Kon Rẫy: Di tích lịch sử đang bị xâm hại
Ghé thăm Khu di tích lịch sử chiến thắng Kon Braih (huyện Kon Rẫy), nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến ngọn đồi – nơi khu di tích tọa lạc- đang bị đào khoét, xâm hại nghiêm trọng...
Khu di tích lịch sử cấp tỉnh chiến thắng Kon Braih nằm trên địa phận thôn 5, xã Đăk Ruồng, cách Quốc lộ 24 chưa tới 1km; đối diện với khu trung tâm hành chính mới của huyện Kon Rẫy.
Theo thông tin từ UBND huyện Kon Rẫy, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tôn tạo, sửa chữa di tích lịch sử chiến thắng Kon Braih. Và trên thực tế, đường lên Khu di tích đã được xây bậc, quét vôi trắng khang trang, bên trong Khu di tích được dọn dẹp, giữ gìn khá sạch sẽ.
Thế nhưng, điều đáng lo ngại là dưới chân đồi, hiện đang có một số hộ dân lấn chiếm đất để xây dựng nhà cửa. Cụ thể, ngay sát lối đi lên Khu di tích, người dân khoét sâu vào đồi để xây dựng nhà ở, quán ăn, làm mất mỹ quan cũng như rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới Khu di tích.
|
Đặc biệt, theo thông tin từ người dân, lợi dụng việc san ủi mặt bằng làm nhà, một số người còn đào đất bán cho những cá nhân có nhu cầu san lấp mặt bằng với khối lượng lên đến hàng nghìn m3. Chiều 3/7, tại vị trí khoét sâu vào chân đồi Khu di tích, chúng tôi còn chứng kiến 1 máy đào đang hoạt động. Khi chúng tôi tới gần, lái máy đóng cửa bỏ đi.
Cũng theo người dân trong khu vực, UBND xã Đăk Ruồng cần sớm có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời để ngăn chặn tình trạng trên, bảo vệ Khu di tích khỏi nguy cơ sạt lở, hư hại.
Theo tài liệu từ Phòng Văn hóa thông tin huyện Kon Rẫy, đồn Kon Braih được thực dân Pháp xây dựng kiên cố trên một quả đồi khống chế hoàn toàn đường số 5 (nay là Quốc lộ 24) độc đạo nối các tỉnh Nam Trung bộ với Bắc Tây Nguyên.
Đồng thời, đồn Kon Braih còn là căn cứ cho quân Pháp càn quét, khống chế một vùng rộng lớn của huyện H16 (nay là huyện Kon Rẫy); là hậu cứ và yểm trợ cho hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút của địch; là tiền đồn phía đông bảo vệ thị xã Kon Tum- đầu não của quân Pháp ở tỉnh Kon Tum và Bắc Tây Nguyên.
Đêm 27/1/1954, quân ta nổ súng đánh chiếm đồn Kon Braih. Chiến thắng đồn Kon Braih có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định vào chiến dịch Bắc Tây Nguyên trong Đông-Xuân 1953-1954, tạo thời cơ thuận lợi để quân ta giải phóng Kon Plông, thị xã Kon Tum và toàn tỉnh.
HL