Lại lo chuyện an toàn thực phẩm
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian này là rất lớn. Đây là nỗi lo chính của người tiêu dùng và là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cơ quan chức năng hiện nay.
Tuần qua, tại huyện Đăk Hà, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 44kg thịt heo không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và một số hàng hóa đã hết hạn sử dụng tại cơ sở kinh doanh của hộ Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn Kon Rngâng, xã Đăk Ui). Vụ việc khiến nhiều người không khỏi giật mình lo lắng, bởi nếu như các lực lượng chức năng không phát hiện kịp thời thì chắc chắn sẽ có không ít người tiêu dùng sẽ trở thành nạn nhân của số thực phẩm bẩn này.
Trong năm 2021, qua công tác kiểm tra, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở cũng đã phát hiện, xử lý hành chính 49 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền thu phạt hơn 32,5 triệu đồng, tiêu hủy 120 loại sản phẩm gồm 288,07 kg thực phẩm rắn và 400,34 lít thực phẩm lỏng vi phạm. Toàn tỉnh ghi nhận trên 100 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.
Điều này cho thấy, nếu như cơ quan chức năng không kiểm soát tốt thì nguy cơ người dân phải sử dụng thực phẩm bẩn mà không biết là rất cao. Càng gần Tết, vấn đề này càng đáng lo ngại hơn.
Lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở khi thực tế, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng diễn ra khá phức tạp. Tình trạng thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc; giết mổ và chế biến các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh; sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất chế biến thực phẩm; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi…diễn ra ở nhiều nơi với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
|
Vì vậy, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc thường xuyên, nhưng mùa Tết lại phải thực hiện thành chiến dịch. Bởi đây là thời điểm hàng hóa được lưu thông, mua bán, sử dụng nhiều nhất trong năm. Khi sức mua của người dân tăng lên, thị trường hàng hóa sôi động hơn, nhiều đối tượng kinh doanh buôn bán hám lợi sẽ lợi dụng tình hình đưa các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không an toàn trà trộn, bán trên thị trường.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân dịp Tết, từ ngày 5/12/2021 - 14/1/2022, tỉnh ta triển khai chiến dịch kiểm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo đó, lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn chủ cơ sở, người chế biến thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng có kiểm tra, xử lý rốt ráo đến đâu; tuyên truyền, nhắc nhở cặn kẽ thế nào, nhưng nếu những người kinh doanh vẫn cố tình vi phạm, buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì cũng rất khó kiểm soát hết được. Do đó, điều quan trọng chính là đạo đức, tinh thần trách nhiệm của người kinh doanh đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần là người tiêu dùng thông thái để không trở thành “nạn nhân” của thực phẩm bẩn.
Có một thực tế rằng, nhiều người vì lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm luôn cố gắng tìm mua những thực phẩm “sạch” phục vụ cho bữa ăn của gia đình, nhưng thực chất lại không hiểu rõ đâu là thực phẩm sạch, an toàn mà thường bị đánh lừa bởi quảng cáo, giới thiệu rau sạch, trái cây sạch, thịt sạch; sản phẩm “nhà làm”. Đặc biệt, vào dịp Tết, các loại thực phẩm này càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên thường được tiếp thị rộng rãi, nhất là trên các trang mạng xã hội. Trong khi, thực chất, các loại thực phẩm này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi không kiểm soát được thông tin về nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào cũng như chất lượng sản phẩm.
Có thể nói, mọi con đường của thực phẩm cuối cùng đều đến bữa ăn và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Để có một cái Tết an toàn, cùng với việc siết chặt quản lý về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của các ngành chức năng thì việc nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và ý thức trong sử dụng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng cũng chính là điều quan trọng.
Thùy Hương