Không say không về
Cuối năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Vũ (30 tuổi), ngụ tại khối 6, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô án tù chung thân về tội giết người. Nguyên nhân cũng chỉ bắt đầu từ chỗ, gặp nhau trong một quán ăn khuya, bị cáo Trần Ngọc Vũ mời một ly rượu nhưng nạn nhân lại từ chối.
Tiếp đến, đầu năm 2019, Công an thành phố Kon Tum đã bắt cụ ông Ngô Văn Thể (72 tuổi) vì trong khi “chén tạc chén thù” đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát và ra tay sát hại bạn nhậu của mình…
Chuyện sứt đầu mẻ trán, thậm chí dẫn tới án mạng chỉ vì rượu có lẽ không dừng lại ở con số thống kê trong 2 vụ việc gần đây.
Còn nhiều, nhiều hệ lụy liên quan đến việc lạm dụng bia rượu. Chưa kể về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe, mà trước mắt, hàng loạt các hệ lụy đã, đang xảy ra: quá chén, điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn; bù khú rượu bia, gây bạo lực gia đình; say sưa trong men rượu, không chịu khó làm ăn, bê tha, nghèo đói luẩn quẩn…
Xưa kia, đầu câu chuyện cha ông ta lấy “miếng trầu”, thì nay dường như từ “bia rượu”. Nên, không say không về, câu nói tưởng cho vui nhưng lại thật, rất thật. Trong các cuộc nhậu, từ người già cho đến người trẻ đều dùng câu nói vui đó như một cách động viên, khích lệ, cổ súy cho uống rượu bia, càng nhiều càng tốt, uống chừng nào say mới thôi. Nếu không say mà về là không thực bụng, không chân tình, không hết mình vì bạn bè. Nếu không say mà về thì buổi tiệc sẽ kém vui, thoái thác lại bị gán cho kém bản lĩnh, thôi đành ráng…
Vậy là, biết bao nhiêu cuộc vui không có điểm dừng và chuyện lạm dụng rượu bia mãi vì thế chưa có hồi kết…
Không say không về, uống phải tới bến, nên đầu tiên thì người uống rượu, lâu dần thành rượu uống người; đầu tiên thì thành ý chung vui sẻ buồn, tình thương mến thương, sau vài ly, rượu vào lời ra, trái nhau câu nói, cái nhìn vậy là… nên chuyện. Xô xát, ẩu đả và thậm chí là án mạng.
Không say không về, nên trên đường đi về nhà, bao nhiêu người “chân đăm đá chân chiêu”, không kiểm soát được hành vi, bỗng chốc trở thành “anh hùng xa lộ” như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… dẫn đến tai nạn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã thống kê, năm 2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. Trong số các nguyên nhân chính được nêu ra, việc sử dụng rượu bia, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông dẫn tới những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Vì không say không về, nên sau cả buổi la cà, bước về nhà rượu bia đã dẫn đường, mất cả lý trí, máu anh hùng dễ nổi lên. “Rượu vào”, “lời ra” không còn kiểm soát, thóa mạ, xúc phạm lẫn nhau và bạo lực gia đình như là một tất yếu…
Nên, sẽ không quá khi nhiều người nói rằng, rất nhiều tội ác được ấp ủ từ những quán nhậu!
Khi đọc những dòng thông tin về các vụ án mạng chỉ vì những lý do hết sức “lãng nhách” này, tôi cứ nghĩ, nếu ông Trần Ngọc Vũ, ông Ngô Văn Thể không bị rượu lấy đi hết lý trí, có lẽ đã không hung hãn đến mức như vậy và cũng không để lại hậu quả nặng nề đến mức như vậy.
Có lẽ, bây giờ, họ đang tự ăn năn về những lỗi lầm của mình kèm theo những câu nói giá như. Giá như khi đó mình đừng quá chén, giá như khi đó mình mời ly rượu mà họ không uống thì thôi có gì đâu mà phải gây hấn để tới mức người phải thiệt mạng, người thì bị chung thân…
Thời điểm này đang gần đến Tết nguyên đán Kỷ Hợi, đủ 1001 lý do để bà con tụ họp, từ các cuộc họp mặt, liên hoan mừng xuân của gia đình cho đến các cuộc tất niên, xóm làng, cơ quan, đơn vị… Rượu bia trở thành một phần không thể thiếu trong những cuộc vui này. Nhưng, nếu lạm dụng, nếu không biết điều tiết, nếu vẫn mãi thúc giục, động viên nhau kiểu không say không về… thì những tưởng chúc tụng nhau chút cho vui, lại chẳng vui nổi!
Nguyên Phúc