Không phê bình, tăng yêu thương
Nếu giáo dục dựa trên nỗi sợ hãi sẽ ngăn cản tính chủ động và tích cực của người học. Chính vì vậy, việc không phê bình học sinh trước lớp có thể mang đến thay đổi lớn, giúp ích nhiều trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ.
Cách đây không lâu, ngồi tâm sự với cô giáo dạy Văn, cô xúc động lấy ra một lá thư của anh bạn cùng học cấp 2. Ngoài bìa thư, những dòng chữ được ghi nắn nót bằng bút mực: “Cảm ơn cô vì đã không như những người khác. Cảm ơn cô đã dạy em nên người!”.
Chuyện là, ngày trước, anh bạn là học sinh cá biệt, “nổi tiếng” toàn trường vì sự nghịch ngợm. Mới học lớp 8, nhưng theo lớp thanh niên xấu, anh thường xuyên trốn tiết, luôn vi phạm tác phong và “đội sổ” hầu hết các môn học. Tuy nhiên, thay vì trách mắng ở lớp, đưa anh ra đứng cột cờ để phê bình trước trường vào sáng thứ 2, là cô giáo chủ nhiệm, cô luôn thủ thỉ, nhẹ nhàng khuyên răn, khích lệ, đồng thời thường xuyên gặp riêng anh để chia sẻ, chỉ bảo thêm. Cùng với đó, cô tâm sự, mong muốn đồng nghiệp đừng nặng lời la mắng, đừng bắt anh phải đứng ở góc lớp trước mặt các bạn… Suốt một thời gian dài, sự khéo léo kết hợp với tình yêu thương của cô giáo đã giúp anh thay đổi. Hàng tuần, anh cứ trông đợi tới tiết Văn để được học. Rồi từ môn Văn, anh bắt đầu chú tâm học những môn khác và dần rời xa đám bạn xấu. Sự thay đổi quá bất ngờ đến mức bố mẹ anh cũng phải ngạc nhiên.
Lớn lên, theo gia đình vào miền Nam, lập nghiệp ở nơi xa, anh vẫn luôn nhớ về cô, dành tình yêu thương cho cô. Cách đây vài năm, anh viết thư tay, vừa cảm ơn, vừa chúc mừng cô nhân dịp 20/11. Cô bảo, kỷ niệm đi dạy thì có nhiều, nhưng bức thư ấy luôn là động lực, là niềm tin để cô nỗ lực trong việc dạy và học; đồng thời cũng là minh chứng để cô hiểu rằng, phải tinh tế, hiểu tâm lý và chỉ bảo học sinh tận tình mới mang lại hiệu quả trong giáo dục.
|
Từ câu chuyện của cô, ngẫm ra mới thấy, không phải cứ phê bình học sinh trước lớp, trước trường là giải pháp hay để giúp học sinh có thể ngoan hơn, chăm học hơn. Bởi, nếu giáo dục dựa trên nỗi sợ hãi thì sẽ ngăn cản tính chủ động và tích cực của người tiếp nhận.
Bản thân giáo viên, ai không muốn học sinh ngoan hiền, chăm chỉ học tập, nhưng khi các em chưa ngoan, chưa chấp hành theo nội quy của nhà trường, chắc hẳn các em đang gặp vướng mắc hoặc có trở ngại về tâm lý. Nếu giáo viên cứ vạch lỗi để phê bình, để trách mắng sẽ càng làm các em bị tổn thương, xấu hổ trước bạn bè, thêm tự ti. Trẻ em rất nhạy cảm, chính vì vậy, chỉ cần giáo viên không giữ được “cái đầu lạnh, trái tim nóng”, xử lý thiếu tinh tế có thể gây tác dụng ngược, khiến học sinh thêm buồn, chán nản, ghét việc học, ghét việc đến trường.
Mới đây, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2020) đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của nhiều người, trong đó có các bậc phụ huynh. Theo khoản 2, điều 38 của Thông tư, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường; tùy theo mức độ vi phạm, có thể thực hiện các biện pháp nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra an tâm khi nắm được quy định trên. Bởi, họ tin rằng, việc chia sẻ, nhẹ nhàng chỉ bảo sẽ giúp học sinh cảm nhận được tình thương và sự quan tâm của thầy cô, đỡ tự ti khi mắc lỗi. Hơn thế, ai cũng muốn mỗi ngày đến trường với con là niềm vui, không áp lực nặng nề, đặc biệt, không bị mặc cảm vì bị la mắng, phê bình nếu chưa làm tốt hoặc chưa hoàn thành bài tập. Chính vì vậy, việc không phê bình học sinh trước lớp có thể mang đến thay đổi lớn, giúp ích nhiều trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ.
Không chỉ phụ huynh, giáo viên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc nhắc nhở, giúp đỡ, động viên học sinh khắc phục khuyết điểm thay vì phê bình trước lớp, trước trường mang tính nhân văn, có thể giúp thay đổi hành vi của học sinh. Hiểu rằng, với những giáo viên đã từng xem việc phê bình và khiển trách trước lớp là vũ khí để trấn áp học sinh, sẽ rất khó để thay đổi. Tuy nhiên, tất cả vì học sinh thân yêu, nếu nỗ lực, chắc chắn, mỗi người sẽ điều chỉnh được hành vi của mình theo hướng tích cực.
Môi trường giáo dục với những phương pháp dạy và học mới, bên cạnh nhà trường, giáo viên, mỗi phụ huynh phải luôn đồng hành, cùng kịp thời có phương pháp hữu hiệu, điều chỉnh hành vi, thái độ của con em mình. Giáo dục, không chỉ dạy kiến thức mà còn góp phần hình thành đạo đức và nhân cách cho học sinh. Chính vì vậy, quy định mang tính nhân văn nhưng cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh phải nỗ lực, cùng thay đổi để giúp học sinh – những mầm xanh tương lai của đất nước thêm tự tin, phát triển toàn diện.
Hoài Tiến