Khổ qua rừng trong câu chuyện kể
Ngày xưa, có năm, trời làm hạn hán. Mấy tháng liền, mặt đất không có lấy một hạt mưa. Những suối to, khe nhỏ đều cạn trơ lòng đá sỏi. Rẫy đã phát, đốt xong, chỉ chờ tra hạt, xuống giống. Lòng già làng như lửa đốt, chẳng hiểu vì sao Yàng lại “quay lưng”, thử thách ngặt nghèo.
Thiếu nước, cỏ cây hoa lá héo khô. Nhiều người rủ nhau vào tận rừng sâu, cần mẫn mang về từng bầu nước quý giá từ con thác lớn. Chiều hôm ấy, khi nhiều người lặng lẽ trở về sau cả ngày lầm lụi đi xa thì chẳng may lửa đã thiêu rụi một góc làng với cả chục nóc nhà từng quây quần gần nơi giọt nước.
Cơn hỏa hoạn bất chừng khiến dân làng đang khó lại càng thêm khó. Theo những người già có nhiều kinh nghiệm, mọi người kéo nhau đi xa, đến một ngọn đồi khác để chặt cây, dựng nhà. Nhớ làng cũ, nhà xưa, thi thoảng, có người nặng tình còn quay trở lại, cố kiếm trong đống hoang tàn đâu đó một chút thân thương.
Ít lâu sau lần hỏa hoạn, Yàng làm mưa xuống. Chật vật lần hồi, cuộc sống cũng dần trở lại bình thường. Càng bất ngờ hơn, khi chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, ở góc làng cháy hôm nào, bỗng chốc đua nhau mọc lên một loài cây nhỏ.
Các bà các mẹ siêng năng lên rừng, ra rẫy nhanh chóng nhận ra, ấy chính là loài dây leo vốn từ vùng sâu, trước đây, họ thường hái về nấu canh, để cho cả nhà được thêm ngon bữa. Hình dáng nó mỏng manh, thân trông có phần yếu ớt, nó được gọi tên “ Bõh pang”, tức khổ qua rừng.
Đó là “sự tích” về một loài cây mà với con bé, từ lâu, đã trở nên quen thuộc. Chuyện vui bà kể bao lần, song mỗi lần nghe lại, vẫn thấy thật hay. Nó nghe trong lòng ấm áp.
|
Vẫn theo lời bà, ngày ấy, vì giống cây rừng bay đến tận nơi được xem như là điềm lành, nên bà con trong làng luôn nâng niu, trân quý. Được đem về trồng rẫy gần, đồi xa, khổ qua rừng chẳng những leo, bò tự nhiên, mà còn leo giàn do con người làm cho. Mang trong mình sức sống lãnh liệt, nó lên nhanh và um tùm xanh tốt. Lá khổ qua được hái nấu canh, có vị đăng đắng thanh thanh song vẫn ngọt ngào ngon mát.
Thường thì, vài tháng sau gieo hạt, cây nở chi chít hoa vàng. Cũng giống như lá như cây, quả nó đậu sai, nho nhỏ chỉ chừng mỗi đầu ngón tay lớn, bé. Còn non, quả màu xanh thẫm, lúc già, chuyển sang màu vàng, bên trong có “cơm” đỏ thẫm, bọc lấy những cái hạt nho nhỏ, xinh xinh. Mỗi hạt nhỏ ấy được rơi xuống đất, lại mọc lên nhanh. Cứ thế, hết lứa này qua lứa khác, loài rau nhỏ quen thuộc được mọi người ưa thích vô cùng.
Khổ qua rừng dễ trồng, dễ lên, hợp với cả đất rẫy lẫn thung sâu, khe núi. Khi đã mọc rồi thì nó rất khỏe, rất nhanh. Lá non mát lòng, ăn vào còn an hòa, dễ ngủ. Quả của nó cũng mang lợi ích rõ hơn, vì có tác dụng chữa đau bụng, giải độc cho gan, ngăn ngừa, điều trị chứng bệnh tiểu đường.
Con bé không quên lời bà: Ngày xưa, thiên nhiên hào phóng ban cho, song đôi khi cũng như để thử lòng người rộng - hẹp. Với loại rau rừng khổ qua, hàm ý chính là một điều như thế. Dễ mọc dễ lên, song nó bé nhỏ, mong manh, không dễ lấy nhiều, lấy mau, nên khiến con người càng thêm quý trọng.
Sau này, để có được nắm rau ăn, mọi người phải trồng phải chăm, dành trọn cả sự ân cần, cẩn thận. Muốn có nhiều cây thì không thể gieo ít hạt, muốn hái được nhiều thì cần bỏ công sức ra.
Những lúc đi xa, con bé nhớ làm sao từng bữa cơm nhà với bát canh rau đạm bạc, ngon lành. Cả trong những ngày khắp nơi oằn mình chống chọi dịch bệnh Covid-19, gói hàng mẹ gửi cho anh nó ở xa, không thiếu bì lá khổ qua nhặt sẵn. Mớ quả khổ qua đã phơi khô, dành nấu nước.
Từ vườn nhà, rẫy xa, khổ qua rừng bây giờ cũng trở thành hàng hóa. Loài cây nhỏ tự ngày nào trong chuyện kể, lặng lẽ đi qua gian khó cuộc đời.
Thanh Như