Học sinh liệu có còn “vô tư” chạy xe máy, xe đạp điện?
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nêu rõ, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A0. Đây là sự thay đổi cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.
Cuối tuần, cô bạn tôi bỗng dưng “triệu tập” hội bạn thân chỉ vì muốn tham khảo ý kiến về việc có nên “đầu tư” cho cậu con trai chuẩn bị lên lớp 11 chiếc xe máy 50cc hay không.
Nghe bạn nói, cậu con trai cứ nài nỉ xin mẹ mua cho chiếc xe máy 50cc để chủ động hơn trong việc đi lại và chị cũng đỡ vất vả hơn khi cứ phải trông chừng giờ giấc rồi sấp ngửa chạy đưa đón con đi học.
Vợ chồng bạn không đến nỗi khó khăn hay tiếc tiền mà không thể mua cho con được chiếc xe, nhưng điều làm bạn tôi băn khoăn, đắn đo là việc con chưa đủ tuổi để thi và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe hạng A1; đồng nghĩa với việc con chưa được học để nắm vững các nguyên tắc, quy định cần thiết khi tham gia giao thông. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và gây tai nạn khi con điều khiển xe tham gia giao thông.
Lâu nay, vấn đề tai nạn giao thông xảy ra đối với lứa tuổi học sinh đã trở thành mối lo chung của toàn xã hội. Bởi, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm trên cả nước có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông, chưa tính đến số lượng các ca chấn thương, thương tật vĩnh viễn cao hơn gấp nhiều lần. Trong đó, 90% số vụ tai nạn giao thông đối với trẻ em những năm gần đây đều rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi và phần lớn là các em sử dụng xe máy dưới 50cc, xe máy điện, xe đạp điện khi đi học.
|
Trong khi theo quy định hiện hành, những người điều khiển các loại xe này thì không cần giấy phép lái xe. Đây có thể nói là “lỗ hổng” trong quy định của pháp luật về việc sử dụng và quản lý các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ.
Thực tế, hiện nay đa số các gia đình vì nhiều lý do như không có thời gian đưa đón con hoặc muốn con tự lập… đã cho con em, nhất là học sinh bậc Trung học phổ thông sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50cc đi học. Đa phần các em đều thiếu hiểu biết và chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Có thể thấy rõ, sau mỗi buổi tan học, từ các trường Trung học phổ thông có đến hàng trăm em học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện, xe máy 50cc tràn ra các ngả đường như “chim vỡ tổ”. Rất nhiều em không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang, chở quá số người quy định, tụ tập dưới lòng đường, đi xe sai phần đường, làn đường; phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không bật xi - nhan, vượt đèn đỏ, không giảm tốc độ khi gặp các ngã rẽ … Và, hậu quả của việc các em xem phương tiện giao thông như một món đồ chơi và việc tham gia giao thông như một cuộc dạo chơi là nguy cơ tai nạn giao thông không chỉ cho chính bản thân các em mà cho cả những người cùng lưu thông trên đường. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn liên quan đến học sinh.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung nội dung tổ chức giấy phép lái xe hạng A0 cho người trên 16 tuổi. Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của người dân và dư luận xã hội.
Theo đó, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo có quy định, giấy phép lái xe hạng A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW. Dự thảo luật cũng nêu rõ, người đủ 16 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A0. Đây là sự thay đổi cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác, góp phần kiềm chế bớt tai nạn giao thông.
Lợi ích thì đã rõ, nhưng, điều mà người dân băn khoăn và mong muốn chính là việc tổ chức thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A0 phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, tránh hình thức và lãng phí. Việc cấp bằng cũng cần đi đôi với kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông cho học sinh. Chỉ khi đó, giấy phép lái xe mới có giá trị và các em không coi đây là cách “hợp thức hóa” cho việc vô tư điều khiển xe trên đường.
Vẫn biết rằng từ dự thảo đến hiện thực là cả một quá trình, nhưng điều quan trọng nhất mà mọi người mong đợi là làm thế nào để quy định này phát huy tác dụng khi đi vào thực tiễn như chính các nhà soạn thảo luật và cả xã hội mong đợi.
Thùy Hương