Hoa tháng ba
Chiều, ánh nắng oi ả của những ngày tháng ba cao nguyên như dịu lại khi bắt gặp nụ cười hoan hỉ của chị.
Chị với tôi vốn chẳng quen thân. Chỉ là, trong nhóm thợ xây nhà cho tôi năm đó có chị phụ hồ. Công trường xây dựng, công việc nặng nhọc, vất vả và cả hiểm nguy những tưởng dành riêng cho cánh đàn ông, có chị như thêm rộn ràng.
Cả mấy tháng trời quan sát, sáng sáng, vợ chồng chị đèo nhau trên chiếc xe máy cọc cạch. Hai dáng người khắc khổ sóng đôi bên nhau, hai đôi mắt ánh lên nét dịu dàng của bầu trời ban mai buổi sớm. Hình như trên những cung đường quen thuộc của phố phường, gió đang rủ rỉ kể câu chuyện thật đáng khâm phục.
Anh bị bệnh nặng, từng chạy chữa ở nhiều nơi, sức khỏe giảm sút. Ngày anh nằm viện, chị vừa chăm chồng vừa nhận làm thêm chăm người bệnh khác, bưng bê căng tin… để có tiền chi phí hàng ngày. Ra viện, chị chạy vạy đi kiếm việc khắp nơi. Chủ thầu thương tình, nhận cả anh lẫn chị vào làm. Như để trả ơn cho người chủ thầu tốt bụng, như để gánh thêm chút nặng nhọc cho chồng, chị chẳng từ nan việc gì. Từ tời cát gạch lên cao, đội đá, đánh vữa…, chẳng chút đắn đo.
Mệt nhọc, chị không dám nghĩ. Mưa phùn, nắng gắt, chị chẳng hề chi. Gắng một chút, kiếm ít tiền ngày công cho chị Hai nộp tiền học phí, cho thằng cu Ba mua ít sách vở, cho con bé út bộ quần áo mới, rồi mua ít sữa, ít thuốc bồi bổ cho anh nữa…
Ngày ngày, mưa, nắng đi qua. Mệt nhọc và có khi có chút chùng lòng. Nhưng chỉ thoáng qua thôi. Chỉ cần ngắm nhìn chồng gầy guộc cũng đang cố gắng xây, tô, quét cho những căn nhà mới; chỉ cần nhìn các con vui đùa, hớn hở kể những chuyện học ở trường, chuyện chị Hai sau giờ học tranh thủ đi làm thêm được những gì; chỉ cần cu Ba lại gần hỏi mẹ có mệt không, còn em Út xoa xoa chút dầu cho mẹ, bóp bóp đôi tay, đôi chân…, chị lại mỉm cười dưới nắng, bắt đầu cho hành trình của ngày mới.
Tôi đã có lần tự hỏi, điều gì khiến chị có nghị lực phi thường đến thế. Để rồi, nhìn gương mặt thấm đẫm những giọt mồ hôi nhưng rạng ngời hạnh phúc khi nói về thành tích học tập của các con, khi nói về sức khỏe của chồng nhờ uống thứ này, ăn thứ kia mà có phần thuyên giảm… có thể phần nào hiểu được.
Cả ngày ở công trình, chiều về chị tất tả việc nhà. Những hôm mưa nhiều không thể đi làm, tháng giêng ít việc, hay giáp tết công trình đã xây xong, chị thẫn thờ lo… Chân tay chẳng ngồi yên, chị lại chạy chỗ nọ hỏi thăm lau dọn nhà, chạy chỗ kia hỏi thu mua đồ phế liệu… Cân đo đong đếm trong khoản tiền công eo hẹp, chị đảm đang lo tiền ăn cho cả gia đình, nuôi các con ăn học…
Dẫu biết chị không kể hết những nhọc nhằn, gian khó, nhưng tôi cảm nhận được sức nặng tấm lòng của chị. Sự hy sinh, sự sẻ chia đã nhen lên nét lấp lánh trong đôi mắt của chị. Những giá trị còn lại không thể nào đong đo, chỉ biết đó là tình yêu lớn lao, sự hy sinh lớn lao của chị dành cho gia đình nhỏ bé. Khi niềm vui được san sẻ, tiếp nhận bằng sự chân thành, có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế.
Biết bao phụ nữ như chị, tần tảo, lặng thầm hy sinh, không từ nan bất cứ công việc gì, cũng không nề hà gian khó, cực nhọc chỉ mong sao cho bữa cơm của chồng con được tươm tất. Biết bao người phụ nữ tràn đầy nghị lực, mạnh mẽ và tháo vát đã viết nên sự sống, ước mơ, tương lai và cả cuộc đời cho những đứa con của mình. Đúng là chẳng có thứ gì lao xao mà bền. Chẳng có thứ gì ồn ào mà sâu lắng. Chỉ có lòng người mẹ thẳm sâu, mênh mông, đi suốt một đời không hết…
Chợt bắt gặp cây hoa dừa cạn mọc lên bờ tường, rễ xù xì bám vào gạch và xi măng cứ thế mà vươn lên. Một sức sống thật mãnh liệt. Dù sống nhờ, tạm bợ, mà nào hề chi, hoa vẫn khoe sắc hồng hồng tim tím rung rinh theo cơn gió.
Bất giác tôi thầm gọi chị và những người phụ nữ như chị là những bông hoa tháng ba. Những bông hoa không ồn ã, âm thầm nở, len giữa cỏ xanh mà vươn lên. Chẳng nề hà gian khó, bình đẳng và quyết liệt khẳng định mình, để gánh gồng đằng sau cả một gia đình nên vô cùng yêu thương và trân quý.
Liễu Hạnh