• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Hương rượu cần mùa Xuân

31/01/2025 13:25

Giáp Tết, gió băng qua rừng cuốn theo hương thơm của cỏ cây hoa lá từ đại ngàn tràn về khắp các buôn làng dọc sông Đăk Bla. Dòng sông vào mùa khô mặt nước hiền hòa, soi bóng bầu trời trong xanh.

Đứng trên cầu treo Kon Klor phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy dãy Chư Hreng hùng vĩ cùng màu xanh ngút ngàn của những bãi mía, bãi ngô ven sông. Nổi bật trên nền xanh miên man ấy là sắc vàng hoa dã quỳ. Nhìn những cánh hoa đượm màu nắng, rung rinh trong gió, trái tim tôi lại chộn rộn những nhịp đập.

Hơn một năm trước, tôi đến Tây Nguyên sau nhiều lần lỡ hẹn với một người bạn ở Kon Tum. Từng nghĩ rằng Tây Nguyên xinh đẹp với sắc trắng của hoa cà phê. Nhưng cuối tháng Mười Một ở Tây Nguyên đâu phải chỉ có cà phê, hoa dã quỳ, mà còn nhiều điều thú vị lắm, anh bạn tôi mỉm cười nói.

Tôi muốn tự mình khám phá Tây Nguyên nên sáng ra đã dậy thật sớm, một mình trên chiếc xe phân khối lớn rong ruổi qua những con đường đất ngoằn ngoèo. Dọc đường, sắc vàng của hoa dã quỳ đã thu hút tôi, nhìn từ xa mỗi nụ hoa như một đốm lửa nhỏ góp phần cho cảnh sắc nơi đây thêm sinh động.

Làm rượu cần. Ảnh: VÕ DUY TUYÊN

 

Đưa máy ảnh lên, tôi định chụp đồi hoa dã quỳ đang khoe sắc trong nắng thì bất chợt một khoảnh khắc tuyệt đẹp lọt vào ống kính. Thiếu nữ mặc trang phục thổ cẩm, lưng cõng gùi, miệng hát véo von, tay ngắt một bông hoa nhỏ cài lên tóc, rồi mỉm cười thật tươi giữa đồi hoa vàng. Nhìn kìa, nắng lấp lánh khiến má em ửng hồng và những giọt sương mai long lanh đang dần tan ra trên mi mắt em. Đẹp quá, tôi khẽ thốt lên!

Là một nhiếp ảnh gia, tôi đã bao lần chụp ảnh thiếu nữ bên hoa. Nhưng hiếm có bức ảnh nào lại khiến tôi rung động như bức ảnh vừa chụp. Thiếu nữ giật mình khi thấy tôi, đôi mắt em mở to bất ngờ. Tôi mỉm cười chào em nhưng em lại vội vã bỏ chạy. Theo phản xạ, tôi đuổi theo em, vừa chạy vừa gọi. Tiếng gió ù ù bên tai cùng tiếng thác chảy róc rách khiến em chẳng nghe thấy lời tôi. Cho đến khi em trượt chân vấp ngã. Tôi đến bên khẽ khàng hỏi:

- Em có đau không?

 Em lắc đầu: - Không sao. Anh là ai, sao lại đuổi theo tôi?

- À, tôi. Tôi chỉ muốn nói lời xin lỗi em! Vì đã chụp hình mà chưa xin phép. Nhưng sao em lại bỏ chạy?

  - Không có gì, chỉ là Y Thu thấy thẹn thôi! Từ trước tới giờ Y Thu chỉ dám hát một mình. Vậy mà nay lại để anh thấy điều đó.

Em mỉm cười e ấp, tôi biết tim mình vừa lỡ một nhịp. Chúng tôi cùng đi qua những vạt dã quỳ rực rỡ, băng qua các khe suối, để đi tìm cây rừng làm men rượu cần.

- Rượu cần ngon lắm phải không Y Thu?

- Dạ! Khi nào về làng em sẽ mời anh thưởng thức!

- Nhất trí, nếu Y Thu mời thì anh phải uống đến say mới thôi!

Y Thu cười ngượng ngùng rồi bước đi. Đôi chân em nhanh như chú sóc trong rừng khiến tôi lẽo đẽo theo sau đến mệt nhoài. Đến bên dòng suối nhỏ, em giục tôi vục nước rửa mặt cho mát. Em kể từ nhỏ đã đi rừng cùng ông bà ngoại và dì nên quen rồi. Buột miệng tôi hỏi: “Sao em không đi rừng cùng ba mẹ?”. Bỗng đôi mắt Y Thu đượm buồn. Em kể, mẹ đã mất ngay sau khi sinh em ra. Kể xong, mắt em rớm lệ. Đoán biết tôi có vẻ áy náy, em gượng cười rồi nhanh chóng chỉ tôi cách bóc vỏ cây hiam.

Cây hiam nhựa vàng, một nguyên liệu quan trọng để làm men rượu cần. Ngoài ra, còn cần một số nguyên liệu khác như gạo đỏ, củ riềng dại, ớt rừng. Tôi thắc mắc sao không mua men sẵn ngoài chợ về ủ? Nếu làm thế thì lại không tạo ra rượu cần ngon. Men chính là linh hồn của rượu cần, và nét độc đáo nằm trong linh hồn ấy. Từng loài cây lớn lên trong rừng đã mang trong mình hơi thở của đại ngàn. Vì thế tự nó đã khác biệt. Suốt chặng đường dài Y Thu cứ say sưa kể về rượu cần, tôi như người bị thôi miên, chăm chú lắng nghe và say hương rượu cần qua lời kể của em từ lúc nào không hay.

Uống rượu cần trong lễ hội của làng. Ảnh: NGUYỄN BAN

 

Cạnh dòng sông Đăk Bla thơ mộng, có một ngôi làng cổ. Đi qua những con đường nhỏ, ven đường có nhiều hoa dã quỳ. Cuối con đường có một ngôi nhà sàn, đó là nơi Y Thu sống. Em dẫn tôi lên nhà gặp ngoại A Sơn, ông đang loay hoay bên cây đàn t’rưng. Ông A Sơn coi cây đàn t’rưng như báu vật. Ông bảo nhiều người trẻ vẫn thường tìm đến ông để hỏi về cách làm và chơi đàn t’rưng. Ông thấy vui vì điều đó. Mình luôn giới thiệu đến mọi người những nét đặc sắc của dân tộc mình và coi đó là một cách để bảo tồn văn hóa.

Đoạn ông thở dài bảo nhà sàn cổ của người Ba Na đang dần được thay thế bằng các ngôi nhà hiện đại hơn. Nhưng chừng nào ông còn sống ông sẽ giữ căn nhà sàn cổ này đến cùng. Ông A Sơn hào hứng kể tôi nghe về nhà rông và dân làng, chốc chốc ông lại mỉm cười đôn hậu. Tôi bị cuốn vào câu chuyện của ông cùng tiếng đàn t’rưng như tiếng suối róc rách chảy ra từ vách đá, như hơi thở của đại ngàn vang vọng. Tôi cứ thế chìm đắm trong thanh âm thánh thót ấy một cách rất tự nhiên.

Bà Y Mai vợ ông A Sơn vừa trải qua một trận ốm nặng. Nên hôm nay, gia đình ông tổ chức ăn mừng người ốm khỏe lại. Ông cười mà rằng: “Tôi đã bảo bà Y Mai sẽ sớm khỏe lại thôi, bà ấy phải khỏe lại để bảo ban con cháu làm rượu cần chứ. Bà Y Mai, bà mê làm rượu cần từ nhỏ, nói không chừng bà ấy còn mê rượu cần hơn cả mê tôi đấy con ạ!”.

Ông mỉm cười vít cần uống rượu. Bên ché rượu cần thơm nồng, mọi người cùng vui vẻ chuyện trò. Tôi vít cần, ngụm đầu tiên, vị đăng đắng, cay cay nơi cuống cọng, ngụm tiếp theo, vị cay đắng tan dần để lại vị ngọt thanh mát nơi đầu lưỡi. Hương vị của rượu cần thật đặc biệt, càng uống càng mê. Bên bếp lửa bập bùng, đôi mắt Y Thu lấp lánh những cái nhìn ấm áp. Và tôi thiếp đi trong men say.

Sáng ra, nắng xuyên qua khe cửa chói chang. Tôi choàng mở mắt, xung quanh rộn ràng âm thanh của cuộc sống. Phía nhà chồ, ông A Sơn đang chăm chú dạy đứa cháu nhỏ chơi đàn t’rưng. Cạnh đó, bà Y Mai trông vẻ mặt tươi tỉnh, giọng bà đều đều: “Phải giã đều tay và thật kỹ có thế men rượu mới ngon”. Thì ra, mọi người đang cùng dã nguyên liệu để làm men rượu cần và dịp đó tôi may mắn được trải nghiệm cách làm rượu cần của bà con nơi đây.

Tôi đỡ lấy chày, làm theo chỉ dẫn, chỉ một lát tay tôi đã mỏi nhừ nhưng Y Thu và mọi người vẫn rất hăng hái. Sau khi hỗn hợp được dã nhuyễn thêm chút nước vào rồi tiến hành nặn bánh men. Y Thu chỉ tôi cách nặn bánh men, em nặn bánh men tròn và bánh men vuông, rồi xếp chúng thành một cặp. Tôi chưa kịp thắc mắc bà Y Mai đã mỉm cười bảo: “Yàng tạo ra vạn vật đều có đôi, có cặp, men rượu cũng vậy. Men rượu này gọi là men “trống mái”, khi ta gieo vào đó tình yêu thì ắt sẽ có trái ngọt!”. Có thể chính điều đó khiến rượu của làng có hương vị đặc biệt hơn các loại rượu cần nơi khác. Nghe nói, lượng khách đặt rượu ngày một nhiều hơn nhưng bà Y Mai vẫn vững tâm đảm bảo chất lượng hơn số lượng.

Men rượu làm xong cần được phơi khô, sau đó đem giã nhỏ và trộn đều với cơm. Cần trộn thêm ít vỏ trấu vào hỗn hợp cơm và men rồi ủ ít nhất 10 ngày mới có thể thưởng thức được. Y Thu ân cần chỉ tôi từng công đoạn làm rượu cần. Em mời tôi xem những ché rượu đủ loại đã lên hương thơm nồng với vẻ tự hào hiện rõ trong ánh mắt.

Mấy ngày trôi qua thật nhanh. Đêm trước khi ra về, lòng tôi cứ khắc khoải, tiếng thở dài như nghẹn lại trong lồng ngực. Có lẽ, tôi không muốn rời xa nơi này.

- Mai anh Đăng về Hà Nội phải không? Y Thu đã đứng cạnh tôi từ lúc nào không hay, em dịu dàng hỏi.

- Ừ, mai anh sẽ về sớm!

- Hà Nội đẹp lắm phải không anh? Giọng Y Thu đượm buồn.

- Ừ, đẹp. Khi nào Y Thu ra Hà Nội anh dẫn đi chơi nhé!

- Em chỉ sợ, lúc đó anh Đăng sẽ chẳng còn nhớ em là ai!

Tôi thoáng nhìn đôi mắt đầy vẻ suy tư của Y Thu, gượng cười:

- Ảnh Y Thu anh còn lưu đầy trong máy, làm sao mà quên được.

- Anh Đăng cứ trêu em, ảnh ở đâu cũng xóa được hết! Nếu người ta không buồn nhớ!

Câu nói ấy làm tôi chợt nhớ đến mối tình đầu của mình. Tôi đã từng lưu ảnh người ấy đầy trong máy, lưu cả trong tim tôi. Tôi đã yêu em bằng tất cả mơ mộng của tuổi trẻ nhưng rốt cuộc chúng tôi vẫn chia xa. Bởi trưởng thành rồi, nếu chỉ có tình yêu thì chưa đủ. Em không thể chỉ yêu mãi một người mà trong lòng chỉ có những lãng mạn mơ hồ. Phải, em có quyền được lựa chọn điều tốt nhất cho em. Người ấy cho em sự yên tâm và trưởng thành. Tôi đã xóa mọi bức ảnh liên quan đến em nhưng chỉ có bức ảnh trong tim là tôi chẳng thể xóa, đôi lúc nghĩ đến em, tôi thấy tim mình nhói đau.

Tôi nhìn vào khoảng không mênh mông buột miệng hỏi:

- Vậy. Nếu lỡ lưu vào trong tim thì liệu có xóa được không?

Y Thu nhìn tôi lặng yên không trả lời.

Cả đêm tôi nằm thao thức. Đôi mắt Y Thu cứ chập chờn trong tâm trí. Tôi đẩy cửa bước ra, em đã đứng đó, giọng nghẹn ngào:

- Lát anh Đăng về mạnh giỏi nghe!

- Y Thu giữ gìn sức khỏe, gắng làm rượu cần thật ngon. Khi nào có dịp anh sẽ quay lại thăm em.

Tiếng ông A Sơn đều đều: “Y Thu dẫn anh Đăng ra đường lớn đi con. Con Đăng đi mạnh giỏi. Khi nào Y Thu lấy chồng, con nhớ đến chung vui nha!”.

Câu nói của ông A Sơn  khiến lòng tôi như chết lặng. Tôi muốn nói một điều gì đó nhưng lại không thể. Tôi cũng chẳng hiểu nổi cảm xúc của mình lúc đó.

- Anh Đăng có muốn uống rượu cần do chính tay mình làm men không, em ủ rượu đến khi nào uống được sẽ gửi ra Hà Nội cho anh - giọng Y Thu thủ thỉ.

- Không cần đâu. Em cứ giữ hộ, anh sẽ sớm quay lại!

Nói rồi, tôi vít ga lao đi. Qua gương chiếu hậu, bóng Y Thu nhỏ dần. Mắt tôi cay xè.

*

Sau hơn 1 năm, tôi đã trở lại Tây Nguyên. Tôi muốn tìm Y Thu để khoe với em rằng, các bức ảnh tôi chụp em đã đoạt giải tại triển lãm ảnh về “vẻ đẹp Tây Nguyên”. Qua triển lãm nhiều người biết đến vẻ đẹp mộc mạc của cô gái Tây Nguyên bên hoa dã quỳ và bên các ché rượu cần. Nhưng tôi lại sợ lỡ đâu Y Thu chẳng còn nhớ tôi nữa, biết đâu hiện tại em đã có một bến đỗ bình yên.

“Cậu khờ lắm, nếu không đi thì sao biết kết quả”. Anh bạn vỗ vai tôi động viên.

Băng qua những con đường vàng rực hoa dã quỳ. Tôi đến ngôi nhà sàn cũ, người đầu tiên tôi gặp là ông A Sơn. Ông nheo mắt nhìn rồi reo lên:

- Đăng phải không, mày vẫn còn nhớ chúng tao à?

- Dạ, con Đăng đây ạ! Mọi người vẫn khỏe cả chứ ạ?

- Ừ, chúng tao đều khỏe, chỉ con Y Thu là không ổn thôi!

- Y Thu có chuyện gì ạ, ông nói con biết với! - Tôi sốt sắng.

Ông A Sơn thở dài, vẻ mặt trầm ngâm:

- Nó không nghe lời người lớn, không chịu lấy chồng. Suốt ngày chỉ hí hoáy làm rượu cần. Thật chẳng hiểu nổi!

Nghe ông A Sơn nói vậy, tim tôi mừng vui:

- Y Thu đâu rồi ông?

- Giờ này có lẽ nó đang ở nhà rông rồi!

Chẳng chút chần chừ tôi chạy vội qua nhà rông. Ông A Sơn kịp gọi với theo: “Khoan đã Đăng, mang theo rượu cần này!”.

Đêm, nhà rông tưng bừng lễ hội, bên đống lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng ngân vang, các chàng trai, cô gái Ba Na nhịp nhàng trong điệu múa xoang truyền thống. Mọi người vui uống rượu cần để chào đón năm mới. Tôi đến gần Y Thu, cùng vít cần uống rượu. Rượu cần hôm nay sao ngọt quá, càng uống càng thấy tim mình rộn ràng. Hương rượu cần cũng nồng nàn quá, nó thơm hương của đại ngàn, của tình yêu và gì nữa nhỉ? À, có lẽ là hương của mùa Xuân. “Hương rượu cần mùa Xuân, hình như là hương của hạnh phúc”. Tôi khẽ thốt lên trong mê say./. 

TRẦN THỊ THANH TÚ                                                               

   

Các tin khác

  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
  • Đi trong mùa nắng
  • Tháng Ba mùa gặt
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Rattanakiri (Campuchia)
  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS
  • Già Thao Ú giữ nghề đan lát truyền thống
  • [INFOGRAPHIC] Viên chức giáo dục và y tế không nằm trong phương án giảm 20% biên chế
  • Thông cáo báo chí số 4, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
  • Quốc hội thảo luận Tổ các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by