Hương đất lành
Từ tuổi bé thơ đã gắn bó với nơi này, nên càng quý yêu hơn những mùa hoa trái. Bên cạnh những mùa hoa trái mang vị hương của đất lành cao nguyên suốt chặng dài 30 năm kể từ khi tỉnh được thành lập lại, vài năm gần đây thôi, Kon Tum cũng đã có thêm những loài mới được quen tên.
Nói đến hoa trái Kon Tum, trong ký ức của nhiều người đã in hằn những cái tên từ Phương Nghĩa đến Phương Hòa, từ Phương Quý đến Trung Tín; với những mai, cúc, huệ, thược dược, lay ơn, bông thọ…, cùng với nhãn, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long…, mùa nào thức nấy.
Rồi theo năm tháng đi qua, mỗi mùa Xuân đến bên ta, lại thêm những quả những hoa, mang theo niềm vui xôn xao. Càng thêm tự hào vì dù luôn phải vượt mọi khó khăn, cây lá đất đai vẫn lặng lẽ vươn mình hòa nhập từ nỗ lực canh tác theo hướng hữu cơ, bằng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Mỗi lần nhắc về sắc thắm Măng Đen, lòng cứ luôn nhớ chị. Chân tình và cởi mở, người phụ nữ hay lam hay làm Trần Thị Sợi từ vùng quê An Giang xa xôi đã tận tâm mang theo những kinh nghiệm quý báu của mình đến trồng hoa ở nơi rừng núi Măng Đen dạo nào vẫn còn hoang vắng. Trong vai trò người quản lý của HTX Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, nhiều năm liền chị lặn lội sớm hôm, từ khảo cứu, thử nghiệm đến gieo trồng, phát triển thành công các loại hoa tươi xinh, làm đẹp cho mọi người. Từ loại “phổ thông” như đồng tiền, cúc, hồng…, đến các giống mới sang trọng và “đẳng cấp” như lyly, lan hồ điệp, cẩm tú cầu, tulip… là cả chặng dài không quản vất vả, gian nan, không ngừng cố gắng, quyết tâm. Để rồi HTX Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen ghi tên vào top đầu cung ứng hoa đẹp Măng Đen cho cả thị trường trong và ngoài tỉnh.
|
Đón Tết năm nay, cho dù không thể “mạnh tay” trong thời Covid-19 bủa vây, song theo Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, đơn vị vẫn chủ động chuẩn bị đủ số hoa ly, hoa lan, hoa dạ yến thảo... Riêng loài tulip chỉ mới “thành danh” vài năm gần đây, cách Tết chừng hơn một tháng mới bắt đầu xuống giống.
Trong tiết trời sáng trong, đồi cây ăn quả của gia đình ông Vũ Tiến Dũng (thôn 12, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) càng thêm lộng gió. Mùa Xuân đâu chỉ của lá của hoa. Mùa Xuân, ấy cũng là kỳ quả thu quả hái. Để có được niềm vui cứ ngỡ trong mơ, người cựu chiến binh chân chất, siêng năng đã dành đến hơn 20 năm vất vả sớm hôm mới tạo dựng nên “cơ ngơi” vùng đồi rộng 5 ha vừa chuyên canh vừa trồng xen cây ăn quả vào diện tích cà phê như bây giờ.
Ngày ấy, ít vốn, sức lực lại có hạn, ông đã chọn cách bền bỉ, kiên trì, làm “chậm mà chắc”. Bắt đầu khai hoang từ năm 1998-1999, phải đến cả chục năm sau, vùng đồi cao, đất cằn mới dần định hình từng khu sản xuất... Lấy cây ăn quả làm trọng tâm, ngay từ ban đầu, ông đã xác định “chiến lược” đầu tư cho cây sầu riêng, chứ không chỉ đơn thuần chăm lo các loại cam, chanh, bưởi, xoài, chôm chôm, quýt, cóc… Các loại cây trồng theo hướng hữu cơ với hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Trong khi mùa thu sầu riêng tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, cam quýt vẫn có thể cắt bán đều đặn trong năm theo chu kỳ đơm bông kết trái. Vậy nên, từ chưa đầy 200 triệu đồng vào năm 2016, thu nhập đã tăng lên 600 triệu đồng trong năm 2020. Cho dù ảnh hưởng Covid-19 liên miên, mức thu năm nay cũng tầm 300-400 triệu đồng.
Từ 20 ha trồng thử vào năm 2018 ở thôn Kon Hnong Yốp (xã Đăk Hring) và thôn 8 (xã Diên Bình), đến nay, HTX Bắc Tây Nguyên Farm đã phát triển được 100 ha chuối tại huyện Đăk Hà, Đăk Tô, thành phố Kon Tum. Với tổng sản lượng 5.000-6.000 tấn chuối quả/năm, đơn vị ổn định đầu ra, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông…, cộng với tiêu thụ trong nước (Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam…).
Mới đó, mà đã qua năm thứ 2 dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cho dù thử thách đến đâu, thì hoa trái ngọt thơm vẫn đồng hành cùng với mọi nhà. Sức hấp dẫn, lời gọi mời từ các thị trường rộng lớn, tiềm năng càng tạo thêm động lực để lĩnh vực được kỳ vọng này của vùng cực Bắc Tây Nguyên thêm tự tin đi tới./.
Nghĩa Hà