Ký ức vỡ lòng
Từ năm 1975 đến nay đã non nửa thế kỷ, cấp học (lớp vỡ lòng) dường như không được nhắc đến nhưng những người từ 55 tuổi trở lên như chúng tôi luôn nhớ về lớp học này.
|
Theo từ điển Hán Việt: Vỡ lòng nghĩa là khai sáng. Vỡ lòng là khai sáng lòng dạ của đứa trẻ mới 5 tuổi, bắt đầu một hành trình. Sau này chuyển thành lớp mẫu giáo khái niệm này cũng không sai nhưng có lẽ từ vỡ lòng cứ canh cánh mãi trong lòng của thế hệ chúng tôi cho mãi hôm nay.
Xuất phát từ ý nghĩa vỡ lòng là khai sáng như có một đặc trưng mà khó lòng thay đổi được. Trẻ em sinh ra và đến lúc 5 tuổi là nằm trong một thời gian được cần chăm sóc đặc biệt, không thể thiếu bầu vú mẹ, thiếu vòng tay ấm áp từ người bà, từ sự chăm sóc đặc biệt của người thân khi trái gió trở trời và hơn thế nữa trong độ tuổi này chưa thoát qua cái tuổi mà ông bà gọi là qua cái “huông” lật bò, ngồi đứng, đi chập chững thì khó có thể tự lập để gia nhập vào cộng đồng một cách hoàn chỉnh được. Vì thế, phải chờ đến lúc 5 tuổi khai sáng cho trẻ là hợp lý.
Đặc thù của lớp này xuất phát bằng sự tự nguyện của người thầy, bằng sự quan tâm của gia đình đối với con trẻ và trách nhiệm của cộng đồng làng xóm là chính. Vì vậy, ban sơ nó không nằm trong hệ thống giáo dục của quốc gia hay ngành giáo dục một cách quy củ theo một chương trình được phân bổ thống nhất. Nhưng kỳ lạ thay, từ vùng nông thôn nghèo khó đến những nơi thuận lợi đều giống một cách dạy và học không khác nhau là mấy.
Về cơ sở vật chất, hầu hết không có ngân sách Nhà nước để chi cho việc xây dựng trường, lớp ở cấp học này mà đều vận dụng cơ sở có sẵn như đình làng để dạy và học. Điều này cho thấy quan niệm xây dựng đình làng không chỉ dành cho việc thờ tự, điểm đến để sinh hoạt tâm linh hay hội họp mà nó còn có một nơi yên tĩnh để tuổi thơ sinh hoạt và học tập. Hầu như đình làng nào cũng giống nhau là dành một gian cho việc thờ tự và một gian rộng để tụ họp sinh hoạt dân chúng trong làng. Sân đình lúc nào cũng được che mát suốt ngày bởi cây đa, cây bồ đề. Trong làng lúc xưa ít có người được học đến nơi đến chốn. Những người học cao thì được tuyển dụng làm quan và chuyển đến những nơi cần thiết để chung lo việc nước. Còn những người có chữ trội hơn dân thường thì tham gia việc làng việc nghĩa. Trong đó, việc tham gia dạy học cũng là những người có tâm, đức được đề bạt và tự nguyện đứng ra mở lớp, mà hầu hết là lớp vỡ lòng.
Theo quan niệm dân gian, người thầy dạy lớp vỡ lòng là hết sức quan trọng vì đây là cái mốc khai sáng nên khai sáng phải đúng với đạo lý, với nhân tình thế thái thì tất nhiên sẽ có những con người tài đức thực sự để mai sau giúp ích cho đời. Vì thế, người dân rất quý trọng người thầy và dường như thầy được trọn quyền xử lý các tình huống xảy ra trong thời gian học sinh đến lớp.
Lớp vỡ lòng không có tên trường mà thường lấy tên người thầy trực tiếp dạy đặt tên cho lớp. Ví dụ lớp thầy hai Công, thầy ba Hùng. Cũng như vậy, tôi nhớ mãi đến bây giờ lớp tôi học là lớp thầy Út bà Ta.
Điểm chung nữa đối với lớp vỡ lòng là người thầy luôn kẹp bên mình chiếc roi mây đến lớp. Mỗi khi học sinh vi phạm đánh nhau hay chơi nghịch, ồn ào là được thầy gọi lên “thưởng” mấy roi vào mông. Đau nhưng không dám về mách lại với cha mẹ vì mỗi khi bị thầy phạt mà mách lẻo thì còn phải chịu đòn từ phía gia đình có khi nặng hơn.
Cũng vì người thầy dạy lớp vỡ lòng là người cùng làng cùng xóm nên mỗi khi học sinh làm sai quấy điều gì là thầy biết cả. Chẳng hạn, quê tôi là nơi trồng nhiều mía, mỗi khi đến mùa thu hoạch là dựng chòi ép mía, thắng đường nên thầy biết tất người chủ chòi và chủ mía. Vậy nên mỗi khi đến lớp, thầy thấy học sinh mang mía vào lớp là thầy chỉ cần hỏi mía này con xin ở chòi nào, ai là “chủ” mía? Nếu nói sai là được “thưởng” roi ngay, không vòng vo, quanh co gì cả.
Trong lớp thì được học chữ, ê a đọc theo lời thầy hướng dẫn còn khi ra chơi (bây giờ gọi là giải lao) thì học sinh quanh quần chơi trong vườn đình, nam thì chơi bắn bi, đánh đáo, trốn tìm...; nữ thì tụm năm tụm bảy bên vỉa hè để nhảy dây, hất dây thun, hoặc ngồi tết tóc cho nhau rất vui vẻ. Vì vậy, lúc nào cũng náo nhiệt tiếng cười, đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà.
Với công khai sáng đầy khó khăn vất vả nhưng chế độ lương hằng tháng thì ít khi được đề cập. Lương của thầy giáo là lương tâm và được sự kính trọng của dân làng vì khi người nào đứng ra mở lớp thì ít nhất gia đình của người thầy đó cũng tạm đủ ăn đủ mặc nên không chú trọng đến tiền lương. Nếu người thầy đó có gia cảnh khó khăn thì năm ba ngày nửa tháng, phụ huynh góp người lon gạo, củ khoai, người chút mắm muối để hỗ trợ cho gia đình thầy, nhưng phải khi thầy vắng nhà. Họa hoằn, đến mùa mía hoặc mùa gặt thì biếu thầy ang lúa, rổ khoai, tô đường dẻo là cùng.
Vâng, những gì tôi học được, những gì mắt thấy tai nghe ở tuổi đầu đời là vật báu luôn trở về trong ký ức để làm hành trang mang theo suốt cuộc đời, thay cho lời cảm ơn sâu sắc nhất.
Nguyễn Tấn Hỷ