Ký ức tháng Tư
Tôi gặp già trong một ngày tháng Tư. Cái nắng như đổ lửa, cái mưa như bất chợt xối xả của tháng Tư cao nguyên, cùng với hào khí tháng Tư, ký ức tháng Tư của 48 năm về trước khiến già bồi hồi với bao cảm xúc lắng đọng.
Ngày ấy, già cũng bao như bao nhiêu chàng trai, cô gái của núi rừng Tây Nguyên đang ở lứa tuổi thanh xuân tươi đẹp của cuộc đời. Chẳng nề hà chiến tranh gian khổ, ác liệt, họ hăng hái tham gia đánh giặc giữ làng, giữ nước với son sắt niềm tin ngày toàn thắng. Đến bây giờ, những kỷ niệm tuổi hai mươi đói cơm lạt muối, những ánh mắt đồng đội, những ngày đi làm liên lạc, tuần tra canh gác phòng chống biệt kích, thám báo, rồi hình ảnh những vạt cây rừng nham nhở sau những trận mưa bom bão đạn như những thước phim quay chầm chậm, chầm chậm trước mắt những người từng vào sinh ra tử như già.
Ký ức xa xôi nhưng ký ức cũng luôn hiển hiện và sống động. Ngày ấy, cứ đêm khuya mà nghe mìn nổ, lòng dạ già nóng như lửa đốt. Đã bao lần già nước mắt tràn mi tiễn biệt đồng đội mình về nơi yên nghỉ. Rải rác trên những cánh rừng, những nấm mồ của đồng đội nằm yên cùng cây cỏ, đợi ngày về nghĩa trang ngay hàng thẳng lối như thể duyệt binh. Trên bom dưới đạn, sự sống, cái chết kề gang tấc nhưng những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi như già ngày ấy nào có sá chi. Ai nấy đều hăng say đánh giặc, giữ nước, chỉ mong góp chút sức lực nhỏ bé, đón đợi ngày quê hương được giải phóng, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông toàn vẹn thống nhất.
|
Bao nhiêu năm tháng qua đi, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi dãi dầu nắng mưa, bom đạn nay đã lên bậc trưởng lão. Da đã đồi mồi, tóc đã bạc, mắt lúc tỏ lúc mờ nhưng ký ức những năm tháng chiến tranh, ký ức về tình đồng đội, ký ức phút giây quê hương giải phóng, đất nước trọn niềm vui vẫn vẹn nguyên.
Mỗi lần tháng Tư về, mỗi lần quê hương, đất nước hân hoan đón chào ngày toàn thắng, già lại cùng những cựu binh già ôn lại chuyện xưa. Rổn rảng kể cho nhau, kể cho lớp cháu con nghe về những trận đánh, những lần mưu trí vượt qua làn bom bão đạn, những lần chia nhau từng củ sắn, búp măng, kể về những vết lằn thịt da di chứng chiến tranh còn hằn sâu trên thân thể.
Mấy chục năm rồi, ký ức vẫn lấp loáng như dòng sông chảy mãi. Ngồi đây, ngay trên căn nhà sàn của già, mà ai nấy như thấy thấp thoáng hình ảnh những chàng trai mắt sáng, da ngăm vượt rừng rậm, suối sâu đi đánh giặc, giữ làng, giữ nước. Vẫn như văng vẳng lời cán bộ dặn dò, nhắc nhở, lại được dạy làm quen con chữ, con số mà biết đọc, biết viết. Vẫn như đang cùng đồng đội chia nhau củ sắn dở dang, chăm chút, hỏi han nhau khi vết thương tấy sốt.
Tên nối tên, địa danh nối địa danh, chiến công nối tiếp chiến công, những câu chuyện cứ thế mà trôi đi trong hào khí tháng Tư, ký ức tháng Tư. Rồi tất cả như chùng lại, không khí lặng im khi chợt nhắc đến một cái tên. Những tiếng thở dài thật lâu như đang cố kìm những giọt nước mắt chực dâng. Chẳng ai bảo ai mắt đều dõi theo về tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trang trọng bên gian nhà giữa. Chiến tranh với bao đau thương, ác liệt. Người còn, người mất. Máu xương của bao người đã đổ xuống cho đất nước vẹn toàn, cho những vùng đất từng là hố bom chảo lửa được hồi sinh.
Chiến tranh đi qua, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi như già ngày ấy về với quê hương, với rẫy vườn. Chẳng nề hà với khốc liệt chiến tranh, chẳng nề hà với đói nghèo những ngày đầu giải phóng, già cùng các cựu binh ở làng lần nữa chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, tích cực tham gia việc làng, việc xã. Mà việc nào cũng vậy, đều vẹn toàn, giỏi giang.
Vừa kể chuyện, già vừa phóng tầm mắt nhìn ra xa. Dõi theo ánh mắt già, phía trước là màu xanh trải dài của cao su, cà phê, cây ăn trái. Máu xương của cha anh đã đổ xuống cho mảnh đất này được hồi sinh, cho những thế hệ nối tiếp được hưởng thành quả của độc lập, của tự do.
Nhìn màu xanh trập trùng của cây trái, màu xanh của no ấm trên quê hương, già thầm bảo tôi, hào khí tháng Tư của thế hệ cha anh, của thế hệ già đang được cháu con hôm nay tiếp tục gánh vác. Nghĩ vậy, gương mặt đã hằn sâu những nếp nhăn như sáng bừng lên, già mỉm cười, nụ cười hạnh phúc.
NGUYÊN PHÚC