Học thật – học giả!
Năm học 2018 - 2019 đã bắt đầu và đâu đó vẫn còn những nỗi băn khoăn, trăn trở của không ít thầy cô giáo, của phụ huynh, của học sinh về chuyện điểm thật – điểm giả, học thật – học giả.
Cũng phải, không băn khoăn sao được khi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chuyện điểm thật – điểm giả, chuyện nâng điểm thần tốc, cá biệt có những em từ thủ khoa lại thành trượt đại học sau khi chấm thẩm định ở một số địa phương đã khiến cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên suy giảm niềm tin vào sự công bằng của ngành Giáo dục, của thi cử.
Không ít người đã đặt những câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu mọi chuyện suôn sẻ, trót lọt, không bị phát giác? Phải chăng các em học giả - thi giả sẽ lấy mất đi cơ hội vào trường đại học danh tiếng của bao nhiêu học sinh học thật – thi thật? Phải chăng các em học giả - thi giả này sẽ vào đời bằng nhiều hành trình giả tiếp theo? Hay đáng buồn hơn là “sản phẩm” của học giả - thi giả sẽ tạo nên một thế hệ mà ở đó chuộng hư danh, giả dối? Còn những cán bộ, giáo viên tiếp tay cho học giả - thi giả sẽ lại theo “vết xe đổ” của năm 2018, tiếp tục hành trình nâng điểm thần tốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thậm chí, người nọ mách nhỏ người kia, kiểu tiếp tay cho học giả - thi giả này biết đâu còn được mở rộng cả về số lượng lẫn quy mô, không chỉ trong kỳ thi THPT quốc gia năm sau, năm sau nữa…, mà còn cả trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi chuyển cấp, các bài kiểm tra học kỳ?…
Và chẳng phải, chuyện học giả - điểm giả trong kỳ thi THPT vừa qua là hệ quả tất yếu của bệnh thành tích vốn kéo dài nhiều năm nay trong ngành Giáo dục? Bệnh thành tích nên hầu như cả lớp đều được xếp loại học sinh giỏi và hầu như ở bậc tiểu học chẳng có lấy một học sinh ở lại lớp. Bệnh thành tích nên mới có những tiết thao giảng dự giờ được tập dượt, “mớm” câu hỏi trước cả mấy hôm. Bệnh thành tích nên đâu đó có những học sinh ngồi “nhầm lớp”, những sản phẩm giáo dục “lỗi”, như chuyện một học sinh lớp 6 ở Trà Vinh đọc không thông, viết không thạo nên nhà trường từ chối tiếp nhận, trả về lại lớp 1…
Mà cũng nhắc đâu xa, ngay đầu năm học mới 2018-2019 này, lãnh đạo một trường THCS có tiếng trên địa bàn tỉnh trong cuộc họp với ban đại diện hội cha mẹ học sinh đã phàn nàn rằng, nhà trường khi tổ chức thi tuyển để xếp lớp 6 theo học lực của học sinh mới nhận thấy rằng chất lượng dạy và học vẫn còn lắm băn khoăn. Theo đánh giá của nhà trường, đề thi đưa ra sát với chương trình các em đã được học ở bậc Tiểu học (cụ thể là chương trình lớp 5), nhưng kết quả đạt được lại rất thấp. Lãnh đạo nhà trường cũng tính đến yếu tố mấy tháng hè, các em không ôn lại bài dễ quên đi phần nào; nhưng, đến mức trái ngược với những điểm 10 đỏ chót cuối năm thì cũng là điều đáng suy ngẫm.
Có phụ huynh đã không khỏi ngỡ ngàng trước kết quả mà con đạt được qua kỳ thi khảo sát để xếp lớp này. Họ chân thành mà nói rằng, điểm thi đánh giá đúng sức học của con sẽ giúp các bậc làm cha làm mẹ nhận chân được năng lực của con để có phương pháp dạy dỗ phù hợp.
Điều đáng nói, trước câu chuyện này, cũng lắm ý kiến trái chiều. Người thì, con trẻ động viên, khuyến khích là chính. Người thì bày tỏ sự thông cảm, vì chỉ tiêu được giao ngay từ đầu năm học, vì nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, vì danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Và vì một khi giá trị của các trường, của chính các giáo viên vẫn được đánh giá qua các thành tích như: Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh giỏi cao… thì hiệu trưởng, giáo viên phải theo thành tích đó…
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đành rằng là động viên, khuyến khích nhưng phải mang tính giáo dục, đánh giá thực chất dạy và học. Nếu cứ thổi phồng những con điểm lên, động viên, khuyến khích đâu chưa thấy, vô hình trung lại tạo nên tác dụng phụ - phản giáo dục, học sinh dễ ảo tưởng về năng lực bản thân, thích hư vinh, thích hình thức, giả tạo, đối phó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Năm học 2018 – 2019 bắt đầu sau những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, học thật – thi thật trở thành nỗi trăn trở đau đáu của những người thầy, người cô, của các bậc phụ huynh, của các em học sinh và toàn xã hội. Hãy để cho các em học sinh đứng đúng bậc thang kiến thức của mình. Các em sẽ bước từng bước một – dù cho có em nhanh, có em chậm – lên bậc thang cao nhất của kiến thức, đạt được mục đích cốt lõi “học để biết, để làm, để cùng chung sống, để tồn tại”. Và chỉ khi các em nỗ lực học để tìm kiếm sự đam mê đích thực, để từng bước vượt qua được những giới hạn năng lực của bản thân, tức là học thật – để thi thật, thì khi đó các em chắc chắn là những học sinh giỏi thực thụ.
Liễu Hạnh