôi đưa ống kính lên chụp tanh tách. Kể từ đó, cô bé bám riết lấy tôi. Và chúng tôi thành bạn.
Sau này, nhớ lại, tôi buồn cười. Bởi mối quan hệ “bạn bè” ấy mà tôi có thể đi lang thang khắp làng; “xin” được đủ thứ, như bắp, bí, rau rừng, cá suối. Nếu về muộn, không đúng bữa cơm, thể nào chị cũng để phần cho 2 chú cháu, rồi ngồi bên bếp lửa nhìn 2 đứa ăn như hổ đói bằng ánh mắt hiền hòa.
Những ngôi nhà, những nụ cười, những bữa cơm ấm cúng bên bếp lửa đã trở thành nỗi nhớ trong tôi.
Những ngày sau đó, giữa nhịp sống đô thị, đôi lúc tôi lại đau đáu nhớ về làng. Nơi đã cho tôi sự thanh thản như dòng suối trong vắt, hiền hòa, dịu dàng trước làng; sự bình yên như con đường nhỏ hai bên phủ đầy cỏ chạy vòng vèo trên sườn núi; sự ấm áp với bếp lửa chiều mưa và dân làng từ tốn ít nói hay cười, nói câu nào chắc câu ấy. Và cả sự hấp dẫn của chuột nướng, cơm lam, rau rừng bên nồi cơm gạo mới thơm ngào ngạt.
|
Vui thay, lần thứ 2 tôi về làng chính là dịp khánh thành con đường nhựa đi khảo sát năm trước. Thật không thể nào nói hết niềm vui của chị, của dân làng trong ngày hôm ấy. Gặp lại người quen, tay bắt mặt mừng, rồi như một lẽ tất nhiên, mọi câu chuyện lại quay về con đường nhựa phẳng phiu, mát rượi đang hiện diện trước mắt.
Ở ngôi làng nằm heo hút giữa núi rừng Đăk Glei này, chuyện ô tô vào tận làng là một sự kiện lớn lao. Trước đây mấy ai đã nghĩ đến chuyện ấy. Mấy ai nghĩ đến được nghe tiếng còi xe, được tránh đường cho xe ô tô ngay giữa làng mình. Con đường đất nhỏ như sợi chỉ, quanh năm suốt tháng chỉ thấy bóng người lầm lũi đi bộ. Con cháu muốn đến trường học cái chữ cũng khó.
Nhưng với con đường nhựa này, tất cả sẽ thay da đổi thịt- người già nói. Đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản thuận tiện, Rồi nhất định điện sẽ được kéo về xua đi cái giá lạnh của núi rừng. Rồi trường học, trạm y tế, nước sạch, tivi...
Cô con gái thứ hai của chị níu tay tôi líu ríu nói chuyện mà tâm trí đang mơ về một ngày trở thành cô giáo về dạy chữ cho em mình.
Sau này, có thời gian rảnh rỗi tôi lại về thăm làng, thăm gia đình chị. Các cháu cũng lớn dần, líu ríu vui khi gặp lại. Và lần nào cũng thế, trước khi chia tay, chị dúi vào ba lô túm bắp, quả bí hay bó rau rừng “gọi là quà của làng, của rừng để chú khỏi quên”.
Ấy vậy mà quá nhiều chuyện khiến tôi bận tâm, khiến việc về làng của tôi thưa dần rồi ngừng hẳn. Lâu lâu mới gọi điện hỏi thăm, lặp đi lặp lại một câu: Làng dạo này sao rồi chị?
Và qua những câu chuyện chắp vá ấy, tôi mừng vì làng đã đổi thay, đường làng được bê tông hóa, đêm về lung linh ánh điện; vườn tược được rào dậu, mượt mà rau xanh. Làng không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh. Hầu hết gia đình đều trồng dược liệu, nên có tiền sửa sang nhà cửa, mua sắm tivi, xe máy, tủ lạnh, quan tâm chuyện học hành của con em.
Còn về gia đình, vui nhất là cô bé năm nào mơ ước thành cô giáo, nay đã thỏa nguyện, cần mẫn gieo chữ ở điểm trường làng.
Có lẽ tôi vẫn chưa phải là người bạc bẽo chị nhỉ. Bởi tôi vẫn mừng khi làng đã thay da đổi thịt; vui khi cháu gái hoàn thành ước mơ. Dù đã lâu không về với làng, nhưng tôi vẫn giữ trong lòng nào núi, nào rừng, nào tính cách chân thành, hồn nhiên không vụ lợi của dân làng.
Và tôi vẫn thèm được ngồi quây quần trong căn nhà sàn vách ken bằng gỗ thông, bên bếp lửa đã nhen lên, củi gỗ thông rừng rực cháy thơm nức, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa xua tan sự lạnh giá của núi rừng. Thèm được thưởng thức ghè rượu ấm nồng, vừa nghe gió thổi ào ào trên sườn núi vừa bàn chuyện làm ăn.
Chưa bao giờ ý nghĩ về làng lại thôi thúc tôi đến vậy.
Hồng Lam