Hương vị bánh đùng
Chiều mưa rả rích, đứa bạn thân gửi cho tôi bức ảnh chụp những chiếc bánh đùng và than rằng “nhớ quá hương vị bánh đùng”. Ký ức những ngày thơ ấu đạp xe đi làm bánh đùng tưởng đã ngủ quên chợt sống dậy trong tôi.
Bánh đùng là cách gọi của quê tôi, còn nhiều nơi gọi là bánh ống. Theo giải thích của người dân, “đùng” ở đây trong “nổ đùng” (tiếng nổ phát ra âm thanh “đùng”) khi làm bánh.
Tôi nhớ, mỗi khi chiếc máy nổ bỏng gạo, bắp xuất hiện trong xóm là đám trẻ con chúng tôi, dù đang chơi trò gì, vui vẻ đến mấy, cũng ba chân bốn cẳng chạy về nhà xin ba má ít gạo, đường mang ra làm bánh đùng.
Thời bấy giờ, nếu mang theo nguyên liệu thì khá nặng và cồng kềnh, nên những người làm bánh chỉ mang theo chiếc máy là chính, còn nguyên liệu là do người dân tự chuẩn bị lấy, “chủ lực” là gạo trắng.
Cũng bởi lâu lâu, máy làm bánh đùng mới xuất hiện ở xóm, nên khu vực làm bánh khá đông vui. Gần như nhà nào cũng làm bánh đùng, ít thì vài lon gạo, nhiều thì đến vài ký. Muốn bánh thơm ngon hơn, có nhà còn trộn thêm đậu phộng hoặc đậu nành, đậu xanh hoặc bắp. Do đó, chiếc bánh được làm ra của nhà này hoàn toàn không giống với nhà khác, hương vị bánh đùng cũng mỗi nhà một kiểu, nhưng giống nhau ở chỗ đều thơm ngon cả.
|
Và cũng tùy vào các loại nguyên liệu khác nhau mà màu bánh đùng cũng khác nhau. Nếu làm bằng hạt gạo và đậu xanh thì bánh có màu xanh. Nếu làm bằng gạo và hạt bắp thì cho màu vàng. Còn nếu làm bằng gạo và đậu phộng thì bánh có màu nơi nâu đỏ.
Nghĩ lại cảnh ngồi xếp hàng chờ làm bánh đùng ở quê ngày ấy thật vui. Không chỉ có bọn con nít chúng tôi háo hức chờ đợi, mà cả người lớn cũng tập trung rất đông.
Sau khi máy được khởi động, nổ váng trời, chúng tôi nhanh chóng đổ nguyên liệu đã trộn sẵn vào chiếc thau nhôm. Người làm bánh trộn đều một lần nữa rồi đổ vào cái phễu ở đầu máy. Tiếng máy rồ lên, một lát sau, ở đầu máy bên kia, những ống gạo thuôn dài chạy ra, nóng bỏng và bốc khói nghi ngút. Người làm bánh nhanh tay dùng kéo cắt ống bánh thành từng đoạn, dài ngắn tùy theo ý muốn và sở thích của mỗi người. Có lẽ vì thế mà còn có tên gọi là bánh ống chăng.
Mẻ bánh nhà nào ra trước đều được chủ nhân mời nếm thử để “kiểm tra” xem có thơm ngon không, căn cứ vào đó mà điều chỉnh lại nguyên liệu cho phù hợp hơn.
Bánh làm ra vừa giòn, vừa xốp, lại rất thơm mùi gạo, mùi đậu xanh, đậu phộng, kết hợp với chút ngòn ngọt của đường nên không chỉ bọn con nít chúng tôi thèm thuồng mà cả người lớn cũng rất thích.
Tôi mê nhất là được thưởng thức những chiếc bánh đùng vừa mới ra lò, phải nói là thơm ngon vô cùng. Lúc này bánh có độ giòn nhất, thơm nhất, cho vào miệng cắn một miếng, nghe rõ từng tiếng giòn rụm, mùi thơm của gạo và các loại đậu lan tỏa, ngậm một chút trong miệng, thấy thấm đẫm hương thơm, vị bùi, dẻo.
|
Nhà tôi đông người, mỗi lần làm bánh đùng cũng vài ký gạo, đậu xanh, đậu nành trộn lẫn. Bởi vậy mà số lượng bánh đùng làm ra khá nhiều. Mỗi lần làm bánh là má chuẩn bị cả mấy bịch ni lông lớn để mấy chị em tôi đựng bánh mang về.
Điều đặc biệt nhất là mỗi khi làm bánh đùng là đi đâu trong xóm cũng thấy bọn trẻ con ăn bánh đùng. Đi học về đói bụng là chúng tôi lại lấy ngay bịch bánh đùng ra ăn. Những buổi tối ngồi xem ti vi, người lớn cũng lấy bịch bánh đùng ra ăn cho đỡ buồn miệng. Bởi vậy mà dù làm đến mấy bịch bánh đùng to nhưng cũng chỉ mấy ngày là hết sạch sành sanh.
Xa quê nhiều năm, cũng từng ấy thời gian tôi không còn được đi làm bánh đùng, không còn được ăn bánh đùng. Chiều mưa rả rích, đứa bạn thân gửi cho tôi bức ảnh chụp những chiếc bánh quê kiểng ấy và than rằng “nhớ quá hương vị bánh đùng”.
Ký ức những ngày thơ ấu đạp xe đi làm bánh đùng tưởng đã ngủ quên chợt sống dậy trong tôi. Và cứ nghĩ chỉ ở quê mới có món bánh dân dã này.
Vậy mà mới đây, thật bất ngờ, khi vào một cửa hàng tạp hóa thì thấy bánh đùng được bày bán rất nhiều. Chị chủ cửa hàng còn kể, bánh đùng bình dân vậy mà rất được nhiều người yêu thích. Nhắm vào thị hiếu của người tiêu dùng nên người sản xuất cũng không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm để cuốn hút thực khách hơn. Bánh đùng bây giờ không chỉ được làm từ hạt gạo trắng mà còn có bánh đùng gạo lứt hoặc bánh đùng ngũ cốc, nên rất thơm, ngon, nhiều dưỡng chất hơn.
Tôi nghĩ, nhiều người thích ăn bánh đùng bởi lẽ loại bánh dân dã này gợi lại ký ức tuổi thơ của bao người.
SÔNG CÔN